Sự sáng tạo của Hồ Chí Minh trong quá trình cải tổ và hoàn thiện Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (từ tháng 8/1945 đến tháng 11/1946)

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+

Trong giai đoạn từ tháng 8/1945 đến tháng 11/1946, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trải qua 5 lần cải tổ, từ Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam (UBDTGPVN) đến Chính phủ lâm thời, Chính phủ Liên hiệp lâm thời, Chính phủ Liên hiệp kháng chiến và Chính phủ kháng chiến - Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Quá trình này diễn ra trong hoàn cảnh lịch sử đặc biệt của đất nước, có nhiều điểm độc đáo, thể hiện vai trò lãnh đạo tài tình, sáng tạo Hồ Chí Minh.

1. Vai trò của Hồ Chí Minh trong thành lập Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam - hình thức tiền Chính phủ

Từ tháng 9/1940, quân phiệt Nhật đưa quân vào chiếm Đông Dương, nhân dân Việt Nam bị đặt dưới ách thống trị vô cùng tàn bạo của hai kẻ thù xâm lược Pháp-Nhật. Đồng bào cả nước mong muốn nổi dậy đánh đuổi bè lũ cướp nước, giành quyền độc lập, tự do cho dân tộc. Đáp ứng nguyện vọng tha thiết đó, Hội nghị Trung ương 8 (5/1941) của Đảng, do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trì, quyết định “Cần phải thay đổi chiến lược”. Nghị quyết nêu rõ: trong giai đoạn cách mạng hiện tại, nhiệm vụ của cách mạng Đông Dương là đánh đuổi Pháp - Nhật, giành độc lập cho xứ Đông Dương. Hội nghị chủ trương xây dựng Mặt trận Việt Minh nhằm đoàn kết các giai cấp, dân tộc, tôn giáo, đảng phái, cá nhân yêu nước để đánh đuổi giặc ngoại xâm, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Thành lập Mặt trận Việt Minh là một sáng kiến lớn của Nguyễn Ái Quốc,  đúng như đồng chí Võ Nguyên Giáp viết: “Trong những ngày ở Quế Lâm, có lần Bác bàn với chúng tôi: Trong tình hình mới, vấn đề đoàn kết toàn dân giải phóng dân tộc càng quan trọng. Ta phải nghĩ đến việc lập một hình thức mặt trận thật rộng rãi, có tên gọi cho thích hợp. Việt Nam giải phóng đồng minh? Việt Nam phản đế đồng minh? hay là Việt Nam độc lập đồng minh? có thể gọi tắt là Việt Minh cho nhân dân dễ nhớ”(1). Nhiệm vụ trên được thực hiện thí điểm thành công tại ba châu: Hà Quảng, Hòa An và Nguyên Bình thuộc tỉnh Cao Bằng.

Sau Hội nghị Trung ương 8 (5/1941), Đảng khẩn trương triển khai tổ chức thực hiện nghị quyết Hội nghị, xúc tiến xây dựng lực lượng mọi mặt, trước hết là xây dựng các đoàn thể Việt Minh trên toàn quốc.

Ngày 09/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, độc chiếm Đông Dương. Cuộc đảo chính của Nhật tạo ra những thách thức mới cũng như những điều kiện thuận lợi mới cho cuộc chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang của nhân dân ta. Trước tình thế đó, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp Hội nghị mở rộng ra Chỉ thị “Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, xác định: đế quốc phát xít Nhật là kẻ thù chính-kẻ thù cụ thể, trước mắt duy nhất của nhân dân Đông Dương.

