Bộ Công an tăng cường sắp xếp tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+

Bài viết khái quát kết quả và những giải pháp tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ của Bộ Công an theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời gian tới.

Ảnh minh họa: Internet

Kết quả chủ yếu trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ của Bộ Công an thời gian qua

Thể chế hóa quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 15/3/2018 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, Luật Công an nhân dân năm 2018 đã quy định tổ chức, hoạt động của Công an nhân dân phải được tổ chức tập trung, thống nhất, chuyên sâu, tinh gọn và theo cấp hành chính từ Trung ương đến cơ sở. Theo đó, Bộ Công an không tổ chức cấp tổng cục; củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của các đơn vị cấp cục trực thuộc Bộ; sắp xếp, thu gọn các đầu mối theo phương châm “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”. Phương châm này cũng là mục tiêu sắp xếp tổ chức bộ máy trong 04 cấp Công an để thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị và Đề án của Bộ Công an “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” (Đề án 106); đồng thời là căn cứ để các đơn vị sắp xếp, bố trí lại đội ngũ cán bộ nhằm thực hiện xuất sắc chức năng, nhiệm vụ được giao. Đây cũng là sự tập trung quán triệt sâu sắc, liên tục và triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về xây dựng bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả nói chung, trong công tác tổ chức, cán bộ của Công an nhân dân nói riêng.

Sự tinh gọn ở các cơ quan Bộ Công an đòi hỏi nâng cao chất lượng ở cả hai yếu tố: tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ; bộ máy không cồng kềnh và số lượng đội ngũ cán bộ được bảo đảm, coi trọng chất lượng hơn số lượng(2); số lượng cán bộ, chiến sĩ ở khoảng 15% biên chế của toàn lực lượng nhằm bảo đảm là “đầu não” trong chỉ đạo đúng, trúng, linh hoạt, thông suốt các mặt công tác công an. Mô hình và quy mô tổ chức bộ máy cũng phải phù hợp với tính chất, đặc điểm, chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan Bộ Công an, với phương châm một cơ quan thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm chính. Đồng thời, hợp nhất các cơ quan tương đồng về chức năng, nhiệm vụ; các đơn vị không rõ nhiệm vụ, đối tượng công tác hoặc có chức năng, nhiệm vụ liên quan chặt chẽ với nhau mà trong quá trình hoạt động bắt buộc phải có cơ chế phối hợp giữa các cơ quan Bộ Công an với nhau.

Việc sắp xếp, tổ chức bộ máy cơ quan Bộ Công an nhằm định hướng rõ chức năng, nhiệm vụ chính của các cơ quan là thực hiện nghiên cứu, tham mưu chiến lược, đề xuất, hoạch định chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về bảo vệ an ninh, trật tự; chỉ đạo, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quản lý nhà nước về an ninh, trật tự; trực tiếp đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm có tổ chức, tội phạm công nghệ cao, tội phạm tham nhũng, tội phạm có tính chất quốc tế và các vụ án hình sự lớn, liên quan đến nhiều địa phương…

Thực tiễn cho thấy, việc triển khai sắp xếp, tổ chức bộ máy cơ quan Bộ là phù hợp, cần thiết nhằm bảo đảm tính tập trung trong lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp tiến hành một số hoạt động nghiệp vụ theo quy định và thực hiện chức năng hướng dẫn, chỉ đạo đối với Công an các địa phương là chủ yếu. Theo đó, các cơ quan Bộ Công an được tổ chức bộ máy tinh gọn, giảm đầu mối và cán bộ, chiến sĩ phải là những người tinh thông, tinh nhuệ trong các mặt công tác công an, nhất là công tác tham mưu chiến lược về bảo đảm an ninh, trật tự; đã trải qua, có nhiều kinh nghiệm trong thực tiễn công tác, chiến đấu để tham mưu, hướng dẫn sát hợp, có căn cứ đối với Công an các đơn vị, địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ phù hợp với từng địa bàn, thời điểm và tình hình an ninh, trật tự. Ngoài ra, mỗi cán bộ, lãnh đạo, chỉ huy vừa phải là chuyên gia, vừa phải có khả năng tham mưu cho cấp trên, hướng dẫn, chỉ đạo cấp dưới và trực tiếp thực hiện những nhiệm vụ khó khăn, phức tạp khi tổ chức cần. 

