Vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trước yêu cầu, nhiệm vụ mới

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+

Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng của Đảng và kim chỉ nam cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Đó là học thuyết khoa học nêu ra các quy luật chung nhất về sự phát triển của tự nhiên, xã hội và tư duy; là học thuyết cách mạng vạch ra con đường, chiến lược và sách lược đấu tranh để giai cấp công nhân lãnh đạo quần chúng cách mạng lật đổ chế độ tư bản chủ nghĩa, xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

1.  Chủ nghĩa Mác - Lênin là một hệ thống lý luận hoàn chỉnh gồm ba bộ phận: triết học duy vật biện chứng và duy vật lịch sử; kinh tế chính trị học và chủ nghĩa xã hội khoa học. Hệ thống lý luận này đã chứng minh sức sống trước thử thách của thời gian nhờ có các giá trị nền tảng bền vững:

- Phương pháp biện chứng duy vật: là phương pháp tổng quát của triết học Mác - Lênin; là sự kết tinh toàn bộ tinh hoa trong lịch sử phát triển của phương pháp biện chứng từ thời cổ đại và được bổ sung bởi những thành tựu của khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và thực tiễn đấu tranh cách mạng của phong trào công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới từ giữa thế kỷ XIX. Phương pháp biện chứng duy vật dựa trên phép biện chứng duy vật - khoa học về những quy luật vận động và phát triển phổ biến của tự nhiên, xã hội và tư duy; là học thuyết tổng quát nhất về sự phát triển. Dựa trên các nguyên lý, các quy luật cơ bản và các cặp phạm trù của phép biện chứng duy vật, phương pháp biện chứng duy vật là phương pháp xem xét, nhận thức sự vật, hiện tượng một cách khách quan, toàn diện trong sự phát triển, gắn với điều kiện lịch sử cụ thể và thực tiễn nhằm tìm ra bản chất, quy luật phát triển của sự vật.

- Quan niệm duy vật về lịch sử: là một trong những phát minh vĩ đại của C.Mác. Với phát minh này, C.Mác đã thực hiện một cuộc cách mạng trong toàn bộ quan niệm về lịch sử thế giới. Quan niệm duy vật về lịch sử xem xét xã hội như một chỉnh thể, có quá trình phát sinh, phát triển và tiêu vong của các hình thái kinh tế - xã hội theo các quy luật khách quan. Thừa nhận sản xuất vật chất là cơ sở của đời sống xã hội, điều kiện sinh hoạt vật chất quyết định điều kiện sinh hoạt tinh thần, tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội, kinh tế xét đến cùng là nhân tố quyết định đối với chính trị.

Tuy nhiên, quan niệm duy vật về lịch sử của C.Mác khác với chủ nghĩa duy kinh tế - chủ nghĩa duy vật tầm thường chỉ nhấn mạnh một chiều yếu tố kinh tế, yếu tố vật chất mà coi nhẹ yếu tố tinh thần, yếu tố chính trị. Trong khi khẳng định vai trò quyết định của đời sống vật chất đối với đời sống tinh thần, tồn tại xã hội đối với ý thức xã hội, kinh tế đối với chính trị, quan niệm duy vật lịch sử nhấn mạnh sự tác động trở lại của ý thức xã hội đối với tồn tại xã hội, đời sống tinh thần đối với đời sống vật chất, chính trị đối với kinh tế .v.v.

- Học thuyết hình thái kinh tế - xã hội do các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin xây dựng là hòn đá tảng trong quan niệm duy vật lịch sử; là cơ sở khoa học để giải thích tính phong phú, đa dạng trong sự phát triển của các quốc gia, dân tộc. Xã hội loài người nói chung phải trải qua các hình thái kinh tế - xã hội từ thấp đến cao, là một quá trình lịch sử - tự nhiên do những mâu thuẫn trong lòng của mỗi hình thái kinh tế - xã hội quy định. Đó là mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất; giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng.... Những mâu thuẫn này được giải quyết sẽ dẫn đến hình thái kinh tế - xã hội cũ mất đi, hình thái kinh tế - xã hội mới ra đời thay thế, làm cho xã hội phát triển lên một trình độ mới cao hơn. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là tất cả các quốc gia, dân tộc đều lần lượt, nhất loạt phải trải qua đầy đủ các nấc thang phát triển đó. Do vậy, có sự phát triển không đồng đều giữa các quốc gia, dân tộc.

- Học thuyết giá trị thặng dư: là một trong những phát minh vĩ đại nhất của chủ nghĩa Mác - Lênin. Học thuyết đã bóc trần bí mật của phương thức bóc lột tư bản chủ nghĩa; giải thích triệt để quan hệ giữa tư bản và lao động; tìm ra cơ chế, động lực tồn tại và phát triển của xã hội tư bản và giai cấp tư sản là bóc lột giá trị thặng dư. Quy luật giá trị thặng dư là quy luật tuyệt đối của chủ nghĩa tư bản, chi phối tất cả các xã hội tư bản, tất cả các giai đoạn của chủ nghĩa tư bản; đã chỉ rõ mâu thuẫn cơ bản của xã hội tư bản là mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất xã hội hóa ngày càng cao với chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa ngày càng lớn đối với tư liệu sản xuất, biểu hiện thành mâu thuẫn giai cấp giữa giai cấp công nhân và những người lao động làm thuê với giai cấp tư sản.