Trong làn sóng khởi nghĩa từng phần, chính quyền cách mạng của nhân dân đã dần dần hình thành và phát triển ở nhiều nơi trên đất nước, để làm rõ vai trò và chức năng của chính quyền cách mạng, ngày 16/4/1945, Tổng bộ Việt Minh ra Chỉ thị tổ chức Ủy ban dân tộc giải phóng, nêu rõ: “Ủy ban dân tộc giải phóng là hình thức tiền chính phủ, trong đó nhân dân học tập để tiến lên giành chính quyền cách mạng”(2). Theo đó, ở trong các làng xã, xí nghiệp thành lập “Ủy ban giải phóng”, “Ủy ban nhân dân cách mạng”. Ủy ban này vừa có tính chất mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi, vừa có tính chất “tiền Chính phủ” trong các xí nghiệp, các làng... Việc hình thành các tổ chức ấy có tác dụng to lớn trong việc tập dượt nhân dân tự mình nắm lấy vận mệnh của mình, tự cởi bỏ dần xiềng xích, tự cải thiện đời sống cho mình, mà không cần đếm xỉa đến chính quyền phát xít Nhật và bọn bù nhìn bán nước tay sai của Nhật. Đồng chí Trường Chinh nhận xét: “Dùng những Ủy ban nhân dân và Ủy ban giải phóng làm bước chuyển tiếp lên chính thể cộng hòa dân chủ, đó là một đặc điểm hết sức thú vị của chiến thuật Việt Minh trong thời kỳ tiền khởi nghĩa”(3).

Tháng 5/1945, Hồ Chí Minh từ Cao Bằng về Tân Trào, Sơn Dương, Tuyên Quang để lãnh đạo cách mạng. Người đã đề nghị triệu tập toàn quốc đại biểu đại hội. Vấn đề này được Người nêu ra từ tháng 10/1944, trong “Thư gửi tới đồng bào cả nước”, vạch rõ sự cần thiết phải triệu tập toàn quốc đại biểu đại hội để lập ra một “cơ cấu đại biểu cho sự chân thành đoàn kết, hành động và nhất trí của toàn thể quốc dân ta”(4).

Ngày 04/6/1945, Hội nghị cán bộ Việt Minh quyết định thành lập Khu giải phóng gồm hầu hết các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Thái Nguyên, Tuyên Quang và một số vùng của các tỉnh lân cận… Tân Trào được chọn là Thủ đô Khu giải phóng. Chính quyền cách mạng ở Khu giải phóng thực hiện cương lĩnh của Việt Minh. Về hình ảnh Khu giải phóng, đồng chí Trường-Chinh nhận định: “Nước Việt Nam mới phôi thai từ đó… Một phần Bắc Bộ thực tế đặt dưới chính quyền cách mạng”(5).

Ngày 14/8/1945, Nhật Hoàng tuyên bố đầu hàng các nước Đồng minh, tin đó đã thổi bùng ngọn lửa cách mạng trong toàn quốc. Thời cơ đã đến, điều kiện để tổng khởi nghĩa đã chín muồi. Ngày 16-8-1945, tại Tân Trào, Đại hội quốc dân được khai mạc, có hơn 60 đại biểu thuộc đại biểu các đảng phái, các đoàn thể nhân dân, các dân tộc, các tôn giáo của 3 kỳ: Bắc, Trung, Nam; Việt kiều Thái Lan và Lào về dự, để cùng quyết định vận mệnh non sông đất nước. Đại hội là tiếng nói chung của đồng bào cả nước, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, là tiếng nói thống nhất giết giặc, cứu nước. Đại hội thống nhất thông qua bản đề án của Tổng bộ Việt Minh về Tổng khởi nghĩa và bầuỦy ban dân tộc giải phóng Việt Nam(6) do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, Trần Huy Liệu làm Phó Chủ tịch. Đại hội ra lời hiệu triệu toàn quốc sẵn sàng chiến đấu, đoàn kết phấn đấu thi hành 10 điểm của Mặt trận Việt Minh. Đại hội quy định Quốc kỳ là lá cờ đỏ sao vàng năm cánh, Quốc ca là bài “Tiến quân ca” của nhạc sĩ Văn Cao.