Thực hiện Nghị định số 01/2018/NĐ-CP, theo thẩm quyền được giao, Bộ Công an đã chủ động xây dựng, ban hành, thực hiện các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của các cơ quan Bộ Công an, công an cấp tỉnh, cấp huyện, cấp phường, thị trấn… Trong đó, các đơn vị thuộc cơ quan Bộ Công an có chức năng, nhiệm vụ chủ yếu là tập trung nghiên cứu, tham mưu chiến lược, đề xuất, hoạch định các chính sách về bảo vệ an ninh, trật tự; giảm nhiệm vụ trực tiếp, chỉ trực tiếp thực hiện công tác lớn. Đồng thời, ban hành và triển khai thực hiện 05 đề án, 47 thông tư về công tác tổ chức, cán bộ với các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Công an các đơn vị, địa phương (tính đến cuối năm 2020 đã ban hành 503 quyết định thành lập, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, giải thể tổ chức)(3). Từ cuối năm 2018 đến nay, cùng với việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về công tác tổ chức, cán bộ nhằm bảo đảm tính đồng bộ, liên thông, phù hợp với mô hình tổ chức bộ máy mới, Bộ Công an đã tiến hành sắp xếp, tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ ở cơ quan Bộ Công an. Cụ thể là:

Thứ nhất, về tổ chức bộ máy: qua một thời gian tích cực triển khai Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị định số 01/2018/NĐ-CP, cơ quan Bộ Công an đã được đổi mới về căn bản và sắp xếp tinh gọn, cụ thể: giảm 06 tổng cục, 01 đơn vị tương đương cấp tổng cục, gần 60 đơn vị cấp cục. Bộ Công an tiếp tục tiến hành việc cơ cấu lại các đơn vị cấp phòng thuộc cơ quan Bộ theo hướng tinh giản số lượng. Giai đoạn này được dự kiến hoàn thành trong năm 2021, cùng với đó là tiếp tục ban hành, hoàn thiện các quy định về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của từng đơn vị cấp cục, cấp phòng.

Thứ hai, về đội ngũ cán bộ: việc sắp xếp, cơ cấu lại đội ngũ lãnh đạo, cán bộ ở cơ quan Bộ, đã hoàn thành việc bố trí, sắp xếp đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp tổng cục và cấp cục (cũ): tính đến cuối tháng 12/2019, Bộ Công an đã điều động, bố trí 35 lãnh đạo Tổng cục (27 đồng chí giữ chức vụ Cục trưởng, giám đốc Công an tỉnh; 02 đồng chí giữ chức vụ Phó Cục trưởng; 02 đồng chí đến Ban nghiên cứu giúp việc Bộ trưởng; 04 đồng chí nghỉ công tác đến độ tuổi thực hiện chế độ hưu trí theo quy định. Điều động, bố trí 421 lãnh đạo Cục: 418 đồng chí lãnh đạo Cục giữ các chức vụ Cục trưởng, Phó Cục trưởng, Giám đốc, Phó Giám đốc Công an địa phương; 01 đồng chí Cục trưởng đến Ban nghiên cứu giúp việc Bộ trưởng; 02 đồng chí Cục trưởng nghỉ công tác đến độ tuổi thực hiện chế độ hưu trí theo quy định. Bước đầu giảm biên chế cơ quan Bộ, tăng cường lực lượng cho Công an địa phương 2.669 cán bộ.

