Áp dụng mô hình chuyển đổi số vào công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở Việt Nam

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+

Áp dụng mô hình chuyển đổi số vào công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức là tất yếu khách quan và xu thế không thể đảo ngược để đáp ứng yêu cầu chuyển số quốc gia, của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; góp phần thiết thực xây dựng bộ máy hành chính nhà nước và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Tại buổi làm việc với Bộ Chuyển đổi và Công vụ Pháp (ngày 23/9/2022), Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, trong giai đoạn 2022 - 2025, hoạt động hợp tác giữa hai Bộ tiếp tục tập trung vào các nội dung ưu tiên mà Pháp có nhiều kinh nghiệm, như: Cải cách công vụ, công chức và chuyển đổi số để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khu vực công; phân cấp, phân quyền, tinh gọn tổ chức bộ máy và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cấp chính quyền địa phương...

Những yêu cầu đặt ra đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thời kỳ chuyển đổi số

Chuyển đổi số là xu thế toàn cầu, tác động tới mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội. Nghị quyết Đại hội ĐBTQ lần thứ XIII của Đảng xác định mục tiêu: “Phấn đấu đến năm 2030, hoàn thành xây dựng chính phủ số; đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ ba trong khu vực ASEAN về chính phủ điện tử, kinh tế số”(1). Trong đó, giáo dục và đào tạo là một trong tám lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu trong triển khai thực hiện chuyển đổi số đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) có đủ phẩm chất, trình độ chuyên môn và năng lực trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập quốc tế hiện nay, cần đáp ứng các yêu cầu cơ bản sau:

Thứ nhất, về năng lực, trình độ chuyên môn, đội ngũ CBCCVC ở các cơ quan, đơn vị, địa phương phải có năng lực thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác chuyên môn một cách hiệu quả. Điều đó đặt ra yêu cầu đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng là phải xây dựng được đội ngũ CBCCVC vừa có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng, vừa thông thạo kỹ năng hành chính, hiểu biết pháp luật, có năng lực làm việc và ứng xử phù hợp, đáp ứng được yêu cầu cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, có tác phong chuyên nghiệp, phục vụ tốt nhất nhu cầu của nhân dân và xã hội.

Thứ hai, đội ngũ CBCCVC phải có tư cách đạo đức, phẩm chất chính trị tốt, có trách nhiệm trong thi hành công vụ. Đây là vấn đề cốt lõi, đòi hỏi phải nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng để có đội ngũ CBCCVC có năng lực thực thi công vụ, tính chuyên nghiệp, đạo đức, liêm chính, chí công, minh bạch, trách nhiệm và bảo đảm chất lượng dịch vụ công cung ứng cho người dân, phải có ý thức trách nhiệm và thái độ, hành vi chuẩn mực trong thực thi nhiệm vụ.

Thứ ba, đội ngũ cán bộ, công chức cần có tư duy sáng tạo, đổi mới nhằm thích ứng với sự thay đổi, có khả năng nắm bắt, tiếp thu các kiến thức, kỹ năng mới trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ.

Thứ tư, đội ngũ CBCCVC cần tuân thủ các chuẩn mực trong giao tiếp công vụ, văn hóa công sở, tích cực xây dựng văn hóa thực thi công vụ theo hướng phục vụ công. Trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CBCCVC cần hướng đến việc thực thi đầy đủ các nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, ngoại ngữ, tin học, đạo đức công vụ.

Thực trạng chuyển đổi số trong đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở Việt Nam hiện nay

Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã xác định mục tiêu cụ thể đến năm 2025: “Cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội”. Quán triệt quan điểm chỉ đạo của Đảng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 về việc phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao - một nội dung quan trọng trong 3 đột phá chiến lược đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Tiếp đó, ngày 28/01/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 146/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, trong đó có nhiệm vụ nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC nhà nước. Nghị quyết Đại hội ĐBTQ lần thứ XIII của Đảng xác định mục tiêu đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đi đôi với việc củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Theo tinh thần đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CBCCVC hiện nay là nhiệm vụ trọng tâm để góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững đất nước. Đây là cơ sở chính trị và cơ sở pháp lý cho các học viện, nhà trường trong cả nước áp dụng chuyển đổi số trong tổ chức quản lý hoạt động đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng, năng lực, phẩm chất nghề nghiệp hợp lý theo ngành, thành phần kinh tế, khu vực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong bối cảnh và yêu cầu mới.

Áp dụng mô hình chuyển đổi số trong đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC là nhiệm vụ quan trọng nhằm bổ sung, nâng cao trình độ, nghiệp vụ, kỹ năng chuyên môn, phẩm chất chính trị cho đội ngũ này theo những tiêu chuẩn nhất định. Mặc dù mô hình chuyển đổi số đã được nhiều cấp, ngành xây dựng và triển khai, tuy nhiên vẫn còn những hạn chế, vướng mắc, như chưa gắn với nhu cầu của cơ quan, đơn vị, địa phương; chưa dựa vào sự phát triển của công việc thực tế, xác định vị trí việc làm và xây dựng khung năng lực đối với các vị trí chức danh của cán bộ; nguồn lực dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng còn hạn chế…

Thời gian qua, thực hiện kế hoạch chuyển đổi số trong đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC, cấp ủy, chính quyền các cấp đã xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng; áp dụng linh hoạt mô hình chuyển đổi số trong đào tạo, như mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng tập trung do Trung ương và địa phương tổ chức, các lớp tại chức, đào tạo từ xa… qua đó, tạo điều kiện cho số lượng lớn cán bộ, công chức học tập, góp phần nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ. Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức ngày càng gắn với việc bố trí sử dụng sau đào tạo, luân chuyển, điều động CBCCVC. Tuy nhiên, đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC có nơi, có lúc chưa gắn với quy hoạch, kế hoạch; đào tạo và sử dụng CBCCVC của các cấp, ngành chưa đảm bảo liên thông; việc đào tạo, bồi dưỡng chưa thực sự đồng bộ với yêu cầu chuẩn hóa đội ngũ CBCCVC theo yêu cầu của chuyển đổi số.