Đại hội quốc dân đã thông qua những vấn đề mà một nhà nước phải làm, thành lập UBDTGPVN đóng vai trò như “chính phủ lâm thời” của nước Việt Nam trước khi thành lập chính phủ chính thức. Chính phủ này thay mặt quốc dân mà giao thiệp với nước ngoài và chủ trì công việc cấp bách trong nước.

Từ đây, cách mạng Việt Nam đã có một tiếng nói thống nhất, một cơ cấu đại diện đúng đắn. Đây là một yếu tố quan trọng đưa đến thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Việc thành lập UBDTGPVN, đóng vai trò là “chính phủ lâm thời”, lãnh đạo cách mạng trong thời kỳ tiền khởi nghĩa là một nét độc đáocủa cách mạng Việt Nam.

2. Sự sáng tạo của Hồ Chí Minh trong 5 lần cải tổ, hoàn thiện Chính phủ (9/1945 - 11/1946)

Ngày 02/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, chính thức tuyên bố nền độc lập của Việt Nam và khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tuyên ngôn Độc lập là văn bản pháp lý đầu tiên vô cùng quan trọng của Nhà nước dân chủ nhân dân Việt Nam. Tuyên ngôn Độc lập đặt nền móng vững chắc cho đường lối đối nội, đối ngoại của Nhà nước Việt Nam mới.Để phù hợp với tình hình mới, UBDTGPVN tự cải tổ thành Chính phủ lâm thời. Chính phủ lâm thời có cơ cấu gồm 15 thành viên, do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, đã chính thức làm lễ ra mắt quốc dân đồng bào. Nói về Chính phủ lâm thời, Hồ Chí Minh nêu rõ: “Nó thật là một Chính phủ quốc gia thống nhất, giữ trọng trách là chỉ đạo cho toàn thể, đợi ngày triệu tập được Quốc hội để cử ra một Chính phủ cộng hòa chính thức”(7). Chính phủ lâm thời bao gồm đông đảo các thành phần trong xã hội, bước đầu có cơ cấu tương đối hoàn chỉnh gồm 13 bộ: đứng đầu các bộ là các lãnh tụ cộng sản, những đại diện của Đảng dân chủ, của Mặt trận Việt Minh, những nhân sĩ yêu nước(8). So với UBDTGPVN, thành phần của Chính phủ lâm thời gồm nhiều đại diện của các đảng phái, đoàn thể, mang tính dân chủ hơn, mở rộng thành phần tham gia, đoàn kết được mọi tầng lớp nhân dân.

Ngay từ những ngày đầu của chính quyền dân chủ nhân dân, các thế lực đế quốc, phản động quốc tế đã câu kết, bao vây, chống phá cách mạng non trẻ Việt Nam. Vận mệnh đất nước rơi vào thế “ngàn cân treo sợi tóc”, Đảng và Chính phủ kiên quyết giữ vững chính quyền, thẳng thắn lên án những hành động phá hoại của bọn phản động và kêu gọi toàn dân đoàn kết; khẳng định ý chí và quyết tâm của dân tộc Việt Nam. Chính phủ lâm thời khẳng định: “khẩu hiệu chính của chúng ta trong lúc này là độc lập và chỉ một cách để thực hiện khẩu hiệu ấy là đoàn kết”(9).

Để đoàn kết rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân, ngày 01/01/1946, Chính phủ lâm thời tự cải tổ thành Chính phủ Liên hiệp lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Chủ tịch kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Nguyễn Hải Thần làm Phó Chủ tịch. Chính phủ Liên hiệp lâm thời ra đời dựa trên cơ cấu, tổ chức của Chính phủ lâm thời, gồm 18 thành viên: ngoài bộ trưởng, còn 2 thứ trưởng(10).

Chính phủ này thể hiện sự mở rộng các thành phần tham gia, thêm một số thành viên của Việt Quốc, Việt Cách, nhằm cùng một mục đích để giữ vững nền độc lập. Trong buổi lễ cải tổ Chính phủ lâm thời thành lập Chính phủ Liên hiệp lâm thời, Chính phủ đã tỏ rõ sức mạnh đoàn kết quốc dân Việt Nam. Việc thành lập Chính phủ Liên hiệp lâm thời thể hiện sự khôn khéo của Đảng trong sách lược phân hóa kẻ thù.

