Những dấu ấn của Hiệp định Pa-ri năm 1973

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+

Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (Hiệp định Pa-ri) được ký kết chính thức ngày 27/01/1973 tại Pa-ri, Thủ đô nước Cộng hòa Pháp. Với 9 chương, 23 điều, Hiệp định đã trở thành tâm điểm của dư luận, của phong trào đấu tranh đòi hòa bình trên thế giới thời điểm bấy giờ, đồng thời, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong tương quan lực lượng trên chính trường, cũng như chiến trường giữa Việt Nam - Hoa Kỳ và tạo nên những dấu ấn đặc biệt đối với ngành ngoại giao nói riêng và lịch sử dân tộc Việt Nam nói chung trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

      Trước hết, Hiệp định Pa-ri là thành quả của cuộc đấu tranh kiên cường, bền bỉ, lâu dài trong lịch sử ngoại giao Việt Nam với 4 năm, 8 tháng, 14 ngày. Theo Bản kiểm thính tin đài Hà Nội ngày 14/5/1968 của Phủ đặc ủy trung ương tình báo Việt Nam Cộng hòa, “10 giờ 30 sáng 13/5/1968 tại Paris tức là 16g30 giờ Hà Nội, đã tiến hành phiên họp đầu tiên của cuộc nói chuyện chính thức giữa đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và đại diện Chính phủ Mỹ”.

Đoàn đại biểu Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa dự phiên họp khai mạc cuộc hội đàm chính thức giữa đại diện Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và đại diện Chính phủ Mỹ trong Hội nghị Pa-ri, ngày 13/5/1968.

      Thời khắc Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được “làm tại Paris ngày hai mươi bảy tháng Giêng năm một nghìn chín trăm bảy mươi ba (27/01/1973), bằng tiếng Việt Nam và tiếng Anh”3 do 4 bên Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Chính phủ Hoa Kỳ và Chính phủ Việt Nam Cộng hòa ký kết đã khép lại quá trình đấu lý, đấu trí trên bàn đàm phán này.

      Thứ hai, Hiệp định Pa-ri được ký kết đã thể hiện rõ vai trò, vị trí quan trọng của ngoại giao trong kiềng ba chân - mặt trận: chính trị - quân sự - ngoại giao. Trong cuộc chiến ấy, cùng với sự chỉ đạo sát sao của Đảng, với tinh thần đoàn kết, đồng tâm hiệp lực, khả năng phân tích cục diện trên bàn đàm phán, chiến thuật ngoại giao “vừa nhu, vừa cương”, “vừa đánh, vừa đàm” của các thành viên trong Đoàn ngoại giao của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa,…cùng với mặt trận quân sự đã làm lay chuyển tình thế, buộc phía Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa ngồi vào bàn đàm phán và ký kết bản Hiệp định.

      Hơn nữa, Hiệp định Pa-ri còn là thành quả của cuộc vận động ngoại giao rộng lớn không chỉ trong nước, kiều bào Việt Nam ở nước ngoài mà còn là mọi tầng lớp nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới như: Mỹ, I-ta-lia. Nhân dân, Đảng, Chính phủ Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình cả về vật chất lẫn tinh thần của lực lượng ấy, từ những đợt viện trợ thuốc men, thiết bị y tế, quân trang, khí giới, đạn dược,… đến các cuộc đấu tranh trên mặt trận không tiếng súng như: báo chí, truyền hình,…hay các cuộc mít tinh, biểu tình chống chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam và đòi hòa bình cho Việt Nam,…

Thư thông báo về việc I-ta-lia viện trợ cho Việt Nam một số thuốc men, dụng cụ y tế, tháng 10/1971.

Trong Nghị quyết ngày 21/02/1973, kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa IV của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng đã một lần nữa khẳng định: “Quốc hội nhất trí tán thành hoạt động của Chính phủ đã thể hiện một cách xuất sắc đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta: đoàn kết toàn dân, đoàn kết quốc tế, kiên quyết đấu tranh trên ba mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao. Thắng lợi của việc chấp hành đường lối đó đã dẫn đến việc ký kết Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam”

Nghị quyết của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về việc ký kết Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được thông qua tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa IV ngày 21/02/1973.

      Thứ ba, nếu cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công và bản Tuyên ngôn Độc lập đã khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; Hay Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam năm 1954 (Hiệp định Giơ-ne-vơ) buộc thực dân Pháp phải chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam, thì Hiệp định Pa-ri năm 1973 đã trở thành Năm đặc biệt khi đây là năm đầu tiên trong lịch sử ngoại giao của Việt Nam, từ khắp năm châu có 21 quốc gia chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam: châu Á (Nhật Bản, Băng-la-đét, I-ran, Ma-lai-xia, Sing-ga-po), châu Âu (Pháp, Bỉ, I-ta-lia, Phần Lan, Hà Lan, Ai-xơ-len, Lúc-xăm-bua, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len), châu Đại dương (Ôtx-trây-lia), châu Mỹ (Ca-na-da, Ác-hen-ti-na) đến châu Phi (U-gan-đa, Bê-nanh, Ghi-nê Bít-xao, Găm-bi-a, Buốc-ki-na Pha-xô).

