Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ đối với cán bộ, công chức Văn phòng.

|
ページビュー:
font-size: A- A A+

Kỷ niệm 74 năm Ngày truyền thống Văn phòng cơ quan hành chính Nhà nước (28/8/1945- 28/8/2019), Cổng thông tin điện tử Sở Nội vụ tỉnh Bắc Giang sư tầm, biên tập và giới thiệu sau đây bài viết "Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ đối với cán bộ, công chức Văn phòng"

Cả cuộc đời dành trọn cho quê hương, đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất đã để lại cho các thế hệ con cháu Việt Nam những tư tưởng cao quý, có giá trị sâu sắc, không chỉ góp phần to lớn và quyết định vào thắng lợi của dân tộc trong những năm qua mà còn có ý nghĩa chỉ đạo lâu dài cho sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, nhân dân ta. Đạo đức Hồ Chí Minh là một trong những di sản tinh thần vô giá mà Người đã để lại cho muôn đời con cháu mai sau. Đó là các giá trị được toát lên từ chính sự nghiệp, cuộc đời và nhân cách vĩ đại của Người, là tấm gương sáng cho toàn Đảng, toàn dân noi theo và sửa mình... Một trong những giá trị đó là các lời dạy của Bác về đạo đức lối sống, đạo đức nghề nghiệp.

Ở Hồ Chí Minh có một sự nhất quán, xuyên suốt trong sự lý giải đạo đức là ở chỗ Người luôn lấy lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân lao động và của Đảng làm tiêu chuẩn, làm thước đo. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt lợi ích tập thể, cộng đồng lên trên lợi ích cá nhân, lợi ích cá nhân phải phục tùng lợi ích của tập thể và khi cần thì có thể hi sinh lợi ích cá nhân một cách vui vẻ, tự nguyện cho tập thể. Người yêu cầu: “ Phải thực hành khẩu hiệu: Chí công vô tư, cần kiệm, liêm chính”. Vì nếu “ không giữ đúng cần, kiệm liêm chính thì dễ trở lên hư hại, biến thành sâu mọt của dân”. Rõ ràng, yếu tố đạo đức được Hồ Chí Minh ngay từ buổi đầu cách mạng đánh giá là “cái nền”, “cái gốc” của người cán bộ cách mạng là hoàn toàn chuẩn xác. Những nội dung về đạo đức của người cán bộ, đảng viên được Hồ Chí Minh bàn tới trong nhiều tác phẩm cả về mặt ưu điểm và khuyết điểm, cả về cách nhìn nhận thái độ - nhất là với những khuyết điểm sai lầm vẫn còn nguyên giá trị trong sự nghiệp đổi mới hiện nay của Đảng và dân tộc ta.

Từ lời dạy của Bác đến rèn luyện đạo đức công vụ      

Xã hội có nhiều nghề. Là người dân của một nước dân chủ thì phải có đạo đức công dân. Là người làm cách mạng thì phải có đạo đức cách mạng. Làm nghề y phải có y đức, làm giáo viên phải có đạo đức sư phạm... Chủ tịch Hồ Chí Minh không tách đạo đức ra khỏi chuyên môn (đức phải đi liền với tài), không tách đạo đức ra khỏi một con người cụ thể, trong một nghề nghiệp cụ thể. Người đòi hỏi phải “hồng thắm, chuyên sâu”, có đức phải có tài, có tài phải có đức. Đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức nói chung, cán bộ làm công tác văn phòng nói riêng không phải tự nhiên mà có, mà phải do rèn luyện mới nên. Người cán bộ có ý thức tôn trọng đạo đức nghề nghiệp là người luôn rèn luyện và thể hiện bằng việc làm theo các chuẩn mực về đạo đức xã hội, đạo đức cách mạng; thể hiện ở bản lĩnh và nghị lực của từng cán bộ, nhân viên.     

