Hoàn thiện dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi): Cần đảm bảo tính tập trung thống nhất trong hoạt động lưu trữ

|
ページビュー:
font-size: A- A A+

Sáng 22/02/2024, phiên họp thứ 30 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được tổ chức tại phòng họp Tân Trào, Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo một số vấn đề lớn về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi). Ảnh: quochoi.vn

Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, ngay sau Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã chủ trì, phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Nội vụ) khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội để chỉnh lý dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi); đồng thời, tổ chức khảo sát thực tế, làm việc với một số cơ quan, địa phương để có thêm thông tin và cơ sở thực tiễn phục vụ công tác chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật. Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 08 chương với 61 điều.

Về một số vấn đề lớn về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, về thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ, có ý kiến đề nghị quy định tài liệu lưu trữ ở cấp xã là nguồn nộp lưu vào lưu trữ lịch sử của Nhà nước ở cấp tỉnh. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị quy định tài liệu lưu trữ vĩnh viễn của cấp xã thuộc nguồn nộp vào lưu trữ lịch sử của Nhà nước ở cấp tỉnh (khoản 4 Điều 9 của dự thảo Luật).

Về tài liệu lưu trữ của các hội quần chúng đặc thù được Nhà nước giao nhiệm vụ, giao biên chế và hỗ trợ kinh phí hoạt động thuộc lưu trữ tư hay lưu trữ nhà nước. Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật và cơ quan chủ trì soạn thảo tán thành đề nghị quy định tài liệu hình thành trong quá trình hoạt động của hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ thuộc Phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam; đối với tài liệu hình thành trong quá trình hoạt động của các hội, tổ chức xã hội khác là tài liệu lưu trữ tư, thuộc Phông lưu trữ quốc gia Việt Nam.

Về thời hạn nộp tài liệu vào lưu trữ lịch sử (khoản 3 Điều 16 dự thảo Luật), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội chỉnh lý quy định về thời hạn nộp tài liệu vào lưu trữ lịch sử tối đa là 05 năm, nhưng tính từ năm tài liệu được nộp vào lưu trữ hiện hành và áp dụng thống nhất cho cả tài liệu giấy và tài liệu số như thể hiện tại khoản 3 Điều 16 của dự thảo Luật.

Về lưu trữ tài liệu điện tử, Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng để phù hợp với thực tế công tác lưu trữ (hiện vẫn chủ yếu là lưu trữ tài liệu giấy, chỉ một số ít tài liệu được lưu trữ điện tử), nhất là khả năng đáp ứng của nguồn lực để bảo đảm tính khả thi, dự thảo Luật được thiết kế theo hướng quy định việc lưu trữ tài liệu giấy song song với lưu trữ tài liệu số và việc chuyển đổi từ lưu trữ tài liệu giấy sang lưu trữ tài liệu số được thực hiện theo lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử và định hướng Chính phủ số, chính quyền số.

Về lưu trữ tư, một số ý kiến đề nghị rà soát, bổ sung quy định đầy đủ, cụ thể hơn về lưu trữ tư để khuyến khích sự tham gia của tổ chức, cá nhân, qua đó góp phần bảo quản, phát huy giá trị tài liệu lưu trữ tư tốt hơn; tôn trọng, bảo vệ quyền sở hữu đối với tài liệu lưu trữ tư; bảo đảm xử lý hài hòa mối quan hệ giữa Nhà nước và tổ chức, cá nhân trong quản lý tài liệu lưu trữ tư. Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị tiếp thu, bổ sung các quy định nhằm khuyến khích sự tham gia của tổ chức, cá nhân vào lưu trữ tài liệu.

Đồng thời bổ sung Điều 47 về ký gửi tài liệu lưu trữ tư vào lưu trữ lịch sử; bổ sung Điều 48 về tặng cho tài liệu lưu trữ tư; chỉnh lý quy định về chính sách hỗ trợ của Nhà nước, về ký gửi, tặng cho, mua bán và việc mang tài liệu lưu trữ tư có giá trị đặc biệt ra nước ngoài để quy định đầy đủ, bao quát hơn về tài liệu lưu trữ tư có giá trị đặc biệt như thể hiện tại Điều 49.

