Lá cờ đỏ ngôi sao vàng 5 cánh - Niềm tự hào của dân tộc Việt Nam

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+

 

Lá cờ đỏ sao vàng luôn xuất hiện kiêu hãnh và tự hào trong những dấu mốc, bước ngoặt của lịch sử đấu tranh, bảo vệ xây dựng của dân tộc Việt Nam.

    Từ những năm đầu của thập kỷ 40, thế kỷ XX, lá cờ đỏ với ngôi sao vàng 5 cánh của Việt Nam xuất hiện lần đầu tiên trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. Trong suốt chiều dài đi cùng những năm tháng lịch sử dân tộc, trong nhiều sự kiện lớn, nhỏ của nhà nước, của nhân dân, của các ngành, các cấp, ở trong nước và quốc tế, …đặc biệt trong những dấu mốc, bước ngoặt của lịch sử đấu tranh, bảo vệ xây dựng đất nước,…đều có sự xuất hiện của Cờ đỏ sao vàng - Lá cờ Tổ quốc.

“Một canh … hai canh … lại ba canh

Trằn trọc băn khoăn giấc chẳng thành

Canh bốn, canh năm vừa chợp mắt

Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh.” (1)

  Những đêm dài Bác Hồ “Trằn trọc băn khoăn giấc chẳng thành” trong lao tù thực dân, hình ảnh “sao vàng năm cánh” đã nói lên tiếng lòng mong muốn được tự do, độc lập, vươn xa của Người cũng như của nhân dân Việt Nam.

  Ngay khi Cách mạng tháng Tám thành công, ngày chính thức khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập, cờ đỏ sao vàng năm cánh đã tung bay trên lễ đài và dưới quảng trường Ba Đình, làm cho không khí ngày lễ Độc lập ấy càng trở nên thiêng liêng và ý nghĩa.

Cờ đỏ sao vàng tung bay trong ngày Độc lập tại Lễ đài Vườn hoa Ba Đình - Hà Nội, ngày 2/9/1945.

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Phông Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Bá Khoản, SLT 106 - 58.

  Để chính thức hóa một trong những biểu tượng của nước Việt Nam độc lập - Quốc kỳ - Lá cờ đỏ ngôi sao vàng năm cánh, 3 ngày sau ngày Độc lập, ngày 5 tháng 9 năm 1945, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã thay mặt Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký ban hành Sắc lệnh số 5 về việc ban hành Quốc kỳ Việt Nam, trong đó Quốc kỳ có “hình chữ nhật, bề ngang hai phần ba bề dài; nền màu đỏ tươi, ở dữa (giữa) có sao năm cánh màu vàng tươi.” (2)

Sắc lệnh số 5-SL ngày 5/9/1945 của Chủ tịch Chính phủ Lâm thời về việc bãi bỏ cờ quẻ ly và ấn định Quốc kỳ Việt Nam.

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Phông Phủ Thủ tướng, hồ sơ 01, tờ 5-6.

  Bước tiếp cùng dòng chảy lịch sử, hình ảnh Quốc kỳ tung bay trên nóc hầm Tướng Đờ-cát-tơ-ri đã một lần nữa chính thức thông báo với toàn dân và khẳng định với thế giới về thắng lợi của dân tộc Việt Nam sau 9 năm trường kỳ kháng chiến, chấm dứt mưu đồ xâm lược của chế độ thực dân kiểu mới ở Việt Nam; đồng thời, cổ vũ, động viên tinh thần toàn dân bước sang trang sử mới, miền Bắc tiến lên xây dựng xã hội chủ nghĩa, trở thành hậu phương vững chắc cho tiền tuyến lớn miền Nam; nhân dân hai miền cùng nhau phấn đấu vì mục tiêu thống nhất nước nhà.

  Sang năm 1955, vẫn những màu sắc chủ đạo (màu đỏ, màu vàng), vẫn hình tượng quen thuộc – lá cờ và ngôi sao vàng năm cánh, Quốc hội Việt Nam đã thống nhất thông qua việc sửa ngôi sao vàng bên trong lá cờ để phù hợp với thời đại và hình ngôi sao ấy trở nên thon gọn, nhẹ nhàng, thanh thoát, vững chãi hơn.

Sắc lệnh số 249-SL ngày 30/11/1955 của Chủ tịch nước Việt nam Dân chủ Cộng hòa về sửa Quốc kỳ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, phông Phủ Thủ tướng, hồ sơ 15, tờ 97-98.

  Thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh mùa xuân vĩ đại năm 1975, Cờ đỏ sao vàng được tung bay trên đỉnh Dinh Độc lập đã mở ra trang mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của dân tộc Việt Nam.

  Trong niềm vui hân hoan sau ngày đại thắng, ngày 4/1/1977, nhân dân hai miền cầm trên tay những lá cờ đỏ sao vàng vẫy chào chuyến tàu đặc biệt: Chuyến tàu thống nhất, chuyến tàu của sum họp, đoàn tụ gia đình Bắc - Nam.

Nhân dân mang cờ, hoa đón đoàn tàu Thống nhất Bắc Nam tại ga Sài Gòn.

Nguồn: Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

  Và nay, trên mọi nẻo đường hoan ca của dân tộc Việt Nam ở trong nước cũng như trên trường quốc tế đều có hình bóng của Quốc kỳ, nhìn lá cờ tung bay tựa như có niềm hân hoan, niềm tự hào trong lòng mỗi người dân Việt vững bước trên con đường xây dựng đất nước đàng hơn, to đẹp hơn như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

  Kỷ niệm 75 năm Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9, một lần nữa hình ảnh Quốc kỳ Việt Nam được tái hiện phần nào trong cuộc Triển lãm “Quốc kỳ, Quốc ca, Quốc huy - Biểu tượng tự hào dân tộc Việt Nam”, giúp các thế hệ hôm nay hiểu hơn về lịch sử Lá cờ đỏ sao vàng theo suốt chiều dài lịch sử cũng như các biểu tượng khác của dân tộc.

Chú thích:

1. Bài thơ “Không ngủ được” trong tập “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

2. Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Phông Phủ Thủ tướng, hồ sơ 01, tờ 5.

 

Đỗ Hương (Trung tâm Lưu trữ quốc gia III)

Theo: https://luutru.gov.vn/

 

Trung bình (0 Bình chọn)

 

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

Đang truy cập: 8,798
Tổng số trong ngày: 9,140
Tổng số trong tuần: 65,531
Tổng số trong tháng: 430,350
Tổng số trong năm: 1,474,255
Tổng số truy cập: 80,689,102