Chính phủ Liên hiệp lâm thời cũng nêu rõ mục đích, tuyên ngôn như sau: “Vì muốn tranh thủ hoàn toàn nền độc lập, muốn có sự hợp tác chặt chẽ giữa các đảng phái để làm cho Chính phủ mạnh mẽ thêm, nên nay thay đổi thành Chính phủ liên hiệp lâm thời. Trong giai đoạn này các đảng phái đoàn kết thì Chính phủ mới vượt qua được các cơn gió sóng gió. Hết thảy quốc dân Việt Nam ai cũng mong chờ Chính phủ Liên hiệp lâm thời giữ chức đến Quốc hội thì sẽ đổi thành Chính phủ Liên hiệp chính thức”(11).

Chính phủ Liên hiệp lâm thời thực hiện chương trình đối nội là ra sức thống nhất chính trị, điều hành thực hiện nhiệm vụ tăng gia sản xuất chống nạn đói và tích cực chuẩn bị chống ngoại xâm. Về đối ngoại, thực hiện nhiệm vụ trước mắt là làm sao cho các nước công nhận nền độc lập của nước Việt Nam; thân thiện với kiều dân ngoại quốc, nhất là Hoa kiều, bảo vệ tính mệnh và tài sản của kiều dân Pháp không làm hại đến nền độc lập của Việt Nam.

Để hoàn thiện về mặt pháp lý, Chính phủ đã gấp rút chuẩn bị tổ chức Tổng tuyển cử để bầu Quốc hội, thành lập Chính phủ chính thức. Về việc này, ngay trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ lâm thời (03/9/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu”(12). Ngày 08/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Sắc lệnh số 14/SL ghi rõ: “Chiếu theo Nghị quyết của Quốc dân Đại hội đại biểu họp ngày 16 - 17/8/1945 tại Khu giải phóng, ấn định rằng nước Việt Nam sẽ theo chính thể dân chủ cộng hòa và Chính phủ nhân dân toàn quốc sẽ do một Quốc hội đại hội bầu theo lối phổ thông đầu phiếu cử lên.

Xét rằng nhân dân Việt Nam do Quốc dân Đại hội thay mặt là quyền lực tối cao để ấn định cho nước Việt Nam một Hiến pháp dân chủ cộng hòa”(13).

Thực hiện chủ trương trên, cả nước tiến hành cuộc Tổng tuyển cử ngày 06/1/1946 và đã thu được thắng lợi rực rỡ. Tổng tuyển cử thắng lợi với sự ra đời của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã củng cố tính pháp lý của Nhà nước Việt Nam mới.

Ngày 02/3/1946, tại Hà Nội, Quốc hội khóa I kỳ họp thứ nhất đã họp. Quốc hội trao quyền cho Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập Chính phủ Liên hiệp kháng chiến. Thay mặt Chính phủ, Hồ Chí Minh tuyên thệ: “Chúng tôi, Chính phủ Liên hiệp kháng chiến nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tối cao cố vấn đoàn và ủy viên kháng chiến hội, trước bàn thờ thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội xin thề quyết tâm lãnh đạo nhân dân lãnh đạo kháng chiến thực hiện nền Dân chủ Cộng hòa Việt Nam mang lại tự do, hạnh phúc cho dân tộc trong công cuộc giữ gìn độc lập, chúng tôi quyết vượt mọi khó khăn dù phải hy sinh đến tính mạng cũng không từ”(14).

