Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước pháp quyền và sự vận dụng của Đảng ta trong giai đoạn hiện nay

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+

Từ những ngày đầu trong hành trình tìm đường cứu nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã quan tâm tìm kiếm mô hình nhà nước vừa đảm bảo kế thừa truyền thống văn hóa pháp lý Việt Nam, vừa tiếp thu và kế thừa các giá trị văn minh pháp lý nhân loại, trong đó có tư tưởng về nhà nước pháp quyền. Khi giữ cương vị người đứng đầu Đảng và Nhà nước, tư tưởng này của Người đã từng bước được hiện thực hóa. Ngày nay, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đã và đang quyết tâm kế thừa, phát triển tư tưởng của Người để xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong sạch, vững mạnh: “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị”(1).

Ngày 01/01/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh công bố Hiến pháp mới của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ảnh tư liệu

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh với việc lựa chọn mô hình nhà nước phù hợp đối với Việt Nam

Khi rời bến cảng Nhà Rồng (năm 1911), người thanh niên trẻ Nguyễn Tất Thành không chỉ mang theo tình yêu quê hương, đất nước, nỗi xót xa với đồng bào đang bị đọa đày, đau khổ mà còn bởi sự hấp dẫn của những lý tưởng mới mẻ “tự do, bình đẳng, bác ái” trong tư tưởng và văn hóa Pháp. Năm 1917, Nguyễn Tất Thành từ Vương quốc Anh sang Pháp, đây là cơ hội đối với Người trong việc thực hiện mục tiêu cứu nước, cứu dân. Ngay trên quê hương của lý tưởng tự do, bình đẳng, bác ái (bấy giờ cũng là trung tâm văn hóa, chính trị và nghệ thuật của cả châu Âu), Người đã tiếp cận, nghiên cứu những tác phẩm của các nhà khai sáng như F.Voltaire, Ch.S.Montesquieu, J.J.Rousseau… qua đó giúp Người hiểu ra nhiều điều, trong đó có vấn đề xây dựng nhà nước - nhà nước vì dân, nhà nước quản lý đất nước bằng pháp luật.

Khi tìm kiếm mô hình nhà nước sau khi cách mạng Việt Nam thành công, điều mà Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh luôn quan tâm không chỉ là tính mới mẻ, tiến bộ, mà còn phải phù hợp và hiệu quả. Không phải mô hình nhà nước tiến bộ nào áp dụng vào Việt Nam cũng phát huy tác dụng, dù đó là mô hình tiên tiến nhất, đang phổ biến nhất nếu nó không phù hợp. Năm 1930, trong “Chánh cương vắn tắt của Đảng”, Người nêu lên mục tiêu: “Làm cho nước Nam hoàn toàn độc lập. Dựng ra Chính phủ công nông binh”(2). Năm 1941, sau khi trở về Việt Nam, Người chủ trương xây dựng nhà nước toàn dân, tiêu biểu cho khối đại đoàn kết dân tộc. Trong Hội nghị Trung ương lần thứ tám (tháng 5/1941), Người giải thích lý do vì sao không chủ trương xây dựng nhà nước công - nông - binh nữa: “Không nên nói công nông liên hợp và lập chính quyền Xô viết, mà phải nói toàn thể nhân dân liên hiệp và lập chính phủ dân chủ cộng hòa”(3). Đồng thời, Người cũng nhanh chóng chuẩn bị những điều kiện cho sự ra đời của Nhà nước tiêu biểu cho khối đại đoàn kết dân tộc.

Khi thời cơ giải phóng dân tộc đang đến gần, trong “Thư gửi đồng bào toàn quốc” (tháng 10/1944), Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh nêu rõ: trước hết cần có một chính thể quốc dân, gồm tất cả các đảng phái cách mệnh, các đoàn thể ái quốc trong nước cử ra. Hội nghị toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào đã quyết định phát động Tổng khởi nghĩa, thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam, ra mắt Quốc dân Đại hội, thực hiện chức năng của Chính phủ lâm thời ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thắng lợi. Từ mô hình nhà nước công - nông - binh chuyển sang mô hình nhà nước tiêu biểu cho khối đại đoàn kết của toàn thể quốc dân là một bước chuyển sáng suốt của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, thể hiện sự khảo nghiệm kỹ lưỡng và vận dụng sáng tạo vào thực tiễn Việt Nam. Sự lựa chọn sáng suốt này vừa phản ánh nét đặc thù của thực tiễn dân tộc, phù hợp với sự chuyển hướng chiến lược và sách lược của cách mạng Việt Nam; vừa thể hiện tư duy chính trị, pháp lý mẫn tiệp của Người.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam

Thứ nhất, phải có nhà nước hợp pháp, hợp hiến.

