Chủ tịch Hồ Chí Minh với việc phát huy những giá trị truyền thống dân tộc và sự vận dụng của Đảng ta hiện nay

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+

Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, dân tộc Việt Nam đã hình thành nên những truyền thống tốt đẹp. Đó là chủ nghĩa yêu nước và tinh thần đoàn kết dân tộc; ý chí tự lực, tự cường, niềm tự hào dân tộc, niềm tin vững chắc vào tương lai; tinh thần trọng danh dự, lòng khoan dung, nhân ái, vị tha; không ngừng phấn đấu vươn lên… Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực về gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống để trở thành nguồn lực nội sinh của dân tộc, góp phần thúc đẩy sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đoàn Ca múa nhân dân. Ảnh tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh với việc phát huy những giá trị truyền thống dân tộc

Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân “những giá trị vĩnh cửu của người Việt Nam”; là người khơi dậy nguồn sức mạnh nội sinh của dân tộc Việt Nam, làm cho sức mạnh đó được hội tụ, phát huy để đem lại độc lập, thống nhất cho đất nước và hạnh phúc cho nhân dân. Dân tộc Việt Nam là điểm xuất phát, là mục đích và động lực to lớn giúp cho Người nhận thức và hành động, hy sinh và cống hiến. Từ khi bôn ba tìm đường cứu nước, Người đã khẳng định: “Chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước”(1). Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Người luôn tin tưởng vào sức mạnh và năng lực cách mạng, sáng tạo của Nhân dân để tập hợp, giáo dục, tổ chức và lãnh đạo quần chúng nhân dân.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã “... phát huy đến mức cao nhất sức mạnh đoàn kết đấu tranh của cả dân tộc Việt Nam ta, phát huy mọi truyền thống tốt đẹp của dân tộc từ nghìn xưa. Quá khứ sống lại đẹp đẽ hơn bao giờ hết trong bản hùng ca của hiện tại và hiện tại đang gieo hạt giống quý báu cho những ngày mai tươi sáng”(2). Tuyên ngôn thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam (tháng 12/1940) đã vang lên những lời hùng hồn, có sức mạnh hiệu triệu sâu sắc: “Việt Nam ngày nay không còn là Việt Nam ngày xưa nữa! Việt Nam ngày nay phải là một Việt Nam kiên cường, một Việt Nam vũ trang, một Việt Nam bất khuất vinh quang, không tiếc sự hy sinh nào, không sợ điều khó khăn nào, nhằm thẳng vào mục tiêu giải phóng dân tộc mà phấn đấu!”(3).

Trong những giá trị truyền thống Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt đề cao truyền thống yêu nước của nhân dân ta: “Ta phải nhận rằng đã là con Lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc”(4); “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và cướp nước… Chúng ta có quyền tự hào vì những trang lịch sử vẻ vang thời đại Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung…”(5). Lịch sử dân tộc đã chứng minh, yêu nước là dòng chảy xuyên suốt lịch sử dân tộc, trở thành một giá trị, chuẩn mực các giá trị văn hóa - tinh thần Việt Nam. Nét đặc sắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh về lòng yêu nước của người Việt Nam là chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc chân chính, chứ không phải chủ nghĩa dân tộc vị kỷ, hẹp hòi: “Tinh thần yêu nước chân chính khác hẳn với tinh thần “vị quốc” của bọn đế quốc phản động, nó là một bộ phận của tinh thần quốc tế”(6).

Chủ tịch Hồ Chí Minh thường gắn truyền thống yêu nước với truyền thống đoàn kết của dân tộc; và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Người luôn nêu cao tinh thần đoàn kết “đồng cam cộng khổ”, “chung lưng đấu cật” của toàn thể quốc dân đồng bào, xem đây là vấn đề chiến lược, có ý nghĩa quyết định thắng lợi của cách mạng. Người kêu gọi mọi người dân Việt Nam “con Lạc, cháu Hồng; con Rồng, cháu Tiên” đều phải thể hiện mạnh mẽ tinh thần yêu nước của mình bằng những hành động cụ thể, thiết thực “Yêu nước thì phải đoàn kết, đoàn kết chính là yêu nước”; “Dân ta xin nhớ chữ đồng: đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh”(7). Và Người đã khái quát thành phương châm, khẩu hiệu: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; thành công, thành công, đại thành công”(8).

Bên cạnh truyền thống yêu nước - đoàn kết thì lòng nhân ái, khoan dung là một giá trị truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam. Thấm nhuần sâu sắc triết lý sống của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kế thừa và phát triển lên một tầm cao mới, đó là chủ nghĩa nhân đạo cộng sản. Người khẳng định: “Dân tộc ta là một dân tộc giàu lòng đồng tình và bác ái”(9). Bởi theo Người, bác ái nghĩa là thương yêu nhau, giúp đỡ nhau để mưu hạnh phúc chung; xét cho cùng, ở đời và làm người thì phải biết thương nước, thương dân, thương nhân loại đau khổ bị áp bức.

