Bắc Giang hoàn thiện cơ chế chấm điểm người đứng đầu

|
Views:
Font size: A- A A+

Thực hiện Nghị định số 157/2007/NĐ-CP ngày 27/4/2007 của Chính phủ quy định về chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan tổ chức, đơn vị của Nhà nước trong thi hành nhiệm vụ công vụ và để làm chuyển biến mạnh mẽ sự hoạt động của hệ thống bộ máy nhà nước, Sở Nội vụ tỉnh Bắc Giang đã tham mưu giúp UBND hoàn thiện cơ chế chấm điểm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương của tỉnh.

Ngay sau khi có Nghị định số 157(nêu trên) Sở đã tổ chức nghiên cứu, quán triệt trong Đảng ủy, Đảng bộ, trong hội nghị cán bộ và hội nghị CCVC của cơ quan. Mặt khác thông qua dự hội nghị của các cấp, các ngành thì lãnh đạo Sở Nội vụ thường đưa ra những ý kiến thiết thực về việc chấm điểm người đứng đầu, coi đây là một trong những nội dung, biện pháp quan trọng nhất để làm chuyển biến sự hoạt động của các cơ quan, đơn vị, địa phương của tỉnh. Đồng thời đã làm các tờ trình và dự thảo giúp UBND ra các quyết định như: Quyết định số 126/UBND ngày 03/12/2008; Quyết định 193/UBND ngày 31/5/2011; Quyết định 141/UBND ngày 16/4/2015. Tuy nhiên qua thực hiện và tổng kết năm 2015 thì bên cạnh những kết quả to lớn, vẫn còn những tồn tại như: Việc đăng ký nhiệm vụ riêng và cụ thể hóa nhiệm vụ chung thì một số người đứng đầu chưa bám sát vào nhiệm vụ trọng tâm và chưa xác định rõ thời gian, khối lượng cụ thể phải hoàn thành. Công tác thẩm định và xây dựng kế hoạch chưa chặt chẽ còn bỏ sót nhiệm vụ và những tiêu chí đăng ký trùng lặp. Việc thực hiện kỷ luật hành chính chưa nghiêm nên trong năm 2015 còn một số cán bộ, CCVC vi phạm phải xử lý. Việc tự chấm điểm của người đứng đầu, thì một số cơ quan, đơn vị chưa bám sát vào hướng dẫn hoặc tự tính điểm thưởng trong khi không được cấp trên biểu dương, khen thưởng dẫn đến chênh lệch nhiều điểm so với thực tế đạt được.

 

Để khắc phục những tồn tại này và thực hiện yêu cầu mới đặt ra là: Thực chất, khách quan, dân chủ, công bằng và công khai, Sở Nội vụ đã làm tờ trình và UBND đã ra Quyết định số 92 ngày 19/01/2016, gần đây là Quyết định số 387/QĐ-UBND ngày 4/7/2016 với những điều chỉnh cụ thể.

 

Về cách chấm điểm. Tổng điểm của 5 nhiệm vụ chung tối đa là 300 điểm, mỗi nhiệm vụ hoàn thành = 60 điểm. Tổng điểm nhiệm vụ riêng tối đa là 400 điểm, mỗi nhiệm vụ hoàn thành bằng tổng điểm chia cho mỗi nhiệm vụ… Chủ tịch, các phó chủ tịch UBND tỉnh nhận xét, đánh giá theo 4 mức: hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ = 200 điểm; hoàn thành tốt nhiệm vụ = 150 điểm; hoàn thành nhiệm vụ = 100 điểm, kém = dưới 100 điểm….

 

Về khen thưởng có 5 mức: Nhận cờ thi đua của Chính phủ = 100 điểm, nhận cờ thi đua hạng Nhất của UBND tỉnh = 90 điểm; Nhận cờ thi đua hạng Nhì của UBND1 tỉnh hoặc Bằng khen của Bộ, ngành dọc, Trung ương = 80 điểm; Nhận cờ thi đua hạng Ba của UBND tỉnh = 70 điểm; không được suy tôn nhận cờ thi đua = 6 điểm…

 

Trong quá trình thực hiện nơi nào có cách làm mới, sáng tạo, có hiệu quả cao thì được biểu dương, khen thưởng. Nhưng nếu một năm không hoàn thành nhiệm vụ thì bị phê bình. Hai năm liền không hoàn thành nhiệm vụ thì đề nghị chuyển công tác khác hoặc miễn nhiệm. Về tính điểm nhiệm vụ định lượng: Những nhiệm vụ hoàn thành cả về thời gian và khối lượng thì tính điểm tối đa. Những nhiệm vụ hoàn thành cả về thời gian và vượt khối lượng từ 10% đến dưới 30% thì cộng thêm 1 điểm; từ 31% đến dưới 50% cộng thêm 2 điểm; từ 51% đến dưới 70% cộng thêm 3 điểm; từ 70% trở lên cộng thêm 5 điểm. Hoàn thành về thời gian và đạt 70% đến 100% khối lượng = 70% điểm tối đa. Hoàn thành về thời gian nhưng đạt 50% đến dưới 70% khối lượng = 30% điểm tối đa. Hoàn thành 50% khối lượng hoặc không đạt về thời gian thì không tính điểm. Không hoàn thành về thời gian nhưng đạt khối lượng 70% trở lên = 50 điểm tối đa… Nếu do khách quan không thực hiện được thì đạt 80% điểm tối đa. Nếu do chủ quan không thực hiện được thì = 50% điểm tối đa.