Để tránh phân tán nguồn lực, Bộ Công an đã rà soát, xác định lại nhu cầu và bố trí cán bộ các đơn vị cơ quan Bộ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ theo mô hình tổ chức mới(4). Tính đến ngày 01/6/2019, biên chế đang công tác ở cơ quan Bộ giảm 1.322 cán bộ, chiến sĩ. Trong năm 2020, tiếp tục điều động 1.166 cán bộ, chiến sĩ thuộc các Cục trực thuộc Bộ, các học viện, trường Công an nhân dân về Công an địa phương; trong đó có 79 trường hợp (24 lãnh đạo, chỉ huy; 55 cán bộ) đến nhận công tác tại Công an các địa phương(5). Từ cuối năm 2018 đến năm 2021, biên chế cơ quan Bộ tiếp tục giảm với số lượng lớn tiệm cận về mức từ 15% đến 17% tổng biên chế đang công tác của toàn lực lượng(6).

Có thể khẳng định, việc triển khai thực hiện sắp xếp, tổ chức bộ máy cơ quan Bộ đã đạt được những kết quả rất tích cực. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn một số hạn chế, bất cập như: ở một số đơn vị phải thực hiện các nhiệm vụ mang tính chất giúp việc, giải quyết sự vụ hơn là tham mưu chiến lược; cơ chế tuyển dụng, đào tạo, quản lý, sử dụng và đánh giá cán bộ, chiến sĩ chưa có nhiều đột phá, sáng tạo. Ngoài ra, chưa có nhiều cán bộ thực sự có trình độ và kinh nghiệm trong tham mưu, dự báo.

Một số giải pháp tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ của Bộ Công an hoạt động hiệu lực, hiệu quả

Để tiếp tục triển khai thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ ở cơ quan Bộ Công an bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, cần thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là, quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Cụ thể là Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ sáu khóa XII về Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và những định hướng trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng: “Xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch. Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả”. Bởi vì, khi các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đi vào thực tiễn công tác, chiến đấu sẽ là điều kiện then chốt để xây dựng tổ chức bộ máy hành chính nhà nước nói chung, xây dựng tổ chức bộ máy của lực lượng Công an nhân dân nói riêng thành một tổ chức tinh gọn, mang tính chiến đấu cao; bảo đảm sự điều hành tập trung, thống nhất, chuyên sâu, đáp ứng nhanh chóng, hiệu quả mọi yêu cầu, nhiệm vụ.

Trong đó, tập trung sắp xếp lại các đầu mối công việc, xác định rõ ràng hơn các nhóm chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đối với các đơn vị ở cơ quan Bộ là tiêu trí quan trọng để tổ chức bộ máy ngày càng tinh gọn. Trên cơ sở đó, tiếp tục việc điều chỉnh, hợp nhất, sáp nhập cấp phòng ở cơ quan Bộ phù hợp với yêu cầu thực tiễn và hoạt động hiệu quả; tránh tình trạng trùng lặp hoặc bỏ sót chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn.

