Bộ Nội vụ: Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+

Bộ Nội vụ vừa ban hành Kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2024. Theo đó, để thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN, TC) năm 2024, các cơ quan, đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ; công chức, viên chức, người lao động hoàn thành tốt các nhiệm vụ sau:

Nâng cao vai trò, trách nhiệm của công chức, viên chức, người lao động, nhất là người đứng đầu đơn vị và các tổ chức đoàn thể trong công tác PCTN, TC.

Một là, tuyên truyền, phổ biến quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTN, TC

Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể về tuyên truyền, phổ biến quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTN, TC bằng nhiều hình thức phong phú, hiệu quả; tổ chức sinh hoạt chuyên đề để quán triệt nội dung các văn bản về PCTN, TC trong sinh hoạt chi bộ gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; các quy định về nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp đến toàn thể công chức, viên chức và người lao động nhằm nâng cao hiểu biết pháp luật để có những hành động, việc làm cụ thể tạo chuyển biến tích cực đối với công tác PCTN, TC.

Đẩy mạnh truyền thông về công tác PCTN, TC; công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng kết quả phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, các vi phạm và kết quả xử lý vi phạm liên quan đến PCTN, TC. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức, người lao động để nâng cao ý thức, trách nhiệm, bản lĩnh, đạo đức nghề nghiệp về công tác PCTN, TC.

Hai là, nâng cao vai trò, trách nhiệm của công chức, viên chức, người lao động, nhất là người đứng đầu đơn vị và các tổ chức đoàn thể trong công tác PCTN, TC

Thủ trưởng các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ gương mẫu, quyết liệt và trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTN, TC; phòng ngừa, phát hiện và phối hợp xử lý các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng theo quy định của pháp luật liên quan đến tham nhũng (nếu có). Nghiêm túc thực hiện quy định về xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách.

Phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội của Bộ; cơ quan, đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ; công chức, viên chức, người lao động trong công tác đấu tranh PCTN, TC. Tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế và đối ngoại về PCTN, TC theo chỉ đạo của Chính phủ.

Việc đánh giá, xếp loại và bình xét thi đua, khen thưởng đối với cơ quan, đơn vị, cá nhân cần đánh giá cả tiêu chí hiệu quả công tác PCTN, TC.

Ba là, tăng cường quản lý, giám sát công chức, viên chức, người lao động; hoàn thiện, thực hiện nghiêm các quy định về công tác tổ chức cán bộ

Rà soát, sửa đổi, bổ sung, khắc phục những sơ hở, bất cập trong công tác tổ chức cán bộ; thực hiện phân công, phân cấp rõ ràng và kiểm soát quyền lực; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị.

Thực hiện Quy định số 114-QĐ/TW ngày 11/7/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và PCTN, TC trong công tác cán bộ; chuyển đổi vị trí công tác theo quy định pháp luật và của Bộ Nội vụ nhằm phòng ngừa tham nhũng; thực hiện có hiệu quả việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế; cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức, người lao động.

Đẩy mạnh cải cách hành chính; xây dựng nền công vụ minh bạch, liêm chính, phục vụ; thực hiện nghiêm quy định về tặng quà, nhận quà tặng và có chế tài nghiêm khắc đối với cá nhân, tổ chức vi phạm. Thực hiện tốt quy tắc ứng xử, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp của công chức, viên chức, người lao động trong thi hành nhiệm vụ, công vụ.

Bốn là, kiểm soát tài sản, thu nhập; tăng cường công khai, minh bạch trong thực thi công vụ

Thực hiện nghiêm việc kê khai, công khai, kiểm soát tài sản, thu nhập, chế độ báo cáo về kê khai, công khai tài sản, thu nhập theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị theo quy định. Quy định các nội dung công khai, hình thức công khai tại đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ.

Đẩy mạnh thực hiện việc thanh toán không dùng tiền mặt đối với các khoản thu, chi có giá trị lớn, đáp ứng điều kiện về cơ sở hạ tầng để thực hiện việc thanh toán không dùng tiền mặt theo quy định của Chính phủ; thực hiện trả các khoản chi lương, thưởng và chi khác có tính chất thường xuyên qua tài khoản tại các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ.

Năm là, xây dựng, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền các văn bản về chế độ, định mức, tiêu chuẩn; đảm bảo công khai, minh bạch nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác PCTN, TC

Chủ động thực hiện rà soát, sửa đổi, bổ sung; tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, các quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn và các lĩnh vực khác thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của công tác PCTN, TC. 

Sáu là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nội bộ để phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng 

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nội bộ đối với các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ và các công chức, viên chức, người lao động của Bộ Nội vụ để phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng, tiêu cực. Thực hiện các cuộc thanh tra chuyên ngành; kịp thời kiến nghị cấp có thẩm quyền hoặc phối hợp với cơ quan có liên quan xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực phát hiện qua thanh tra.

Tiếp tục triển khai và thực hiện chủ trương của Đảng, quy định của pháp luật về công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo; tổ chức thực hiện nghiêm túc các kiến nghị, kết luận, quyết định xử lý của các cấp ủy, cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Chủ động ngăn ngừa, xử lý sớm các vấn đề kéo dài có thể tạo ra bức xúc, nhất là các vụ việc khiếu kiện đông người, liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của người dân.

Phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán nhà nước, Ban Nội chính Trung ương, thanh tra các bộ, ngành và các cơ quan liên quan để làm tốt công tác PCTN, TC tại Bộ Nội vụ.

Bảy là, thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về PCTN, TC thành pháp luật của Nhà nước

Chủ động tự kiểm tra, rà soát các văn bản pháp luật hiện hành liên quan đến các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ để kịp thời phát hiện, khắc phục những bất cập, kẽ hở, thiếu sót tạo điều kiện cho việc lợi dụng để thực hiện các hành vi tham nhũng, tiêu cực.

Nắm chắc những chủ trương, đường lối của Đảng về PCTN, TC để áp dụng trong việc xây dựng văn bản pháp luật trong những lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ. 

Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ công chức làm công tác xây dựng pháp luật tại các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ./.

Theo: https://tcnn.vn/

Trung bình (0 Bình chọn)

 

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

Đang truy cập: 9,616
Tổng số trong ngày: 6,080
Tổng số trong tuần: 38,330
Tổng số trong tháng: 188,497
Tổng số trong năm: 2,098,968
Tổng số truy cập: 81,313,815