Cũng như cán bộ, công chức các cơ quan Nhà nước khác, người cán bộ làm công tác văn phòng muốn có đạo đức nghề nghiệp trong sáng phải luôn phấn đấu tự hoàn thiện mình về mọi mặt; phải tu dưỡng rèn luyện bền bỉ công phu về lý tưởng xã hội chủ nghĩa, về lập trường cách mạng của giai cấp vô sản, về bản lĩnh và trách nhiệm chính trị, về nghĩa vụ công dân, về lối sống trong sạch, lành mạnh, cần cù, giản dị, chịu khó, về lòng nhân ái bao dung, tình yêu thương con người và đồng loại, về sự quan tâm, sẻ chia đối với người khác. Thấm nhuần lời dạy của Bác, các cán bộ, công chức làm công tác văn phòng phải không ngừng phấn đấu, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động công vụ, luôn quán triệt, phải bám sát nguyên tắc: “Kịp thời, chính xác và hiệu quả” trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, cụ thể:         

Thứ nhất, rèn luyện phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp để luôn nhạy bén, sáng tạo trong tham mưu cho lãnh đạo         

Văn phòng là đơn vị có chức năng tham mưu giúp lãnh đạo tổ chức và điều hành công việc, đồng thời là trung tâm thông tin phục vụ lãnh đạo. Văn phòng chủ yếu tham mưu về mặt tổ chức, điều hành công việc lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo, nói cách khác, là tổ chức sự làm việc giúp lãnh đạo. Như vậy, Văn phòng có vai trò và ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong hệ thống cơ quan, bởi Văn phòng là cơ quan cơ quan tổng hợp, có những đóng góp đắc lực trong công tác tham mưu, giúp việc cho lãnh đạo trong chỉ đạo, điều hành. Nếu Văn phòng chỉ thiên về công tác hậu cần sẽ  là “văn phòng yếu”.

Chức năng tham mưu của Văn phòng được thể hiện trong mỗi nhiệm vụ cụ thể như xây dựng quy chế làm việc và tổ chức làm việc theo quy chế; giúp lãnh đạo xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình công tác; thông tin tổng hợp phục vụ lãnh đạo; thẩm định về phạm vi, yêu cầu, quy trình, tiến độ, thể thức của các đề án, văn bản; kiến nghị xử lý các vấn đề thuộc chức năng lãnh đạo của cơ quan, tổ chức; biên tập, kiểm tra và chịu trách nhiệm về thủ tục, thể thức của văn bản... Bên cạnh đó, Văn phòng còn là bộ phận phục vụ trực tiếp các hoạt động hàng ngày như tổ chức các cuộc làm việc của lãnh đạo, các hội nghị, các chuyến đi công tác, hoạt động chuyên môn của các đơn vị, bộ phận; chuẩn bị các điều kiện, phương tiện bảo đảm công tác của cơ quan, tổ chức nói chung.

Chức năng tham mưu, tổng hợp và phục vụ đan xen nhau, có quan hệ mật thiết với nhau: tham mưu là để phục vụ, trong phục vụ có tham mưu. Văn phòng không chỉ là cái “hộp thư” hay “một cái máy giúp việc” đơn thuần, mà theo như lời Bác: “Công tác văn phòng có tầm quan trọng đặc biệt, giúp cán bộ lãnh đạo nắm được tình hình. Cán bộ văn phòng nắm tình hình sai thì lãnh đạo sẽ giải quyết không đúng… Cho nên, phải luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, năng lực công tác và giữ bí mật”. Việc “nắm được tình hình” theo lời dạy của Bác chính là tính nhạy bén, sáng tạo, chuyên nghiệp trong khả năng dự báo, khả năng “bài binh bố trận”… của cán bộ văn phòng để nêu được những đề xuất đúng đắn trong hoạt động tham mưu, giúp việc cho các cấp lãnh đạo. Như vậy, đội ngũ cán bộ văn phòng phải rèn luyện phẩm chất đạo đức trong sáng và phải trung thực; phải là những người có trình độ chuyên môn, làm việc có tính chuyên nghiệp cao, có đủ năng lực tham mưu và phải có khả năng chỉ đạo, điều phối công việc.

Thứ hai, phải chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, cương lĩnh, kỷ luật của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; chấp hành nghiêm túc các quy chế, quy định và nội quy, kỷ luật của cơ quan.

