Huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử

|
Views:
Font size: A- A A+

Nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, huyện Yên Thành đã đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử gắn với cải cách thủ tục hành chính.

Ngay sau khi Nghị quyết số 09/NQ-TU ngày 05/8/2022 của Tỉnh ủy Nghệ An về chuyển đổi số tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được triển khai, huyện Yên Thành đã thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số, khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số đến năm 2025. Theo đó, UBND huyện đã ban hành các kế hoạch, đề ra 12 nhóm chỉ tiêu và 5 nhiệm vụ chính trên 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số và xã hội số với 26 nhiệm vụ cụ thể của từng ngành, lĩnh vực.

Sau 01 năm triển khai thực hiện, đối với nhóm chỉ tiêu chính quyền số: đạt 5/8 tiêu chí; nhóm chỉ tiêu kinh tế số: đạt 2/3 tiêu chí; nhóm chỉ tiêu xã hội số đạt 1/3 tiêu chí. Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin thiết yếu phục vụ chuyển đổi số được chú trọng đầu tư dần theo hướng hiện đại và đồng bộ, kinh tế số, xã hội số có nhiều chuyển biến tích cực.

UBND huyện Yên Thành tổ chức hội nghị trực tuyến với 39 xã, thị trấn để triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số năm 2024.

Chính quyền số được quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng dần theo hướng hiện đại và đồng bộ, các chỉ tiêu yêu cầu về sử dụng các hệ thống dùng chung của tỉnh đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả huyện và 39 xã, thị trấn đã tổ chức thực hiện quy trình “5 tại chỗ” bao gồm: tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, đóng dấu và trả kết quả trong giải quyết thủ tục hành chính. Kết quả giải quyết hồ sơ, xử lý hồ sơ thủ tục hành chính trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính Cổng dịch vụ công quốc gia đạt 61,6% đứng đầu toàn tỉnh. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành được duy trì và đạt kết quả cao: Cổng thông tin điện tử huyện hoạt động có hiệu quả, thường xuyên cập nhật tin bài phục vụ tốt công tác truyền thông, đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin và khai thác thông tin trên môi trường số; Hệ thống quản lý văn bản và điều hành IOFFICE được triển khai ứng dụng trong các cơ quan, đơn vị, bao gồm các cơ sở y tế và các trường học giúp công tác chỉ đạo điều hành của huyện được thực hiện một cách nhanh chóng, kịp thời; Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến với 41 điểm cầu, kết nối Huyện ủy, UBND huyện với 39 xã, thị trấn, phục vụ tốt các cuộc họp, hội nghị được kết nối liên thông với hệ thống trực tuyến của Trung ương và của tỉnh. Việc số hóa dữ liệu phục vụ cho các hệ thống dùng chung của tỉnh được cập nhật đầy đủ, chính xác và an toàn.

Nhân viên Trung tâm giao dịch một cửa của huyện hướng dẫn người dân lấy số thứ tự trong thực hiện thủ tục hành chính.

Các hoạt động phát triển kinh tế số và xã hội số bước đầu đã có kết quả đáng ghi nhận, thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng phát triển. Hệ thống chi nhánh ngân hàng và những doanh nghiệp tín dụng hợp pháp thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ người dân sử dụng ví điện tử, thống kê cuối năm 2023 trên địa bàn huyện có tổng 133.722 tài khoản (trên 159.305 dân số trên 15 tuổi), đạt tỉ lệ: 83,94%. Tổng số tài khoản thực hiện thanh toán điện tử 75.456 tài khoản, đạt 47,37%. Các cửa hàng, doanh nghiệp thực hiện quét mã QR thanh toán bằng ví điện tử; mô hình chợ 4.0 được triển khai trên địa bàn toàn huyện; nhiều hợp tác xã đã tổ chức các buổi livestream bán hàng trực tuyến và tiếp cận sàn thương mại điện tử đưa các sản phẩm nông nghiệp, nhất là các sản phẩm Ocop được người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến.

Công tác bảo đảm an toàn an ninh thông tin trên môi trường số được đặc biệt quan tâm; công tác bảo vệ bí mật nhà nước đã được đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện nghiêm túc; các cơ quan, đơn vị đã ban hành quy định, quy chế bảo đảm an toàn, an ninh thông tin đối với các hệ thống thông tin tại cơ quan, đơn vị. Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về an toàn thông tin cá nhân trên môi trường số được thực hiện thường xuyên, liên tục.

Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số năm 2024 (tại 41 điểm cầu, kết nối Huyện ủy, UBND huyện với 39 xã, thị trấn, kết nối liên thông với hệ thống trực tuyến của Trung ương và của tỉnh).

Những kết quả bước đầu đã đạt được cho thấy sự chuyển biến tích cực trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số trên địa bàn huyện. Trong đó, nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, doanh nghiệp và nhân dân huyện Yên Thành có nhiều chuyển biến rõ nét.

Để duy trì những kết quả đã đạt được, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số hướng đến toàn diện và bền vững, huyện Yên Thành tiếp tục triển khai đồng bộ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp như: tiếp tục rà soát, kiện toàn lại Tổ công nghệ số cộng đồng ưu tiên cán bộ đoàn, người có hiểu biết về công nghệ thông tin như giáo viên, nhân viên y tế, nhân viên, cộng tác viên của các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin;… Phát huy vai trò, nhiệm vụ của Tổ công nghệ số đến từng ngõ, từng nhà để hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng các dịch vụ tiện ích của ứng dụng tài khoản định danh điện tử, dịch vụ công trực tuyến, khuyến khích người dân ứng dụng chuyển đổi số trong mọi mặt của cuộc sống và đảm bảo an toàn thông tin cơ bản trên môi trường số. Tiếp tục đầu tư, nâng cấp hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật đảm bảo ứng dụng công nghệ thông tin trong nội bộ các cơ quan nhà nước: trang thiết bị công nghệ thông tin; hạ tầng mạng LAN; mạng internet tốc độ cao… Triển khai số hóa, đáp ứng yêu cầu xây dựng cơ sở dữ liệu, hệ thống dùng chung, hệ thống chuyên ngành trọng điểm. Đồng thời khai thác và vận hành tốt các hệ thống thông tin dùng chung phục vụ quản lý điều hành và đảm bảo an toàn thông tin trên môi trường số./.

 

Theo: https://tcnn.vn/

Average (0 Votes)

 

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

User Online: 6,489
Total visited in day: 5,379
Total visited in Week: 65,662
Total visited in month: 215,829
Total visited in year: 2,126,300
Total visited: 81,341,147