      Thứ tư, kết quả của Hội nghị Pa-ri là thắng lợi to lớn biểu thị tình đoàn kết của nhân dân hai miền Nam - Bắc. Đồng bào miền Nam đã chủ động đấu tranh trên mọi mặt để giành lại độc lập thống nhất đất nước. Đồng bào miền Bắc đã đấu tranh chống lại âm mưu mở rộng chiến tranh của đế quốc Mỹ, tích cực lao động, sản xuất để chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam. Bên cạnh đó, với thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không năm 1972 của quân dân miền Bắc đã góp phần quan trọng thúc đẩy nhanh chóng hơn nữa quá trình ký kết Hiệp định Pa-ri.

Công nhân Nhà máy dệt kim Đông Xuân (Hà Nội) trong phong trào thi đua “mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, năm 1964 Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Tài liệu ảnh sưu tầm, TCB 301.

      Lời phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh tại Phiên họp thứ 23 ngày 24/01/1973 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa IV về kết quả cuộc đàm phán tại Pa-ri đã khẳng định: “Đây cũng là thắng lợi của toàn dân ta, có truyền thống đấu tranhh anh hùng bất khuất vì tự do, độc lập của dân tộc mình. Đây cũng là thắng lợi của toàn dân ta đoàn kết chặt chẽ trong mặt trận dân tộc thống nhất chống đế quốc Mỹ ở cả hai miền...”.

      Thứ năm, Hiệp định Pa-ri là một trong những tiền đề để mở rộng cánh cửa tiến đến hòa bình, thống nhất Tổ quốc của dân tộc Việt Nam. Hiệp định đã chính thức làm thất bại các âm mưu, chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ tại Việt Nam. Những điều khoản quy định từ việc chấm dứt ném bom, tiếp viện quân sự hay thực hiện rút hết quân Mỹ và đồng minh về nước,…. Tại Điều 2, Hiệp định Pa-ri nhấn mạnh “Cùng ngày giờ nói trên (27/01/1973), Hoa Kỳ sẽ chấm dứt mọi hoạt động quân sự của Hoa Kỳ chống lãnh thổ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bằng mọi lực lượng trên bộ, trên không, trên biển bất cứ từ đâu tới và sẽ chấm dứt việc thả mìn tại vùng biển, các cảng và sông ngòi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa…Việc chấm dứt hoàn toàn chiến sự nói trong điều này là vững chắc và không thời hạn”9. Hay ngay trong Điều 4 cũng quy định rõ ràng “Hoa Kỳ sẽ không tiếp tục dính líu quân sự hoặc can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam”10. Khi Mỹ và quân đồng minh rút dần khỏi chiến trường Việt Nam thì quân đội và Chính quyền Sài Gòn như rắn mất đầu ngày càng trở nên suy yếu, kiệt quệ, đây cũng chính là thời cơ, nguyên nhân quan trọng đưa tới thắng lợi của cuộc Tổng Tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, hoàn thành sứ mệnh thống nhất Tổ quốc của quân và dân ta.

Trao trả tù binh Mỹ tại Sân bay Gia Lâm, ngày 29/02/1973.

Xe tăng Quân Giải phóng húc đổ cổng sắt, tiến vào Dinh Độc lập của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa - Sài Gòn, trưa ngày 30/4/1975.

      Quá trình đấu tranh Hội nghị Pa-ri cũng như thành quả sau khi ký kết là Hiệp định Pa-ri không chỉ là mốc son chói lọi, thể hiện vai trò, sức ảnh hưởng cũng như khả năng, bản lĩnh của Ngoại giao Việt Nam trong tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc và trên trường quốc tế, mà còn là cơ sở để mở rộng con đường thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với các quốc gia trên thế giới. Đồng thời, sự kiện cũng để lại nhiều bài học, kinh nghiệm cho toàn đảng, toàn quân và toàn dân nói chung cũng như ngành ngoại giao nước nhà nói riêng trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

 

Chú thích:

1. Trung tâm Lưu trữ quốc gia II.

2. Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, tài liệu ảnh phông Bộ Ngoại giao, SLT 2979-2242.

3. Trung tâm Lưu trữ quốc gia II, Hiệp định Paris về Việt Nam năm 1973 qua tài liệu của chính quyền Sài Gòn, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2012, tập 2, tr.27.

4. Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Phông Phủ Thủ tướng, Mục lục 3, hồ sơ 8729.

5, 6. Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Phông Quốc hội, hồ sơ 1713

7. Http://www.mofahcm.gov.vn/vi/mofa/cn_vakv

8. Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Phông Quốc hội, hồ sơ 1755, tờ 17.

9, 10. Trung tâm Lưu trữ quốc gia II, Hiệp định Paris về Việt Nam năm 1973 qua tài liệu của chính quyền Sài Gòn, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2012, tập 2, tr.15-16.

11. Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, tài liệu ảnh phông Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Bá Khoản, số 1444-12445.

12. Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, tài liệu ảnh giai đoạn 1954-1985, SLT 468.

 

Đỗ Hương (Trung tâm Lưu trữ quốc gia III)

Theo: https://luutru.gov.vn

 

Trung bình (0 Bình chọn)

 

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

Đang truy cập: 8,600
Tổng số trong ngày: 1,225
Tổng số trong tuần: 71,134
Tổng số trong tháng: 266,694
Tổng số trong năm: 1,768,177
Tổng số truy cập: 80,983,024