Sống, làm việc theo Hiến pháp, pháp luật là đạo lý của công dân trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; cùng với việc chấp hành nghiêm chỉnh chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, cán bộ Văn phòng phải chấp hành nghiêm túc các quy chế, các quy định và nội quy, kỷ luật của cơ quan. Các cán bộ Văn phòng luôn ý thức gương mẫu trong việc thực hiện những quy định về những việc phải làm, những việc không được làm của cán bộ công chức trong thực thi nhiệm vụ, công vụ khi làm việc tại cơ quan, đơn vị mình; trong các mối quan hệ với cấp trên, với cấp dưới và với đồng nghiệp trong nội bộ cơ quan, đơn vị; trong khi tham gia các hoạt động xã hội và cộng đồng dân cư, nhằm bảo đảm xây dựng nếp sống văn minh, tôn trọng quy định của pháp luật, chuẩn mực đạo đức và thuần phong mỹ tục đã được cộng đồng dân cư thống nhất thực hiện.

Thứ ba, cán bộ Văn phòng phải ra sức học tập, rèn luyện; không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng lực công tác.

Người cán bộ phải luôn có chí tiến thủ, tinh thần cầu tiến bộ. Người đã dạy rằng “Xã hội ngày càng tiến, công tác của ta cũng ngày càng tiến... Vì vậy, năng lực của ta, sáng kiến của ta, tiến bộ của ta cũng phải luôn phát triển, tiến lên không ngừng. Không tiến, tức là thoái”, “Mỗi một đồng chí ta phải có thái độ khiêm tốn, càng cựu, càng giỏi, càng phải khiêm tốn, phải có lòng cầu tiến bộ, phải nhớ lấy câu nói của ông thầy chúng ta. Tự mãn, tự túc là co mình lại, không cho mình tiến bộ thêm”.

Trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế và trước các yêu cầu của cải cách hành chính, Văn phòng phải có ý thức đi trước một bước so với các đơn vị khác trong nhiệm vụ đổi mới. Văn phòng càng sớm hiện đại hoá, càng phục vụ tốt sự lãnh đạo của cơ quan, tổ chức. Hiện đại hoá văn phòng cũng không phải là việc tốn kém lắm, điều kiện để trang bị cơ sở vật chất cũng không đến nỗi khó lắm, song năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức của Văn phòng bảo đảm thích ứng với trang thiết bị hiện đại đó, với phong cách làm việc mới, hiện đại lại là vấn đề  rất cần thiết. Trong thời đại khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin- truyền thông phát triển như vũ bão hiện nay, người làm công tác văn phòng cần có sự am hiểu về khoa học kỹ thuật để có khả năng ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin-truyền thông trong  hoạt động nghiệp vụ của mình. Đặc biệt, đối với cán bộ nghiên cứu, tổng hợp cần phải luôn luôn tự rèn luyện nâng cao trình độ biên tập, văn phong trong sáng, ngắn gọn nhưng rõ ràng, nhất là về nội dung, tư tưởng.

Muốn có kết quả học tập tốt, các cán bộ phải có thái độ học tập nghiêm túc, tự nguyện, tự giác học tập, xem việc học tập nâng cao trình độ là một nhiệm vụ mà người cán bộ phải hoàn thành, nêu cao tinh thần chịu khó, vừa học, vừa làm và phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo trong học tập.

Thứ tư, cán bộ văn phòng phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, thận trọng, khiêm tốn trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: “Bất kỳ ai, ở địa vị nào, làm công tác gì, gặp hoàn cảnh nào, đều phải có tinh thần trách nhiệm”. Người giải thích: “Tinh thần trách nhiệm là gì? Là khi Đảng, Chính phủ hoặc cấp trên giao cho ta việc gì, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ, ta cũng phải đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi đến chốn, vượt mọi khó khăn, làm cho thành công. Làm một cách cẩu thả, làm cho có chuyện, dễ làm khó bỏ, đánh trống bỏ dùi, gặp sao làm vậy… là không có tinh thần trách nhiệm”.

