2 xã đầu tiên của cả nước sáp nhập theo Nghị quyết của Trung ương

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+

Sau khi thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý ban hành Nghị quyết về việc sáp nhập 2 xã, thành lập 6 phường thuộc thị xã Chí Linh và TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương.

Chiều 10/1, tiếp tục phiên họp 30, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe tờ trình của Chính phủ về việc sáp nhập 2 đơn vị hành chính cấp xã, thành lập 6 phường thuộc thị xã Chí Linh và thành lập TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương.

Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, 2 xã sáp nhập của thị xã Chí Linh là xã Kênh Giang và xã Văn Đức. Sau sáp nhập lấy tên là xã Văn Đức. Việc sáp nhập này là nhằm thực hiện theo Nghị quyết 18 của Hội nghị Trung ương 6.

Theo ông Tân, xã Kênh Giang có diện tích đất tự nhiên là 0,462 km2 (46,28 ha), dân số là 596 người, không đạt 50% của cả 2 tiêu chí theo quy định. Vì vậy, phải tiến hành sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của xã Kênh Giang với xã Văn Đức (xã giáp ranh).

”Việc sáp nhập 2 xã này nhằm tạo điều kiện tập trung được các nguồn lực về đất đai, dân số, mở rộng không gian để quy hoạch, phát triển; góp phần tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương. Phương án sắp xếp đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân 2 xã Kênh Giang, Văn Đức và của Hội đồng nhân dân các cấp có liên quan”, Bộ trưởng Tân nêu.

6 phường thuộc thị xã Chí Linh được thành lập gồm: phường Hoàng Tiến trên cơ sở xã Hoàng Tiến; phường An Lạc trên cơ sở xã An Lạc; phường Đồng Lạc trên cơ sở xã Đồng Lạc; phường Tân Dân trên cơ sở xã Tân Dân; phường Cổ Thành trên cơ sở xã Cổ Thành; phường Văn Đức trên cơ sở xã Văn Đức (sau sáp nhập).

TP Chí Linh được thành lập trên cơ sở toàn bộ 282,917 km2 (28.291,74 ha) diện tích tự nhiên, dân số 220.421 người (trong đó dân số quy đổi 46.139 người) của thị xã Chí Linh.

Bộ trưởng Tân cho biết, sau khi tiến hành sáp nhập và thành lập, TP Chí Linh có 19 đơn vị hành chính cấp xã, gồm: 14 phường và 5 xã.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, tại phiên họp của Ủy ban này, 100% ý kiến đồng ý với tờ trình của Chính phủ và đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về vấn đề này.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, với việc sáp nhập 2 xã Kênh Giang và Văn Đức, Hải Dương là 2 xã đầu tiên trong cả nước thực hiện theo Nghị quyết 18 của hội nghị Trung ương 6, do đó việc này cần được ủng hộ, biểu dương.

Sau khi thảo luận, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất ban hành Nghị quyết về việc sáp nhập 2 xã, thành lập 6 phường thuộc thị xã Chí Linh và thành lập TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Về thời hiệu, Ủy ban thường vụ thống nhất, Nghị quyết sẽ có hiệu lực từ 1/3 tới đây.

Cũng tại phiên họp, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất ban hành Nghị quyết về việc thành lập thị trấn Thường Thới Tiền, thuộc huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Nghị quyết có hiệu lực từ từ 1/3.

Việc thành lập thị trấn Thường Thới Tiền trên cơ sở điều chỉnh 1,43 km2 diện tích tự nhiên và 2.651 nhân khẩu của xã Thường Phước 2 nhập vào xã Thường Thới Tiền; điều chỉnh 16,16 km2 diện tích tự nhiên và 507 nhân khẩu của xã Thường Thới Tiền nhập vào xã Thường Phước 2.

Sau khi thành lập, thị trấn Thường Thới Tiền có diện tích tự nhiên 15,82 km2 và dân số 17.496 người của xã Thường Thới Tiền sau khi điều chỉnh địa giới hành chính.

Theo http://moha.gov.vn

Trung bình (0 Bình chọn)

 

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

Đang truy cập: 9,801
Tổng số trong ngày: 10,308
Tổng số trong tuần: 81,927
Tổng số trong tháng: 357,703
Tổng số trong năm: 1,859,186
Tổng số truy cập: 81,074,033