Lần đầu tiên nước ta có một chính phủ hợp pháp đại diện cho nhân dân Việt Nam-là kết quả cuộc Tổng tuyển cử, ngày 06/01/1946. Chính phủ thực hiện triệt để sự thống nhất các lực lượng của quốc dân về các phương diện quân sự, tuyên truyền, hành chính, tư pháp… tổng động viên tài sản lực lượng toàn thể quốc gia để phục vụ kháng chiến và kiến thiết nước nhà, hạn chế sự chia rẽ đối lập giữa các lực lượng của quốc gia dân tộc. Chính phủ Liên hiệp kháng chiến gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và 10 bộ(15).

Chính phủ Liên hiệp kháng chiến là tổ chức gồm các đại biểu đảng phái và không đảng phái trước đây đã thương lượng và thỏa thuận với nhau nên công việc tổ chức Chính phủ mới được nhanh chóng. Đây là tổ chức gồm các đảng phái lực lượng trong nước để tiến hành cuộc chiến đấu với thực dân Pháp. Việc thành lập Chính phủ Liên hiệp kháng chiến là sách lược khôn khéo của Đảng trong lúc thực dân Pháp xâm lược, việc thành lập lực lượng liên hiệp lúc này là rất cần thiết.

Ngày 28/10/1946 đến ngày 09/11/1946, kỳ họp thứ II của Quốc hội bàn việc lập Chính phủ kháng chiến; ủy nhiệm cho Hồ Chí Minh thành lập Chính phủ theo nguyên tắc đoàn kết tập hợp nhân tài không phân biệt đảng phái và là một Chính phủ kháng chiến, Chính phủ liêm khiết. Hồ Chí Minh khẳng định: “Theo nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ sau đây phải là một Chính phủ biết làm việc, có gan góc, quyết tâm đi vào mục đích, trong thì kiến thiết, ngoài thì tranh thủ độc lập và thống nhất của nước nhà”(16).

Ngày 03/11/1946, Chính phủ nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa do Hồ Chí Minh đứng đầuđã trình diện trước Quốc hội và được Quốc hội nhất trí biểu quyết thông qua (17). Thành phần tham gia trong Chính phủ và cơ cấu của Chính phủ có đủ các đại biểu của ba miền đất nước gồm những chiến sĩ cộng sản, những nhà yêu nước có tài có đức. Một đặc điểm nổi bật của Chính phủ là đã loại được các đảng phái phản động. Khi báo cáo về thành phần Chính phủ trước Quốc hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Tôi có thể tuyên bố trước Quốc hội chú trọng thực tế và sẽ nỗ lực làm việc, để tranh thủ quyền độc lập và thống nhất lãnh thổ cùng xây dựng một nước Việt Nam mới… Chính phủ này là chính phủ toàn quốc có đủ nhân tài Trung-Nam-Bắc tham gia”.

Việc thành lập Chính phủ mới hay còn gọi là Chính phủ kháng chiến với sự kiện toàn về cơ cấu, có chương trình hành động, đánh dấu bước tiến lớn về tư duy chính trị, sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chính phủ kháng chiến thể hiện rõ quan điểm luôn giương cao ngọn cờ đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện chính sách đối nội và đối ngoại mềm dẻo, linh hoạt, rộng mở trên nguyên tắc thống nhất xây dựng chế độ dân chủ, xây dựng thực lực cách mạng nhằm mục đích duy nhất bảo vệ nền độc lập dân tộc, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam, vì độc lập dân tộc, tự do hạnh phúc của nhân dân. Chính phủ thể hiện uy tín và năng lực trước nhân dân, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc Việt Nam. Ngày 09/11/1946, Hiến pháp năm 1946 được Quốc hội biểu quyết thông qua. Trong Hiến pháp quy định: Chính phủ là cơ quan hành chính cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chính phủ phải thi hành các đạo luật và nghị quyết của Quốc hội.

Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được Quốc hội biểu quyết thông qua ngày 03/11/1946, khẳng định Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ đã vượt qua mọi tình thế hiểm nghèo, từng bước hoàn thiện; cơ quan hành chính cao nhất của Nhà nước đã thành hình rất thú vị, từng bước tạo thế và lực cùng toàn Đảng, toàn dân bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trường kỳ gian khổ, nhưng nhất định thắng lợi vẻ vang.

