Cán bộ được luân chuyển sẽ thành công khi tạo được sự gắn bó máu thịt với địa phương nơi mình đến

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+

Luân chuyển cán bộ là chủ trương, chính sách lớn đúng đắn của Đảng và Nhà nước nhằm đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách cán bộ và làm cơ sở lựa chọn, bố trí, sử dụng cán bộ.

Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Chủ tịch thường trực TP Hải Phòng

Luân chuyển không bao giờ là sự "tráng men"

Rút ra từ chính quá trình trải nghiệm của mình sau hơn 6 năm được Trung ương luân chuyển từ vị trí Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ về làm Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, ông Nguyễn Xuân Bình chia sẻ với báo Vietnamnet: “Tôi cho rằng việc luân chuyển cán bộ hết sức cần thiết, tạo cơ hội rất tốt cho cán bộ có điều kiện thâm nhập thực tiễn, rèn luyện bản lĩnh, kỹ năng lãnh đạo. Trên thực tế, nhiều cán bộ đã được bố trí làm lãnh đạo ở địa phương để tự mình rèn luyện và có cơ hội đóng góp cho sự phát triển địa phương".

Phó Chủ tịch thường trực TP Hải Phòng cho biết, khó khăn lớn nhất nằm ở chính người được đi luân chuyển. Đó là năng lực, kinh nghiệm của mình còn hạn chế so với công việc mới, lĩnh vực mới, địa phương mới mà mình được phân công đến. Chính vì vậy, cán bộ được luân chuyển phải tự tích lũy, rèn luyện hơn, học tập nghiêm túc để trưởng thành từng ngày, đáp ứng được nhiệm vụ mới; đồng thời được cơ quan có trách nhiệm của Đảng, Nhà nước trang bị thêm trước khi về địa phương công tác để khắc phục những hạn chế đó. Đây là vấn đề cực kỳ cần thiết.

“Tôi có kinh nghiệm công tác 6 - 7 năm ở Bộ Tư pháp, 20 năm ở Bộ Nội vụ nhưng khi tới TP Hải Phòng thì thực tiễn mênh mông vô cùng, kiến thức của mình không là bao nhiêu cả, cho nên việc học tập rất quan trọng”. Vấn đề thứ hai cũng cực kỳ quan trọng, đó là mình phải tâm huyết, phải yêu mảnh đất mình đến, dồn tâm huyết của mình trong công việc, cho cái chung.

Cán bộ được luân chuyển phải tạo sự gắn bó máu thịt đối với địa phương nơi mình đến, với người dân. Khi đó cán bộ sẽ thành công và sẽ có được sự ủng hộ, có được cơ hội rèn luyện và cũng có cơ hội để đóng góp. Ông Bình chia sẻ kinh nghiệm bản thân.

Từ thực tế trải nghiệm của mình, Phó Chủ tịch thường trực TP Hải Phòng khẳng định, luân chuyển không bao giờ là sự "tráng men". Bởi lẽ thực tiễn vị trí quản lý một địa phương đòi hỏi bản lĩnh, kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm, tâm huyết và trách nhiệm của cán bộ rất nhiều.

Cách đây ba năm, khi Bộ Chính trị ban hành Quy định số 98-QĐ/TW ngày 07/10/2017 về luân chuyển cán bộ, trả lời phỏng vấn báo chí liên quan đến thời gian luân chuyển được quy định ít nhất là 3 năm (36 tháng) đối với một chức danh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc cho rằng, đây là một trong những mục đích chính của việc ban hành Quy định số 98-QĐ/TW, bởi khi thực hiện việc luân chuyển cán bộ phải đạt được mục tiêu thực, đảm bảo đúng ý nghĩa của việc luân chuyển cán bộ. Đó là để đào tạo, bồi dưỡng, thử thách, rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm cho cán bộ để sử dụng, đề bạt họ vào vị trí cao hơn. Đây là vấn đề vừa khoa học vừa thực tiễn.

Để người cán bộ được luân chuyển thực sự thể hiện được khả năng thì tối thiểu phải 03 năm, nếu như được cả một nhiệm kỳ 05 năm là tốt. Tuy nhiên 03 năm cũng là quãng thời gian đủ để người được luân chuyển thể hiện khả năng trong công việc cũng như tích lũy kinh nghiệm trong thực tiễn để bố trí vào vị trí cao hơn - TS Thang Văn Phúc nêu quan điểm.

Để công tác luân chuyển cán bộ đạt hiệu quả cao

Theo ông Nguyễn Xuân Bình, để công tác luân chuyển cán bộ đạt hiệu quả cao, Đảng và Nhà nước cần làm sớm công tác luân chuyển ngay từ đầu nhiệm kỳ để làm sao lựa chọn được những đồng chí có năng lực, có triển vọng đưa đi luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Chọn được các đồng chí trẻ càng tốt.

Ở độ tuổi trên dưới 40 mà được đào tạo, luân chuyển thì rất tốt; ít nhất sau đó cán bộ còn có từ một đến hai nhiệm kỳ làm tốt những vị trí công tác khác. Bởi vì nếu như luân chuyển muộn quá, thời gian đúc rút kinh nghiệm, rèn luyện bản lĩnh, tích lũy kiến thức để cán bộ áp dụng vào công việc mới không đủ dài cũng là cái phí. Ông Bình nêu quan điểm.

Chia sẻ với báo điện tử VOV, TS Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh, luân chuyển cán bộ về địa phương còn nhằm khắc phục tình trạng cục bộ, khép kín trong công tác cán bộ, giúp cán bộ tránh được những chi phối trong mối quan hệ họ hàng, dòng tộc, đồng thời góp phần từng bước hạn chế tình trạng nể nang, bè phái, cục bộ trong xử lý, điều hành công việc.

Trước lo ngại việc cán bộ luân chuyển bị cô lập, không phát huy được năng lực, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ khẳng định khó xảy ra việc này. Bởi thực tế vừa qua cho thấy, một loạt cán bộ được luân chuyển về địa phương hay bí thư tỉnh ủy này sang làm bí thư tỉnh ủy khác... đều đã phát huy được năng lực lãnh đạo, phẩm chất của người đứng đầu, trưởng thành từ thực tế, sau đó những cán bộ này trở về bổ sung nguồn cán bộ cho Trung ương rất tốt.

Cùng quan điểm với TS Nguyễn Tiến Dĩnh, GS.TSKH Phan Xuân Sơn, giảng viên cao cấp Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhận thấy, điểm mới trong công tác luân chuyển cán bộ lần này đó là cán bộ được luân chuyển nắm giữ vị trí người đứng đầu, vì chỉ có người đứng đầu mới thể hiện rõ năng lực, bản lĩnh, trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ./.

 

Theo: https://tcnn.vn/

Trung bình (0 Bình chọn)

 

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

Đang truy cập: 14,725
Tổng số trong ngày: 8,139
Tổng số trong tuần: 93,509
Tổng số trong tháng: 145,039
Tổng số trong năm: 2,055,510
Tổng số truy cập: 81,270,357