Có thể nói, tầm cao và chiều sâu trong tư tưởng - hành động của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện qua việc Người đã vận dụng, phát huy những truyền thống đó một cách phù hợp, sáng tạo, làm cho giá trị truyền thống dân tộc được phát huy mạnh mẽ, trở thành sức mạnh vật chất phục vụ công cuộc kháng chiến, kiến quốc một cách hiệu quả, thiết thực. Những tư tưởng, lời căn dặn của Người thể hiện rõ điều đó: “Nhân dân ta từ lâu đã sống với nhau có tình có nghĩa như thế, từ khi có Đảng ta lãnh đạo và giáo dục, tình nghĩa ấy càng cao đẹp hơn, trở thành tình nghĩa đồng bào, đồng chí, tình nghĩa năm châu bốn biển một nhà. Hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin là phải sống với nhau có tình có nghĩa. Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình có nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin được”(10).

Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết: “Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam… Sử ta dạy cho ta bài học này: lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn”(11). Người chỉ rõ nhiệm vụ của những người cách mạng: “Tinh thần yêu nước cũng như các thứ của quý… Bổn phận của chúng ta là… phải ra sức giải thích, tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo, làm cho tinh thần yêu nước của tất cả mọi người đều được thực hành vào công việc yêu nước, công việc kháng chiến”(12). Trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trở lại xâm lược, trong Thư gửi các chiến sĩ Cảm tử quân thủ đô, Người động viên: “Các em là đại biểu cái tinh thần tự tôn tự lập của dân tộc ta mấy nghìn năm để lại, cái tinh thần quật cường đó đã kinh qua Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, truyền lại cho các em. Nay các em gan góc tiếp tục cái tinh thần bất diệt đó, để truyền lại cho nòi giống Việt Nam muôn đời về sau”(13).

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Khi tiếp các nhà báo và trí thức quốc tế ngày 12/01/1967, Người nêu rõ: “Chúng tôi đã học được bài học. Lịch sử đấu tranh nghìn năm của Việt Nam đã dạy chúng tôi phải là người yêu nước. Nhân dân chúng tôi là người có lý trí biết suy nghĩ, yêu hòa bình. Chúng tôi muốn kết thúc cuộc chiến tranh này, nhưng nền độc lập, tự do của Việt Nam không bao giờ lại bị đưa ra thương lượng một lần nữa”(14). Trong “Thư trả lời Tổng thống Mỹ R.M. Níchxơn” (viết ngày 25/8/1969, đăng trên Báo Nhân dân ngày 07/11/1969), Người tiếp tục khẳng định: “Nhân dân Việt Nam chúng tôi rất yêu chuộng hòa bình, một nền hòa bình chân chính trong độc lập và tự do thật sự. Nhân dân Việt Nam quyết chiến đấu đến cùng, không sợ hy sinh gian khổ, để bảo vệ Tổ quốc và các quyền dân tộc thiêng liêng của mình”(15).

Để bồi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước; niềm tự hào, tự tôn dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục lịch sử, nhất là lịch sử của dân tộc, đồng thời cảnh báo: “Coi chừng, có nhiều người Việt Nam lại không hiểu rõ lịch sử, đất nước, con người và những cái vốn rất quý báu của mình bằng những người nước ngoài”(16). Nếu không am hiểu lịch sử, văn hóa dân tộc thì không thể giáo dục những truyền thống tốt đẹp của ông cha cho thế hệ trẻ.

Những điều nêu trên cho thấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh là hình ảnh tiêu biểu cho dân tộc, kết tinh truyền thống yêu nước, đoàn kết, khát vọng độc lập, tự do, vượt qua mọi khó khăn, thử thách để giành và giữ cho được độc lập, tự do. Di sản của Người để lại là cái “vốn” và “chất men” để sáng tạo nên cái mới. Chúng ta cần giữ gìn và phát huy những giá trị cao cả đó để vững bước tiến lên theo con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nhận định: “Không ai hiểu biết con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam bằng Hồ Chí Minh và không ai hiểu biết Bác Hồ bằng con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam... Trong tình hình phức tạp và biết bao khó khăn ngày nay, mọi người chúng ta càng phải trang bị cho mình ý chí phấn đấu vươn lên trên con đường mà Hồ Chí Minh, Đảng ta và dân tộc Việt Nam đã lựa chọn”(17).