- Học thuyết về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân: là đóng góp to lớn của chủ nghĩa Mác - Lênin, soi sáng vai trò lịch sử của giai cấp vô sản là người xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa thay thế xã hội tư bản. Sứ mệnh đó bắt nguồn từ chỗ giai cấp công nhân là giai cấp đại biểu cho lực lượng sản xuất hiện đại, cho phương thức sản xuất tiên tiến, là một giai cấp cách mạng, có ý thức tổ chức kỷ luật, có sứ mệnh lịch sử là giải phóng cho giai cấp mình đồng thời giải phóng cho nhân dân lao động và toàn nhân loại, xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Để thực hiện thành công sứ mệnh của mình, giai cấp công nhân phải có chính đảng cách mạng chân chính lãnh đạo, đảng cộng sản là đội tiền phong của giai cấp công nhân. Ngày nay, những thay đổi của đội ngũ công nhân về số lượng, chất lượng, cơ cấu, điều kiện sống và trình độ học vấn, nghề nghiệp… không hề làm mất đi bản chất cách mạng, không hề hạ thấp sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân hiện đại.

Với những giá trị nền tảng, bền vững nêu trên, chủ nghĩa Mác - Lênin đã tạo ra một lý luận chủ nghĩa xã hội khoa học, luận chứng một cách thuyết phục con đường hiện thực, chủ thể lãnh đạo, lực lượng tiến hành, chiến lược, sách lược… dẫn dắt giai cấp công nhân và quần chúng cách mạng đấu tranh lật đổ chế độ tư bản chủ nghĩa, xây dựng chế độ xã hội mới không còn bóc lột, áp bức, nô dịch. Hơn 170 năm qua, các thế lực tư bản, đế quốc và phản động đã từng nhìn nhận lý luận mác xít như “bóng ma ám ảnh châu Âu”; đặc biệt khi “bóng ma” ấy trở thành hiện thực ở nước Nga năm 1917 và sau đó trở thành hệ thống thế giới hùng hậu, không chỉ đối trọng với chủ nghĩa tư bản, mà còn quyết định nhiều vấn đề lớn của thế giới trong nhiều thập kỷ của thế kỷ XX và tiếp tục được khẳng định bởi sự phục hồi, đổi mới và phát triển của chủ nghĩa xã hội cả về lý luận và thực tiễn hiện nay.

2. Tư tưởng Hồ Chí Minh là sản phẩm của sự kết hợp khoa học, nhuần nhuyễn chủ nghĩa yêu nước chân chính, truyền thống lịch sử, tinh hoa văn hóa của dân tộc, thực tiễn sinh động của cách mạng Việt Nam với tinh hoa văn hóa nhân loại, trí tuệ của thời đại, đặc biệt là chủ nghĩa Mác - Lênin; là tài sản tinh thần to lớn của dân tộc ta; đã, đang và sẽ mãi là ngọn cờ soi sáng con đường cách mạng Việt Nam.

Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh là nghiên cứu cuộc đời, thân thế, sự nghiệp; nghiên cứu quan điểm, học thuyết; nghiên cứu nhân cách, phong cách, tấm gương; nghiên cứu hoạt động cách mạng phong phú của Người, Anh hùng giải phóng dân tộc và Danh nhân văn hóa thế giới.

Đối với công cuộc đổi mới vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” mà Đảng và Nhân dân ta tiến hành từ năm 1986, tư tưởng Hồ Chí Minh có giá trị đặc biệt cả về lý luận và thực tiễn. Thuật ngữ và tư tưởng “đổi mới” được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đề cập từ sớm trong tác phẩm “Đường Kách mệnh” (năm 1927); được Người nhắc lại, làm rõ thêm trong nhiều bài viết, bài nói, nổi bật là: “Sửa đổi lối làm việc” (năm 1947), “Đời sống mới” (năm 1947), “Dân vận” (năm 1949), đặc biệt trong bản Di chúc thiêng liêng (1965-1969) để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trước lúc Người đi xa. Từ các bài viết, bài nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh toát lên một hệ thống luận điểm có giá trị nền tảng và định hướng về đổi mới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, đổi mới là bản chất của cách mạng, của phát triển. Trong “Đường Kách mệnh”, Người chỉ rõ: “Cách mệnh là phá cái cũ đổi ra cái mới, phá cái xấu đổi ra cái tốt”(1). Nói về công cuộc kiến thiết đất nước sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi, Người nhấn mạnh: “Là cuộc chiến đấu chống lại những cái gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi”(2). Triết lý đổi mới, chân lý đổi mới trong tư tưởng Hồ Chí Minh là ích nước, lợi dân: “Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân. Cái gì trái với lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân tức là không phải chân lý”(3); “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”(4).