Quán triệt lời dạy của Bác, các cán bộ, công chức khi được giao nhiệm vụ không nên suy bì xem công việc của mình có quan trọng hay không, đặc biệt với các cán bộ làm công tác văn phòng, có người phụ trách những việc rất quan trọng như tham mưu giúp việc lãnh đạo, nhưng cũng có những người phụ trách những công việc đơn giản hơn như lái xe, phục vụ, văn thư lưu trữ. Chúng ta phải xác định công việc nào cũng cần thiết đối với cách mạng. Vì vậy khi đã làm việc gì dù gặp khó khăn, trở ngại cũng phải quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Công chức văn phòng phải thực hiện đầy đủ các quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm của cán bộ, công chức đã được quy định trong các văn bản pháp luật; thực hiện đúng và đầy đủ quy định của pháp luật về trách nhiệm, nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức. Người cán bộ văn phòng phải luôn khiêm tốn trong công việc và trong cuộc sống đời thường; trong quá trình tham mưu, đề xuất xây dựng các cơ chế, chính sách phải xuất phát từ lợi ích của nhân dân, xứng đáng là công bộc tận tụy của nhân dân.

Cuối cùng, cán bộ văn phòng luôn rèn luyện để thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; không tham nhũng, tiêu cực, không lãng phí; không lợi dụng nghề nghiệp để trục lợi cá nhân và gây thiệt hại đến lợi ích xã hội, lợi ích của tập thể và của người khác.

Bốn đức tính: Cần, kiệm, liêm, chính là những phẩm giá cơ bản tốt đẹp nhất để hình thành nhân cách của người cán bộ cách mạng. Khi sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giải thích cụ thể với nhiều nội dung phong phú và sinh động về bốn đức tính: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Từ lời dạy của Bác, liên hệ với đạo đức nghề nghiệp của người cán bộ văn phòng thì cần, kiệm, liêm, chính phải được thực hiện như sau:

Cần, có nghĩa là cán bộ văn phòng khi lao động thì cần cù, siêng năng, làm việc có kế hoạch chuyên sâu, sáng tạo, thi đua làm việc với năng suất, chất lượng, hiệu quả, không ỷ lại, lười biếng, dựa dẫm.

Kiệm, có nghĩa là cán bộ văn phòng phải tôn trọng và tiết kiệm sức lao động, thời gian, tiền bạc của Nhà nước, của nhân dân và của bản thân. Trong công việc và trong cuộc sống đời thường hàng ngày, từ việc to đến việc nhỏ, cán bộ văn phòng không để xảy ra lãng phí, hoang phí; không phô trương, hình thức, triệt để tiết kiệm để thực hiện lời dạy của Bác là: Cần và kiệm phải đi đôi với nhau, như hai chân của con người.

Liêm, có nghĩa là cán bộ văn phòng luôn trong sạch, liêm khiết; không tham lam, không tham ô; tôn trọng, giữ gìn của công, của dân, không chiếm dụng của công làm của tư, không sách nhiễu nhân dân. Không tham địa vị, không tham tiền tài, không tham người tâng bốc mình, luôn quang minh chính đại.

Chính, nghĩa là không tà, thẳng thắn, đứng đắn. Cần, kiệm, liêm là rễ của chính. Người cán bộ văn phòng phải chính trực, nghĩa là trong thực hiện nhiệm vụ công vụ luôn có chí khí đấu tranh bảo vệ công lý, bảo vệ pháp luật, phải luôn ngay thẳng trong mọi công việc; không vì bất cứ lý do gì mà làm trái pháp luật, làm sai đạo lý.

Chí công vô tư, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, là một câu châm ngôn của người xưa, có tính định hướng động viên mọi người phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện để vươn tới cái tốt đẹp.

Tóm lại, đạo đức công vụ không phải tự thân nó có. Mỗi cán bộ, công chức phải tích cực tu dưỡng, rèn luyện theo các chuẩn mực đạo đức công vụ để trở thành những cán bộ “vừa hồng vừa chuyên” theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 

Văn phòng Sở Nội vụ - Sưu tầm và biên tập

平均 (0 投票)

 

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

アクセス中: 3,692
1日当たりのページのアクセス回数: 1,215
1週間当たりののページのアクセス回数: 1,214
1か月当たりのページのアクセス回数: 242,340
1年間当たりのページのアクセス回数: 2,152,811
ページのアクセス回数 : 81,367,658