Sự vận dụng của Đảng ta về phát huy truyền thống dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn cách mạng mới

Nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc giữ gìn, kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong bối cảnh mới, Văn kiện Đại hội ĐBTQ lần thứ XIII của Đảng nêu rõ: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam”(18). Đảng ta khẳng định quan điểm về động lực phát triển đất nước trong thời kỳ mới: tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam, bồi dưỡng sức dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo(19). Về nguồn lực phát triển: “Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; nêu cao ý chí độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất”(20).

Để phát huy, khơi dậy sức mạnh nội sinh của dân tộc, đặc biệt là sức mạnh của tinh thần, ý chí và khát vọng vươn lên của mỗi người dân Việt Nam, Đảng ta nhấn mạnh: “Tập trung khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, niềm tự hào, ý chí tự cường, lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, đồng thuận xã hội và khát vọng phát triển đất nước của toàn dân tộc”(21), làm cho khát vọng đó trở thành động lực thôi thúc hành động, xác định trách nhiệm và nghĩa vụ công dân. Coi trọng giáo dục tinh thần yêu nước, niềm tự hào, tự tôn dân tộc, tinh thần đoàn kết, đồng thuận xã hội, lòng nhân ái, làm cho mọi người Việt Nam đều hiểu biết sâu sắc, tự hào, tôn vinh lịch sử, văn hóa dân tộc. Lòng tự hào dân tộc, tự tôn dân tộc và tự tin dân tộc chính là điểm tựa, bệ phóng giúp người dân Việt Nam vượt qua những khó khăn, thử thách, có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và Tổ quốc để quyết tâm hành động thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Tinh thần, ý chí, khát vọng của một dân tộc là sức mạnh to lớn. Nếu trước đây là khát vọng giành và bảo vệ độc lập, thống nhất đất nước, thì ngày nay là khát vọng xây dựng và phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Đó là ý thức lao động hăng say, sáng tạo, luôn nỗ lực vươn lên làm giàu chính đáng của mỗi người dân, nhất là sự cố gắng phấn đấu của thanh niên trong học tập, lao động sáng tạo, khởi nghiệp, lập nghiệp. Vì vậy, phải khơi dậy ở đội ngũ thanh niên Việt Nam ý thức trách nhiệm, tinh thần chủ động, dấn thân, xung kích, sáng tạo và lòng khát khao cống hiến cho sự phát triển của đất nước. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nêu rõ: “Tăng cường giáo dục thế hệ trẻ về lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc, nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, khát vọng vươn lên; nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với đất nước, với xã hội”(22). Cần tạo những điều kiện, cơ chế, chính sách và môi trường thuận lợi cho mỗi người dân thể hiện lòng yêu nước của mình: “Xây dựng các cơ chế, chính sách phát huy tinh thần cống hiến vì đất nước của mọi người dân Việt Nam”(23). Mỗi người dân Việt Nam phải có niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và tinh thần lạc quan về tương lai tươi sáng của đất nước, tiền đồ tốt đẹp của dân tộc.

Hiện nay, hơn lúc nào hết các giá trị truyền thống cần được kế thừa và phát huy mạnh mẽ để tạo động lực thúc đẩy, hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Chúng ta cần luôn thấm nhuần và thực hiện có hiệu quả quan điểm chỉ đạo của Đảng về kế thừa, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong bối cảnh mới; tiếp tục quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo nền tảng tư tưởng, đường lối của Đảng trong quá trình đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước./.

-------------------------

Ghi chú:

(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 1, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.511. 

(2),(17) Phạm Văn Đồng, Hồ Chí Minh tinh hoa và khí phách của dân tộc, Nxb CTQG-ST, H.2012, tr.11, tr.422-423.

(3),(7),(10),(11) Sđd, tập 3, tr.645, tr.668, tr.255-256.

(4),(9) Sđd, tập 4, tr.280, tr.186.

(5),(6),(12) Sđd, tập 7, tr.38, tr.39, tr.38-39.

(8) Sđd, tập 13, tr.119.

(13) Sđd, tập 5, tr.44.

(14) Hồ Chí Minh, Biên niên tiểu sử, tập 10, Nxb CTQG-ST, H.2016, tr.10-11.

(15),(16) Sđd, tập 15, tr.602, tr.671.

(18),(19),(20),(21),(22),(23) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb CTQG-ST, H.2021, tr.110-111, tr.110, tr.110-111, tr.47, tr.168, tr.47.

 

TS. Nguyễn Mậu Linh - Học viện Chính trị khu vực III, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

Theo: https://tcnn.vn/

Trung bình (0 Bình chọn)

 

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

Đang truy cập: 7,280
Tổng số trong ngày: 10,314
Tổng số trong tuần: 54,162
Tổng số trong tháng: 204,329
Tổng số trong năm: 2,114,800
Tổng số truy cập: 81,329,647