Quá trình ra đời, xây dựng và hoàn thiện Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (8/1945-11/1946) là rất độc đáo, thể hiện khả năng lãnh đạo tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, qua đó để lại nhiều kinh nghiệm có giá trị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay./.

_________________

(1) Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, tr. 32.

(2), (4) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, t. 7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 535, 530-535.

(3) Trường Chinh: Cách mạng Tháng Tám, Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1946, tr. 38.

(5) Trường Chinh: Cách mạng Tháng Tám-Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, t. 1, Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1975, tr. 348.

(6) UBDTGPVN do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, Trần Huy Liệu làm Phó Chủ tịch và các ủy viên: Nguyễn Lương Bằng, Đặng Xuân Khu, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Dương Đức Hiền, Chu Văn Tấn, Nguyễn Văn Xuân, Cù Huy Cận, Nguyễn Đình Thi, Lê Văn Hiến, Nguyễn Chí Thanh, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Hữu Đang. Thường trực của Ủy ban gồm 5 người: Hồ Chí Minh, Trần Huy Liệu, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Lương Bằng, Dương Đức Hiền.

(7) Công báo nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, số 1, ngày 29/9/1945. Lưu tại Thư viện Quốc gia.

(8) Theo Công báo nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, số 1, ngày 29/9/1945. Lưu tại Thư viện Quốc Gia. Chính phủ lâm thời gồm: 1. Chủ tịch kiêm Ngoại giao-Hồ Chí Minh 2. Bộ trưởng Bộ Nội vụ-Võ Nguyên Giáp; 3. Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền-Trần Huy Liệu; 4. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng-Chu Văn Tấn; 5. Bộ trưởng Bộ Tài chính-Phạm Văn Đồng; 6. Bộ trưởng Bộ Thanh niên-Lương Đức Hiền; 7. Bộ trưởng Bộ Quốc dân kinh tế quốc gia-Nguyễn Mạnh Hà; 8. Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội-Nguyễn Văn Tố; 9. Bộ trưởng Bộ Tư pháp-Vũ Trọng Khánh; 10. Bộ trưởng Bộ Y tế-Phạm Ngọc Thạch; 11. Bộ trưởng Giao thông công chính-Đào Trọng Kim; 12. Bộ trưởng Bộ Lao động-Lê Văn Hiến; 13. Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục-Vũ Đình Hòe; 14. Bộ trưởng không giữ bộ nào - Cù Huy Cận; 15. Bộ trưởng không giữ bộ nào Nguyễn Văn Xuân.

(9) Báo Cứu quốc,số 70, ngày 18/10/1945.

(10) Chính phủ Liên hiệp lâm thời được tổ chức theo cơ cấu: 1. Chủ tịch kiêm Ngoại giao-Hồ Chí Minh; 2. Phó Chủ tịch-Nguyễn Hải Thần; 3. Bộ trưởng Bộ Nội vụ-Võ Nguyên Giáp; 4. Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền cổ động-Trần Huy Liệu; 5. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng-Chu Văn Tấn; 6. Bộ trưởng Bộ Thanh niên-Dương Đức Hiền; 7. Bộ trưởng Bộ Quốc dân kinh tế-Nguyễn Tường Long; 8. Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội-Nguyễn Văn Tố; 9. Bộ trưởng Bộ Tư pháp-Vũ Trọng Khánh; 10. Bộ trưởng Bộ Y tế - Trương Đình Tri ; 11. Bộ trưởng Bộ Giao thông-Đào Trọng Kim; 12. Bộ trưởng Bộ Lao động-Lê Văn Hiến; 13. Bộ trưởng Bộ Tài chính-Phạm Văn Đồng; 14. Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục-Vũ Đình Hòe; 15. Bộ trưởng  Bộ Canh nông-Cù Huy Cận; 16. Bộ trưởng Bộ không bộ-Nguyễn Văn Xuân; 17. Thứ trưởng Bộ Quốc dân kinh tế-Nguyễn Mạnh Hà; 18. Thứ trưởng Bộ Y tế-Hoàng Tích Trí.

