Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Ưu tiên nhiệm vụ trọng tâm trong Quý II/2024 là cải cách chính sách tiền lương

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+

Sáng ngày 02/4/2024, tại Trụ sở Bộ, đồng chí Phạm Thị Thanh Trà, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ chủ trì Hội nghị giao ban đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác Qúy I/2024 và triển khai nhiệm vụ công tác tháng 4/2024 của Bộ. Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng; lãnh đạo các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ.

Quang cảnh Hội nghị

Báo cáo tại Hội nghị, Chánh Văn phòng Bộ Vũ Đăng Minh cho biết, Quý I/2024, Bộ Nội vụ đã tập trung hoàn thành 214 nhiệm vụ cấp có thẩm quyền giao (đạt tỷ lệ 93,4%).

Về công tác xây dựng thể chế, trong Quý I/2024, Bộ Nội vụ đã tập trung hoàn thiện dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV; trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 01 Nghị quyết, 03 Nghị định, 07 Quyết định; Bộ trưởng ban hành 01 Thông tư, 01 văn bản hợp nhất.

Đã tham mưu xây dựng Đề án cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW Ban Chấp hành Trung ương khóa XII; thẩm định Đề án vị trí việc làm trong các tổ chức hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập của các bộ, ngành, địa phương. Theo đó, đến nay, các bộ, ngành, địa phương đã cơ bản hoàn thành công tác phê duyệt đề án. Tuy nhiên, còn 06 bộ, địa phương đang khẩn trương hoàn thành để phê duyệt trong đầu tháng 4/2024.

Đã tham mưu tổ chức thành công nhiều hội nghị, hội thảo quan trọng như: cuộc họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030; Chương trình Thủ tướng Chính phủ gặp mặt thanh niên năm 2024; tổ chức tốt Đoàn công tác của Bộ Nội vụ Việt Nam thăm và làm việc chính thức tại nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.

Đã tập trung hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương tiếp tục cập nhật, đồng bộ dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức bảo đảm đúng - đủ - sạch - sống; đồng thời làm việc trực tiếp với một số địa phương để giải đáp những khó khăn, vướng mắc trong việc cập nhật dữ liệu.

Toàn ngành Nội vụ đã tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm ngay từ đầu năm, nổi bật là đã tổ chức ký kết và phát động thi đua thực hiện nhiệm vụ năm 2024 theo đúng hướng dẫn của Bộ Nội vụ; phê duyệt Đề án vị trí việc làm trong các tổ chức hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập;...

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà phát biểu chỉ đạo, kết luận Hội nghị.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh: Quý I/2024 là quý có khối lượng công việc lớn, song Bộ Nội vụ đã chủ động bắt tay ngay vào thực hiện nhiệm vụ từ đầu năm và sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn để hoàn thành nhiều nhiệm vụ quan trọng.

Trong tháng 4 và Quý II/2024, khối lượng công việc lớn, nhiều nhiệm vụ khó, phức tạp, vì vậy Bộ trưởng yêu cầu thủ trưởng các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ tập trung cao độ, chủ động, nỗ lực để hoàn thành các nhiệm vụ cấp có thẩm quyền giao. Cụ thể là:

Thứ nhất, ưu tiên nhiệm vụ trọng tâm trong Quý II là cải cách chính sách tiền lương. Giao Vụ Tiền lương tập trung tiếp thu ý kiến của Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan để hoàn thiện dự thảo Tờ trình, Báo cáo Bộ Chính trị về việc xây dựng các nội dung cụ thể của chế độ tiền lương mới; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 01/7/2024; đồng thời chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn để triển khai đồng bộ chính sách tiền lương ngay sau khi có ý kiến của Bộ Chính trị.

Thứ hai, Vụ Chính quyền địa phương tập trung triển khai thực hiện Kết luận số 48-KL/TW của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Thông báo kết luận số 3243/TB-TTKQH của Tổng Thư ký Quốc hội và Nghị quyết số 117/NQ-CP của Chính phủ về thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025. Chủ động phối hợp các bộ, ngành tổ chức thẩm định hồ sơ Đề án của các địa phương theo hướng ưu tiên các địa phương có số lượng đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp không nhiều, đã hoàn thiện xong Đề án so với thời hạn yêu cầu; phân nhóm các địa phương trình hồ sơ Đề án theo các đợt, tránh dồn vào một thời điểm; đồng thời quan tâm vấn đề cán bộ dôi dư, giải quyết chế độ chính sách cho cán bộ sau sắp xếp. Chủ động tham mưu, đề xuất các giải pháp giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn trong quá trình thực hiện.