Một nhà nước hợp pháp, hợp hiến là vấn đề mà Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm hàng đầu. Trong bản Tuyên ngôn độc lập - khai sinh ra Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, bằng những lý lẽ chắc chắn, thuyết phục, Người đã trịnh trọng tuyên bố trước quốc dân đồng bào và thế giới về địa vị hợp pháp của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngay trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ (ngày 03/9/1945), nhiệm vụ thứ ba trong sáu nhiệm vụ cấp bách được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra: “Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống...”(4). Ngày 17/9/1945, Người ký Sắc lệnh ấn định thể lệ Tổng tuyển cử. Ngày 20/9/1945, Người ký Sắc lệnh số 34-SL thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để chuẩn bị đệ trình dự thảo Hiến pháp ra Quốc hội. Sự khẩn trương của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chuẩn bị tích cực cho sự ra đời của một nhà nước hợp pháp, hợp hiến.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, một nhà nước hợp pháp, hợp hiến phải được Nhân dân thừa nhận thông qua Tổng tuyển cử, đồng thời phải có Hiến pháp và hệ thống pháp luật riêng, được quy định trong Hiến pháp và pháp luật. Vì vậy, sau khi chúng ta giành được chính quyền, mặc dù Chính phủ lâm thời được Nhân dân ủng hộ và tin tưởng; trước sự chống phá quyết liệt của “thù trong, giặc ngoài”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương và kêu gọi Nhân dân đi bầu cử để thành lập Nhà nước hợp hiến, hợp pháp. Điều này thể hiện tầm nhìn xa, trông rộng của một vĩ nhân, nhất là việc xử lý khéo léo, hiệu quả những vấn đề phức tạp, căng thẳng,  những âm mưu phá hoại và can thiệp của cả bên trong và bên ngoài ở thời điểm lịch sử đó.

Cuộc Tổng tuyển cử ngày 06/01/1946 đã bầu ra một Chính phủ hợp hiến và cũng là cuộc phổ thông đầu phiếu nhanh nhất, sớm nhất (chỉ 4 tháng sau ngày giành được nền độc lập), đưa lực lượng chính trị của Nhân dân lên cầm quyền. Trên thế giới, chưa có quốc gia nào làm được điều này ngay sau khi giành chính quyền. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rút kinh nghiệm từ thực tiễn các cuộc cách mạng trên thế giới, cùng với sự nhạy cảm và tư duy sắc bén đã hình thành nên một Nhà nước hợp hiến, hợp pháp đầu tiên ở Việt Nam do Nhân dân bầu ra, có đủ tư cách và hiệu lực trong việc giải quyết các vấn đề của đất nước. Chính vì sớm có một Nhà nước hợp hiến, hợp pháp mà chúng ta đã ngăn chặn được những âm mưu nhằm can thiệp, lật đổ chính quyền còn non trẻ mà Nhân dân ta mới giành lại được.

Thứ hai, Nhà nước có hệ thống pháp luật đồng bộ và hiệu quả.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, Nhà nước phải quản lý đất nước bằng pháp luật và làm cho pháp luật có hiệu lực trong thực tế. Ngay sau khi nước nhà giành được độc lập, cùng với việc nỗ lực xác lập tính hợp hiến, hợp pháp của Nhà nước, Người đã dành nhiều tâm sức để xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Trong 24 năm ở cương vị là người đứng đầu Nhà nước, Người đã hai lần đứng đầu Ủy ban soạn thảo Hiến pháp năm 1946 và Hiến pháp năm 1959, đã ký công bố 16 đạo luật, 613 sắc lệnh và nhiều văn bản dưới luật khác(5) nhằm tạo lập cơ sở pháp lý để bảo vệ độc lập, tự do, cho cuộc sống độc lập, tự do của Nhân dân Việt Nam.

Ngay sau khi nước ta giành được độc lập, khi chưa có Hiến pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký ban hành Sắc lệnh số 47/SL ngày 10/10/1945 để giữ lại mọi luật lệ của chế độ cũ, chỉ trừ những điều luật trái với nền độc lập, tự do. Người giải thích: “Một xã hội không thể sống một ngày mà không có pháp luật”. Người cũng ký một loạt các sắc lệnh, như Sắc lệnh bãi bỏ thuế thân; tịch thu tài sản của thực dân và Việt gian, tổ chức Tòa án “độc lập với hành chính”, “các vị thẩm phán chỉ xử trong vòng pháp luật và công lý. Các cơ quan khác không được can thiệp vào việc tư pháp”(6). Để tăng cường hiệu quả của pháp luật và để pháp luật đi vào cuộc sống, Người cho rằng, cần phát huy quyền dân chủ của Nhân dân để Nhân dân tham gia phê bình, giám sát công việc của Nhà nước.