Hai là, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ cơ chế, chính sách liên quan đến công tác tổ chức, cán bộ trong Công an nhân dân. Tập trung hoàn thiện cơ chế tổ chức, tuyển dụng, bố trí sử dụng cán bộ, xây dựng cơ chế đặc thù riêng, theo hướng linh hoạt trong tuyển dụng, bổ nhiệm nhân sự chất lượng cao. Xây dựng đội ngũ tham mưu nhằm bảo đảm tính nhất quán trong định hướng chính trị đối với các chính sách được ban hành, đồng thời bảo đảm tuyển dụng được những người giỏi chuyên môn, nghiệp vụ; bảo đảm tính linh hoạt, dự báo cho các chính sách về an ninh, trật tự. Ngoài việc trả lương theo quy định chung, có thể chủ động xây dựng chế độ trả thù lao, bồi dưỡng đối với các sản phẩm tham mưu chiến lược theo chế độ chuyên gia… nhằm động viên, khuyến khích tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Ba là, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ ở cơ quan Bộ đủ phẩm chất, năng lực thực hiện nhiệm vụ. Trong đó, cần tập trung triển khai kế hoạch của Bộ về cơ cấu lại đội ngũ cán bộ theo Quy định số 02-QĐi/ĐUCA ngày 22/8/2019 của Đảng ủy Công an Trung ương về khung tiêu chuẩn, tiêu chí bố trí cán bộ ở bốn cấp Công an và Kế hoạch số 376/KH-BCA-X01 ngày 01/11/2019 của Bộ Công an về cơ cấu lại đội ngũ cán bộ ở các cấp Công an, với hướng tăng cường về cơ sở, đơn vị trực tiếp chiến đấu. Đồng thời, nghiên cứu mở rộng việc áp dụng mô hình chuyên viên, vì mô hình này có nhiều ưu điểm giúp bộ máy tinh gọn hơn. Theo đó, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng tổ chức được quy định rõ ràng, khoa học, cần hoàn thiện các thông tư, quy định về chức danh Công an nhân dân theo hướng quy định rõ hơn tiêu chuẩn chức trách cán bộ và nhiệm vụ cụ thể của từng chức danh.

Bên cạnh đó, cần tập trung công tác đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng nâng cao năng lực, phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị cho cán bộ, chiến sĩ nói chung, ở cơ quan Bộ nói riêng. Đặc biệt, tập trung đào tạo cán bộ có trình độ cao, năng lực toàn diện, có tư duy chiến lược; tinh thông nghiệp vụ, có tác phong chuyên nghiệp; khả năng làm chủ và sử dụng thành thạo các phương tiện, khoa học - kỹ thuật hiện đại vào trong thực tiễn công tác, chiến đấu. Tiếp tục hoàn thiện chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo chức danh cho cán bộ ở đơn vị trực thuộc Bộ; lồng ghép các chương trình đào tạo trong thực tiễn kết hợp với đổi mới phương thức kiểm tra năng lực sau đào tạo đối với đội ngũ này./.

-----------------------------------

Ghi chú:

(1) Quán triệt quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác huấn luyện và học tập: tham làm nhiều mà không chu đáo, không biết “quý hồ tinh, bất quý hồ đa”. Trong nhiều đợt chỉnh huấn, Người đã chỉ thị phải ra sức học tập, rèn luyện để đạt tới “tinh binh, tinh cán”, giản chính, tinh cán.

(2),(4) Bộ Công an, Báo cáo số 150/BC-BCA-X03 ngày 23/02/2021 về kết quả thực hiện Chỉ thị số 26-CT/TTg ngày 25/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong Công an nhân dân năm 2020.

(3),(5) Đảng ủy Công an Trung ương, Báo cáo số 346-BC/ĐUCA ngày 21/12/2019 sơ kết thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị.

-----------------------------

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Chính trị, Nghị quyết số 22/NQ-TW ngày 15/3/2018 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an.

2. Bộ Công an, Kế hoạch số 376/KH-BCA-X01 ngày 01/11/2019 về cơ cấu lại đội ngũ cán bộ ở các cấp Công an.

3. Chính phủ, Nghị định số 123/2016/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ.   

4. Chính phủ, Nghị định số 01/2018/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an.

5. Đảng ủy Công an Trung ương, Quy định số 02-QĐi/ĐUCA ngày 22/8/2019 về khung tiêu chuẩn, tiêu chí bố trí cán bộ ở bốn cấp Công an.

6. Quốc hội, Luật Công an nhân dân, Nxb CTQG-ST, H.2018.

 

TS. Bùi Thanh Tuấn - Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an, Bộ Công an

 

Theo: https://tcnn.vn/

Trung bình (0 Bình chọn)

 

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

Đang truy cập: 18,101
Tổng số trong ngày: 721
Tổng số trong tuần: 720
Tổng số trong tháng: 416,635
Tổng số trong năm: 2,746,653
Tổng số truy cập: 81,961,500