Đổi mới là sự nghiệp lâu dài, phức tạp, gian khổ, phải kiên định, kiên quyết, kiên trì, lựa chọn những bước đi thích hợp. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn: thắng đế quốc, phong kiến là tương đối dễ, thắng bần cùng, lạc hậu còn khó hơn nhiều; đấu tranh xóa bỏ cái cũ, xây dựng cái mới là công việc cực kỳ to lớn, nặng nề, phức tạp và khó khăn, do vậy phải có kế hoạch tỉ mỉ, chuẩn bị chu đáo, thực hiện chắc chắn.

Sức mạnh của đổi mới là Nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Công cuộc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân”(5); để giành thắng lợi “cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục nhân dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của nhân dân”(6); phải kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại theo tinh thần: cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới, Việt Nam sẵn sàng là bạn của các nước dân chủ.

Đảng là linh hồn của đổi mới. Đảng phải vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, căn cứ thực tiễn của Việt Nam và thế giới để bổ sung những tư liệu, vấn đề mà các nhà kinh điển ở thời mình không thể có được(7) để đề ra và thực hiện đường lối, chủ trương đúng đắn. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: thế giới ngày ngày đổi mới, xã hội ngày một phát triển, nhân dân ngày càng tiến bộ, do vậy, cán bộ, đảng viên không thể “giữ cái kẹp giấy cũ không thay đổi”, “tư tưởng, hành động cũng phải phát triển”(8), “phải tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp nhân dân”(9).

Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, tư tưởng đổi mới là tư tưởng cách mạng, khoa học trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, kết hợp với tinh hoa văn hóa dân tộc, nhân loại, phản ánh và giải quyết những nhu cầu khách quan của thực tiễn đất nước; đạo đức đổi mới là phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, đặt lợi ích của dân tộc, Tổ quốc lên trên hết, trước hết, đổi mới vì một nước Việt Nam độc lập, hòa bình, thống nhất, dân chủ, giàu mạnh; phong cách đổi mới là kiên định, sáng tạo, dân chủ, thực tiễn, hiệu quả, nói đi đôi với làm, làm thiết thực, mang lại kết quả thực tế cho dân, cho nước. Đó chính là những giá trị bền vững của tư tưởng, đạo đức, phong cách đổi mới Hồ Chí Minh.

Từ thực tiễn công cuộc đổi mới, trực tiếp là 05 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội ĐBTQ lần thứ XII, Đại hội ĐBTQ lần thứ XIII của Đảng đã tổng kết thành các bài học kinh nghiệm. Trước hết, đó là “kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”. Từ nay đến giữa thế kỷ XXI qua các cột mốc năm 2025, 2030 và năm 2045, toàn Đảng, toàn dân có mục tiêu, nhiệm vụ chính trị chiến lược hàng đầu là “đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc”, phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Mục tiêu, nhiệm vụ to lớn, nặng nề cần được thực hiện thắng lợi trong bối cảnh thế giới đang và tiếp tục có nhiều chuyển động sâu rộng, tạo ra sự thay đổi mang tính bước ngoặt trong sản xuất vật chất và đời sống tinh thần của toàn nhân loại. Trên thế giới ngày nay, cạnh tranh giữa các quốc gia dân tộc về cơ hội, điều kiện và các nguồn lực phát triển sẽ ngày càng gay gắt, quyết liệt. Đặt trong bối cảnh này, công cuộc đổi mới của chúng ta không thể tiếp tục lộ trình theo kiểu “kinh nghiệm chủ nghĩa”, mà nhất thiết phải được một lý luận tiền phong soi sáng. Lý luận tiền phong đó chính là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh được toàn Đảng, toàn dân kiên định quán triệt, nhận thức sâu sắc và vận dụng, phát triển sáng tạo./.

---------------------------------

Ghi chú:

(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 2, Nxb CTQG, H.2000, tr.284.

(2) Sđd, tập 12, tr.505.

(3),(9) Sđd, tập 10, tr.378, tr.377.

(4) Sđd, tập 4, tr.65.

(5) Sđd, tập 6, tr.232.

(6) Sđd, tập 15, tr.617.

(7) Sđd, tập 1, tr.509.

(8) Sđd, tập 8, tr.55.

 

PGS.TS Nguyễn Viết Thảo - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

Theo: https://tcnn.vn/

Trung bình (0 Bình chọn)

 

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

Đang truy cập: 6,989
Tổng số trong ngày: 8,410
Tổng số trong tuần: 54,967
Tổng số trong tháng: 419,786
Tổng số trong năm: 1,463,691
Tổng số truy cập: 80,678,538