Thứ ba, về thể chế, tiếp tục phối hợp với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tiếp thu ý kiến của các Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan có liên quan chỉnh lý dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) để hoàn thiện trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV. Chủ động tham mưu xây dựng 04 hồ sơ, báo cáo đề nghị xây dựng luật theo kế hoạch đề ra; chủ động bám sát các đơn vị thuộc Văn phòng Chính phủ để trình Chính phủ ban hành 06 Nghị định; Bộ trưởng ban hành 09 Thông tư.

Thứ tư, chủ trì, chuẩn bị tốt chất lượng báo cáo giải trình trước Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đơn vị sự nghiệp, về sắp xếp đơn vị sự nghiệp của các bộ, ngành. Tổng hợp kết quả của Đề án vị trí việc làm.

Thứ năm, giao Vụ Cải cách hành chính tập trung hoàn thành dứt điểm Báo cáo Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Báo cáo Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2023, làm cơ sở tổ chức Hội nghị công bố trong tháng 4/2024.

Giao Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương chủ trì, phối hợp phát động phong trào “Xóa nhà tạm, nhà dột nát đến năm 2025”, chung sức phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Đồng thời, đánh giá việc tổng kết công tác thi đua, của tất cả 14/14 Cụm thi đua.

Thứ sáu, các đơn vị chủ động nắm bắt những vấn đề được đại biểu Quốc hội, cử tri quan tâm, chuẩn bị kĩ lưỡng, đầy đủ, toàn diện nội dung để chuẩn bị tài liệu phục vụ Bộ trưởng tham dự Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XV và Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; đồng thời tham mưu văn bản trả lời kiến nghị cử tri và hướng dẫn bộ, ngành, địa phương các vấn đề liên quan lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ đảm bảo đúng trọng tâm, trọng điểm, rõ ràng, ngắn gọn, trong đó nội dung trả lời cần thể hiện tính khái quát, quy định chung và hạn chế dưới hình thức cung cấp thông tin.

Thứ bảy, giao Vụ Tổ chức cán bộ khẩn trương trình ban hành Kế hoạch sát hạch làm cơ sở thực hiện đào tạo, bồi dưỡng theo Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng tạo nguồn cán bộ lãnh đạo trẻ các cấp của Bộ Nội vụ giai đoạn 2023-2026, định hướng đến năm 2030”; Đề án “Thí điểm biệt phái công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý cấp vụ đến địa phương công tác giai đoạn 2024-2026, định đến năm 2030 của Bộ Nội vụ”; sửa đổi Quy chế xét, công nhận sáng kiến của Bộ; Quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý và điều động, biệt phái công chức, viên chức làm việc tại các cơ quan, đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ.

Thứ tám, các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ nghiêm túc rà soát, điều chỉnh kế hoạch làm việc với các bộ, ngành, địa phương năm 2024 tránh chồng chéo, theo tinh thần mỗi bộ, ngành, địa phương làm việc với 01 đoàn của Bộ Nội vụ/năm; đồng thời giao Văn phòng Bộ chủ trì, phối hợp các đơn vị tiếp tục rà soát các đoàn thanh tra, kiểm tra, khảo sát, hội nghị của Bộ tại các bộ, ngành, địa phương bảo đảm tránh trùng lắp, hiệu quả, thiết thực tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các bộ, ngành, địa phương trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ; trường hợp cần thiết tổ chức các đoàn làm việc tại các bộ, ngành, địa phương phải báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo và chỉ được tổ chức khi được sự đồng ý của Bộ trưởng.

Thứ chín, Ban Tôn giáo Chính phủ tăng cường công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo bảo đảm các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo theo đúng quy định của pháp luật, văn minh, an toàn, lành mạnh, tiết kiệm, phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc; đồng thời bám sát, nắm chắc diễn biến tình hình tín ngưỡng, tôn giáo để kịp thời đề xuất tham mưu cấp có thẩm quyền giải quyết.

Thứ mười, chuẩn bị kỹ lưỡng, chất lượng cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức theo kế hoạch.

Cuối cùng, về công tác chuyển đổi số, các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ tiếp tục hoàn thiện 09 cơ sở dữ liệu chuyên ngành thuộc lĩnh vực nội vụ để kết nối, tích hợp với Trung tâm điều hành thông minh của Bộ Nội vụ (IOC). Giao Tổ công tác thực hiện Đề án 06/CP của Bộ Nội vụ tiếp tục làm việc và đôn đốc các bộ, ngành, địa phương cập nhật và đồng bộ dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức bảo đảm đúng - đủ - sạch - sống. Giao Trung tâm Thông tin lập báo cáo chương trình chi tiết, cụ thể cho chương trình chuyển đổi số trong tháng 4, đưa ra các nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ./.

 

Theo: https://tcnn.vn/

Trung bình (0 Bình chọn)

 

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

Đang truy cập: 7,427
Tổng số trong ngày: 3,214
Tổng số trong tuần: 47,062
Tổng số trong tháng: 197,229
Tổng số trong năm: 2,107,700
Tổng số truy cập: 81,322,546