Thứ ba, Nhà nước phải có đội ngũ cán bộ tinh thông và vì dân, vì nước.

Khi xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh đến đội ngũ cán bộ nhà nước phải thực sự là “công bộc”, “đày tớ” của Nhân dân. Người cho rằng cần phải nhanh chóng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức am hiểu về pháp luật, thành thạo nghiệp vụ hành chính, có trình độ văn hóa, có đức, có tài: “Có cán bộ tốt, việc gì cũng xong. Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”(7). Để vận động Nhân dân sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, Người cho rằng trước hết cán bộ, công chức phải nêu gương tuân thủ Hiến pháp, pháp luật.

Về công tác đào tạo cán bộ, Người chủ trương mở Trường huấn luyện cán bộ Việt Nam, thành lập Ban Pháp lý học tại Trường Đại học Việt Nam theo Sắc lệnh số 197 ngày 11/10/1946... Để đảm bảo công bằng và dân chủ trong tuyển dụng cán bộ, Sắc lệnh số 76 ngày 20/5/1950 ban hành “Quy chế công chức”, quy định: “... công chức phải đem tất cả sức lực và tâm trí, theo đúng đường lối của Chính phủ và nhằm lợi ích của nhân dân mà làm việc. Đi đôi với nhiệm vụ trên, công chức Việt Nam cần có một địa vị xứng đáng với tài năng của mình...”. Trong việc sử dụng cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ phát động “tìm người tài đức”, mà còn mạnh dạn sử dụng những viên chức, quan lại dưới chế độ cũ có tài, có đức. Trong việc sử dụng cán bộ, Người luôn nhắc nhở phải tẩy sạch óc bè phái, hẹp hòi; đặc biệt chú ý đến phẩm chất đạo đức và tinh thần phục vụ Nhân dân, phụng sự Tổ quốc, bởi vì đức là nền tảng của người cán bộ.

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân

Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 Hội nghị Trung ương lần thứ sáu, khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới nêu rõ: “Kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới và bảo đảm sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng”. Quan điểm trên của Đảng thể hiện việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là mục tiêu mang tính chiến lược, mà tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước pháp quyền, có hiệu lực pháp lý mạnh mẽ vẫn còn nguyên giá trị trong công cuộc xây dựng Nhà nước ta hiện nay.

Nghị quyết số 27-NQ/TW nhấn mạnh mục tiêu trọng tâm là: “Hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, nhất quán; bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực pháp luật. Hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền, làm rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức, cá nhân trong bộ máy nhà nước đi đôi với nâng cao năng lực thực thi; xây dựng tổ chức bộ máy nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đẩy mạnh cải cách tư pháp, bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử, thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”.

Bản chất quyền lực của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quyền lực của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Vì vậy, quyền lực này phải được bảo đảm bằng hệ thống pháp luật khoa học và hoàn chỉnh; pháp luật là phương tiện thực hành dân chủ, là công cụ bảo vệ nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, Nghị quyết số 27-NQ/TW đã nêu ra các giải pháp rất cụ thể để triển khai thực hiện, phù hợp với giai đoạn cách mạng hiện nay. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế mạnh mẽ; trước yêu cầu của công cuộc đổi mới, việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ năng lực giải quyết những công việc của đất nước, đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của Nhân dân là nhiệm vụ rất quan trọng của Đảng, Nhà nước ta và Nhân dân ta./.

------------

Ghi chú:

 

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb CTQG-ST, H.2021, tr.174.

(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 3, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.1.

(3) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 7, Nxb CTQG-ST, H.2000, tr.127.

(4) Sđd, tập 4, tr.7.

(5) Theo tài liệu của Viện Nghiên cứu khoa học pháp lý - Bộ Tư pháp, xuất bản tháng 3/1993.

(6) Trần Đình Huỳnh, Hồ Chí Minh - Kiến trúc sư lỗi lạc của nền hành chính Nhà nước Việt Nam, Nxb Lao động - xã hội, H.2005, tr.36

(7) Sđd, tập 5, tr.280.

 

TS Trịnh Thị Phương Oanh - Khoa Lý luận chính trị, Trường Đại học Luật Hà Nội

 

Theo: https://tcnn.vn/

Trung bình (0 Bình chọn)

 

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

Đang truy cập: 9,919
Tổng số trong ngày: 702
Tổng số trong tuần: 12,996
Tổng số trong tháng: 385,980
Tổng số trong năm: 1,887,463
Tổng số truy cập: 81,102,311