(11) Báo Sự thật, số 10, ngày 09/01/1946.

(12)Hồ Chí Minh:Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 4, tr. 7.

(13) Bản sao các sắc lệnh của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do phòng lưu trữ Phủ Thủ tướng sao lục Hồ sơ B1/Q001 H001.

(14) Việt Nam dân quốc công báo, số 15, ra ngày 13/4/1946 (Tuyên ngôn của Quốc hội khóa I), tr. 215. Quyết định của Quốc hội truy nhận Chính phủ Liên hiệp kháng chiến đọc tại Quốc hội ngày 2/3/1946, cặp 1 Quốc hội KLTTW.

(15) Xem Lịch sử Chính phủ Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t.1, tr. 59. Cơ cấu của Chính phủ Liên hiệp kháng chiến gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và 10 bộ. Các thành viên Chính phủ gồm: 1. Chủ tịch - Hồ Chí Minh; 2. Phó Chủ tịch - Nguyễn Hải Thần; 3. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao - Nguyễn Trường Tam; 4. Bộ trưởng Bộ Nội vụ - Huỳnh Thúc Kháng; 5. Bộ trưởng Bộ Kinh tế- Chu Bá Phương; 6. Bộ trưởng Bộ Tài chính - Lê Văn Hiến; 7. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng- Phan Anh; 8. Bộ trưởng Bộ Xã hội kiêm Ytế, Cứu tế và Lao động - Trương Đình Tri; 9. Bộ trưởng Bộ Giáo dục-Đặng Thai Mai; 10. Bộ trưởng Bộ Tư pháp - Vũ Đình Hòe; 11. Bộ trưởng Bộ Giao thông công chính - Trần Đăng Khoa; 12. Bộ trưởng Bộ Canh nông-Bồ Xuân Luật. Kháng chiến ủy viên hội gồm: 1. Võ Nguyên Giáp làm Chủ tịch; 2. Vũ Hồng Khanh làm Phó Chủ tịch; 3. Tối cao cố vấn đoàn do ông Vĩnh Thụy đảm nhiệm.

(16) Báo Cứu quốc, ngày 03/11/1946.

(17) Chính phủ kháng chiến được tổ chức theo cơ cấu sau: 1. Chủ tịch kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao - Hồ Chí Minh; 2. Bộ trưởng Bộ Nội vụ- Huỳnh Thúc Kháng; 3. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - Võ Nguyên Giáp; 4. Bộ trưởng Bộ Giáo dục-Nguyễn Văn Huyên; 5. Bộ trưởng Bộ Tài chính-Lê Văn Hiến; 6. Bộ trưởng Bộ Kinh tế - đồng chí người Nam Bộ khuyết tên; 7. Bộ trưởng Bộ Giao thông công chính- Trần Đăng Khoa; 8. Bộ trưởng Bộ Y tế-Hoàng Tích Trý; 9. Bộ trưởng Bộ Lao động-Nguyễn Văn Tạo; 10. Bộ trưởng Bộ Tư pháp-Vũ Đình Hòe; 11. Bộ trưởng Bộ Canh nông-Ngô Tấn Nhơn; 12. Bộ trưởng Bộ Cứu tế - Chu Bá Phượng; 13. Bộ trưởng Bộ không bộ-Nguyễn Văn Tố; 14. Bộ trưởng Bộ không bộ-Bồ Xuân Luật (theo Lịch sử Chính phủ Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 149).

 

TS.Đặng Kim Oanh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Theo: lyluanchinhtri.vn

Trung bình (0 Bình chọn)

 

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

Đang truy cập: 10,386
Tổng số trong ngày: 8,211
Tổng số trong tuần: 65,352
Tổng số trong tháng: 260,912
Tổng số trong năm: 1,762,395
Tổng số truy cập: 80,977,242