Về hoạt động dịch vụ lưu trữ, Thường trực Ủy ban Pháp luật và cơ quan chủ trì soạn thảo đề nghị cho giữ quy định hoạt động dịch vụ lưu trữ là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện như Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6; đồng thời, bổ sung vào dự thảo Luật một số quy định cụ thể về điều kiện đầu tư kinh doanh để bảo đảm minh bạch và giao Chính phủ quy định chi tiết một số điều kiện có tính kỹ thuật, chuyên ngành về lưu trữ như thể hiện tại Điều 50 và Điều 51 của dự thảo Luật.

Về quy định “Ngày lưu trữ Việt Nam” trong dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, ngày 05/02/2024, Hội Văn thư Lưu trữ Việt Nam có Văn bản số 03/TWHVTLTVN-KHĐT gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị xem xét đưa quy định về Ngày Lưu trữ Việt Nam (ngày 03 tháng 01 hằng năm) vào dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi). Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho phép đưa quy định về Ngày Lưu trữ Việt Nam vào dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi).

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: quochoi.vn

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, sau Kỳ họp thứ 6, Ủy ban Pháp luật đã phối hợp chặt chẽ cùng Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu Quốc hội, qua đó chỉnh lý lại kết cấu, bố cục và nhiều nội dung trong dự thảo Luật.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cần rà soát tính đồng bộ của hệ thống pháp luật và sự tương thích giữa Luật Lưu trữ (sửa đổi) với các công ước quốc tế. Chủ tịch Quốc hội đề nghị, từ nay đến khi trình Quốc hội xem xét, thông qua và cho tới trước khi ký chứng thực, các cơ quan hữu quan cần tiếp tục rà soát để đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, đặc biệt về các vấn đề như chuyển đổi số, lưu trữ số, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, đối chiếu với Luật Công nghệ thông tin, Luật An ninh mạng, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Bảo vệ bí mật nhà nước…

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra cần đối chiếu kỹ với các điều ước, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Hiện nay, Việt Nam đang là thành viên của Hội đồng lưu trữ quốc tế, Hiệp hội lưu trữ các nước có sử dụng tiếng Pháp, đồng thời cũng có ký kết các thỏa thuận song phương với một số nước trong lĩnh vực này, vì vậy, cần rà soát kỹ để đảm bảo thống nhất, không mâu thuẫn.

Về quản lý tài liệu lưu trữ và cơ sở dữ liệu, tài liệu, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, phân cấp phân quyền là chủ trương đúng đắn, nhưng cần đảm bảo tính tập trung thống nhất trong hoạt động lưu trữ. Vì vậy, các cơ quan hữu quan cần tiếp tục rà soát nội dung liên quan đến vấn đề trách nhiệm cung cấp thông tin, kết nối, chia sẻ dữ liệu liên quan đến các lưu trữ Đảng, lưu trữ lịch sử của các ngành quốc phòng, công an, ngoại giao từ trung ương đến địa phương. Cần có các quy định về việc các cơ quan này định kỳ báo cáo về cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực lưu trữ, kịp thời chia sẻ kết nối thông tin, dữ liệu về cho cơ quản lý nhà nước, để làm gia tăng giá trị tài liệu lưu trữ cũng như tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống lưu trữ quốc gia.

Về tài liệu lưu trữ hình thành trong quá trình hoạt động của hội, quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ, Chủ tịch Quốc hội đồng tình với quan điểm của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định và Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường. Theo đó, nên giữ như quy định hiện hành, do đã có quy định rõ ràng về vấn đề này, không nên thiết kế 2 phương án, mà Điều 8 nên thực hiện theo phương án 1.