 

Về điểm trừ: Cơ quan, đơn vị, địa phương nào chưa thực hiện cơ chế một cửa hoặc thực hiện không đúng quy định về bộ TTHC hoặc cấp huyện có xã chưa thực hiện thì trừ 20 điểm. Cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện không đúng quy định về văn hóa công sở, để cơ quan chức năng hoặc người có thẩm quyền phê bình (bằng văn bản) thì trừ 20 điểm. Nếu tham mưu ban hành văn bản sai sót phải sửa đổi thì trừ 5 điểm. Nếu phải đình chỉ thi hành thì trừ 10 điểm. Trái quy định phải hủy bỏ thì trừ 20 điểm… Bị thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND hoặc Chủ tịch UBND tỉnh nhắc nhở phê bình (bằng văn bản) thì mỗi lần như vậy trừ 10 điểm. Các nội dung trình phiên họp UBND tỉnh mà không được thông qua trừ 10 điểm. Tập thể lãnh đạo mất đoàn kết thì trừ 30 điểm. Chấp hành chế độ thông tin báo cáo chậm theo quy định, mỗi lần vậy trừ 5 điểm, không báo cáo trừ 10 điểm. Có CCVC thuộc quyền vi phạm kỷ luật phải xử lý buộc thôi việc trừ 20 điểm; cảnh cáo trừ 15 điểm; khiển trách trừ 10 điểm. Vi phạm an toàn giao thông và quy định khác, mỗi lần như vậy trừ 10 điểm. Vi phạm về sử dụng ngân sách, bị cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra và kết luận có sai phạm về tiền, tài sản thì trừ 20 điểm. Để nợ đọng vốn xây dựng cơ bản thì cứ 10 tỷ trừ 10 điểm. Nơi nào chưa ban hành tiêu chí để đánh giá xếp loại người đứng đầu (kể cả cấp xã) hoặc ban hành nhưng không thực thi thì trừ 20 điểm…

 

Về quy trình xếp loại: Người đứng đầu tự chấm điểm đánh giá trách nhiệm và mức hoàn nhiệm vụ của mình rồi gửi tổ công tác để giúp chủ tịch UBND tỉnh rà soát, thẩm định. Các cơ quan, đơn vị, địa phương bình xét thi đua (theo khối) rồi gửi Sở Nội vụ tổng hợp, trình chủ tịch UBND tỉnh quyết định. Kết quả sau đó được gửi đến các cơ quan, ban ngành, đoàn thể chính trị, xã hội cấp tỉnh và cấp huyện (theo tứ tự từ điểm cao đến điểm thấp)…

 

Quá trình thực hiện việc chấm điểm người đứng đấu đã đem lại nhiều kết quả như: làm thay đổi tư duy, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương: dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Thúc đẩy sự năng động, sáng tạo, quan tâm đến việc tổ chức, quản lý, điều hành, kiểm tra, đôn đốc cán bộ, CCVC thuộc quyền thực hiện nhiệm vụ của mình. Đánh giá được khách quan, toàn diện, kịp thời và nâng cao rõ rệt về năng lực, trách nhiệm, phẩm chất, đạo đức, tác phong công tác của người đứng đầu. Giảm thiểu được những tình trạng trì trệ, bảo thủ, tiêu cực, vi phạm pháp luật, kỷ luật hành chính (kể cả tham nhũng lãng phí) nhất là thực hiện tốt văn hóa công sở v.v… Đẩy mạnh phong trào thi đua sôi nổi, thường xuyên, liên tục trong các cơ quan, đơn vị, địa phương của tỉnh. Được cấp trên nhận xét, đánh giá và các cơ quan tuyên truyền từ địa phương đến Trung ương đưa tin là việc làm có hiệu quả cao. Nhất là đã đạt và vượt các chỉ tiêu kế hoạch của tỉnh đề ra… Trong quá trình thực hiện nhiều đơn vị từ yếu kém đã vươn lên thành khá, tốt mà tiêu biểu trong 3 năm (2013 - 2015) như: Sở LĐTB-XH (3.001,9 điểm), Sở Tài chính (2.989,4 điểm), Sở KH&CN (2.964,14 điểm), Sở KH&ĐT (2.964,77 điểm), Sở Nội vụ (2.964,75 điểm), Sở Tư pháp (2.951 điểm) v.v… Về cấp huyện: thành phố Bắc Giang (3.023,2 điểm), Tân Yên (3.093 điểm), Lạng Giang (3.060 điểm), Hiệp Hòa (3.025,2 điểm), Yên Dũng (3.023,2 điểm), Việt Yên (3.014,2 điểm), … Riêng cấp tỉnh, kết thúc 2015 được xếp vào tốp một (11/63 tỉnh, thành phố trong cả nước) .

 

Hiện nay, theo quyết định của UBND tỉnh, Sở Nội vụ đang theo dõi chặt chẽ kết quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị, địa phương để làm cơ sở đề xuất giúp UBND tỉnh chấm điểm người đứng đầu của năm 2016 và những năm tiếp theo.

Theo: moha.gov.vn

Average (0 Votes)

 

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

User Online: 21,134
Total visited in day: 2,121
Total visited in Week: 2,120
Total visited in month: 243,246
Total visited in year: 2,153,717
Total visited: 81,368,564