Các chương trình đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC ngày càng gắn liền với điều kiện đặc thù của từng cơ quan, đơn vị, địa phương; chú trọng áp dụng mô hình chuyển đổi số trong đào tạo, bồi dưỡng từ kiến thức tổng hợp, chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức quản lý nhà nước đến đào tạo, bồi dưỡng chương trình tiền công vụ, chương trình quản lý nhà nước ngạch chuyên viên, chuyên viên chính và bồi dưỡng kiến thức lãnh đạo, quản lý cấp phòng, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức ngoại ngữ, tin học. Tuy nhiên, chương trình đào tạo, bồi dưỡng vẫn nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành, trong khi CBCCVC rất cần bồi dưỡng những kỹ năng để giải quyết các vấn đề cụ thể; chương trình còn viết chung, chưa tách biệt cho từng vùng, miền, địa phương; do còn hạn chế về điều kiện cơ sở vật chất, sự thiếu thốn về nguồn lực và những hạn chế về địa lý đối với địa phương ở vùng sâu, vùng xa nên chưa đủ điều kiện áp dụng chuyển đổi số vào trong giải quyết công việc, vẫn phải sử dụng phương pháp truyền thống, nên gây cản trở trong đào tạo, bồi dưỡng những công nghệ, kỹ năng mới cho CBCCVC.

Để thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng, trình độ cho đội ngũ CBCCVC các cấp, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chế độ, chính sách đãi ngộ gắn với đào tạo, bồi dưỡng như hỗ trợ tài chính cho việc học tập, chế độ lương, thưởng, quy hoạch, bổ nhiệm; ngoài ra còn có chính sách đầu tư nguồn lực, chính sách tài chính cho phát triển giáo dục, đào tạo, kiện toàn hệ thống giáo dục chuyên nghiệp, giáo dục nghề nghiệp; chính sách phát triển đội ngũ giáo viên (chính sách thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, đãi ngộ); chính sách đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục… nhằm góp phần nâng cao trình độ cho đội ngũ CBCCVC các cấp được đào tạo, bồi dưỡng, phát triển trong điều kiện chuyển đổi số hiện nay. Tuy nhiên, những chính sách, chế độ trên vẫn chưa thực sự có sự đột phá để nâng cao rõ rệt chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC các cấp.

Giải pháp nâng cao hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong bối cảnh chuyển đổi số

Một là, cần xác định đúng mục tiêu đào tạo, phát triển cán bộ, công chức, viên chức.

Đây vừa là giải pháp cơ bản vừa là yêu cầu cần thiết để nâng cao hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC trong bối cảnh thực hiện chuyển đổi số. Thực tế cho thấy, một số CBCCVC tham gia các lớp, các khóa đào tạo, bồi dưỡng chỉ để lấy chứng chỉ, bằng cấp nhằm hợp thức hóa những yêu cầu về bằng cấp của cơ quan, đơn vị. Vì vậy, các cơ quan, đơn vị và mỗi CBCCVC cần xác định đúng đắn mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng, lấy mục tiêu trang bị kiến thức lên hàng đầu, từ đó đào tạo đúng yêu cầu công việc, khuyến thích tinh thần tự giác cho học viên, góp phần nâng cao chất lượng, trình độ và hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ CBCCVC.

Hai là, tiếp tục đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng.

Hiện nay, nhiều giáo trình, bài giảng, tài liệu phục vụ đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC chưa kịp thời cập nhật kiến thức mới, chưa đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số. Vì vậy, cần đổi mới hệ thống giáo trình, bài giảng, tập tài liệu phục vụ đào tạo, bồi dưỡng; giảm tính hình thức trong đào tạo, bồi dưỡng, mở lớp học tại các địa phương, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức vừa học, vừa giải quyết công việc, nâng cao hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng do được thực hành tại cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, vừa học vừa vận dụng vào thực tiễn công việc.

Ba là, chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho công tác đào tạo, bồi dưỡng.

Cần tăng cường đầu tư trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC nhằm nâng cao hiệu quả công tác này, nhất là đầu tư cho đội ngũ giảng viên, báo cáo viên, cơ sở vật chất và trang thiết bị công nghệ hiện đại phục vụ cho quá trình học tập như giáo trình, chế độ, chính sách với người học… Đồng thời, gắn công tác đào tạo, phát triển với sử dụng CBCCVC với việc kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ sau đào tạo, bồi dưỡng./.

---------------

Ghi chú:

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội ĐBTQ lần thứ XIII, tập I, Nxb CTQG-ST, H.2021, tr.225.

 

ThS Nguyễn Văn Lành - Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong thành phố Hà Nội

 

Theo: https://tcnn.vn/

Trung bình (0 Bình chọn)

 

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

Đang truy cập: 6,764
Tổng số trong ngày: 10,587
Tổng số trong tuần: 86,155
Tổng số trong tháng: 50,151
Tổng số trong năm: 1,960,622
Tổng số truy cập: 81,175,469