Về nghiệp vụ lưu trữ tài liệu điện tử, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, việc lưu trữ điện tử có đặc thù riêng, tuy nhiên đó cũng là một phần trong hoạt động lưu trữ nói chung, do vậy trước hết cần có quy định rằng nghiệp vụ lưu trữ tài liệu điện tử phải được thực hiện theo quy định chung về nghiệp vụ lưu trữ, để đảm bảo các nguyên tắc chuyên môn cơ bản trong lĩnh vực này.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tiếp thu, giải trình về dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi). Ảnh: quochoi.vn

Phát biểu tiếp thu, giải trình về dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà bày tỏ nhất trí cao với Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) của Ủy ban Pháp luật; đồng thời khẳng định, Ủy ban Pháp luật và Bộ Nội vụ đã có sự phối hợp chặt chẽ, kiên trì ngay từ Kỳ họp thứ 6. Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến một cách đồng bộ, đã tổ chức nhiều cuộc khảo sát thực tế ở địa phương, khảo sát các cơ sở lưu trữ công, lưu trữ tư, từ đó, tiếp thu, chỉnh lý đảm bảo yêu cầu, đáp ứng được yêu cầu về nâng cao chất lượng của Luật Lưu trữ (sửa đổi).

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ, Ủy ban Pháp luật và Bộ Nội vụ đã nghiên cứu kỹ lưỡng, bài bản, khoa học theo hướng tiếp thu tối đa ý kiến, cầu thị, đồng thời đảm bảo yêu cầu sắp xếp, kết cấu lại dự thảo Luật và tiếp thu hợp lý từ ý kiến phát biểu của các đại biểu.

Cảm ơn các ý kiến phát biểu của các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đặc biệt là ý kiến gợi mở của Chủ tịch Quốc hội có nhiều vấn đề hay và sâu sắc, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết sẽ tiếp thu tối đa và phối hợp với Ủy ban Pháp luật hoàn thiện dự thảo Luật để trình Quốc hội trong thời gian tới, đồng thời nghiên cứu kỹ hơn để đảm bảo được mong muốn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và lãnh đạo Quốc hội.

Về thẩm quyền quản lý, Bộ trưởng Bộ Nội vụ tiếp thu nội dung này và cho rằng, đối với tài liệu lưu trữ cấp xã hiện nay, đồng tình với ý kiến của Tổng Thư ký Quốc hội đã nêu và sẽ nghiên cứu, xem xét thêm tài liệu lưu trữ của khối Đảng.

Về nguồn tài liệu lưu trữ của Quốc hội, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, sẽ tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội là căn cứ vào các tổ chức của Quốc hội để tính toán, thiết kế phần này đảm bảo đầy đủ, toàn diện và bao trùm.

Về tài liệu lưu trữ điện tử, Bộ Nội vụ sẽ lưu ý đến vấn đề kết nối và chia sẻ dữ liệu thông tin của các khối, nhất là khối Đảng, khối ngoại giao và các khối liên quan để đảm bảo việc kết nối và chia sẻ dữ liệu.

Về giải thích từ ngữ, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, sẽ rà soát, tiếp thu đầy đủ các ý kiến để đảm bảo phần giải thích từ ngữ được tường minh, chặt chẽ, khoa học, mang tính đại chúng và phù hợp với quy định về ngôn ngữ lập pháp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu kết luận. Ảnh: quochoi.vn

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, sau khi thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ trong việc tiếp thu, giải trình các ý kiến đã được Quốc hội cho ý kiến. Tài liệu trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội được chuẩn bị chu đáo, đầy đủ theo yêu cầu, về cơ bản Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với tài liệu trình tại phiên họp này.

Sau phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Thường trực Ủy ban Pháp luật tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Nội vụ và các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan có liên quan của Chính phủ tiếp thu các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các ý kiến phát biểu tại phiên họp để tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hơn nữa chất lượng dự thảo Luật./.

 

Theo: https://tcnn.vn/

平均 (0 投票)

 

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

アクセス中: 17,510
1日当たりのページのアクセス回数: 13,826
1週間当たりののページのアクセス回数: 88,618
1か月当たりのページのアクセス回数: 238,785
1年間当たりのページのアクセス回数: 2,149,256
ページのアクセス回数 : 81,364,103