Bối cảnh quốc tế và trong nước tác động đến chủ trương phát triển đất nước nhanh và bền vững ở Việt Nam hiện nay

|
Views:
Font size: A- A A+

Văn kiện Đại hội ĐBTQ lần thứ XIII của Đảng đã chỉ rõ: “Chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”(1). Đây là niềm tự hào, là động lực, nguồn lực quan trọng, là niềm tin để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới toàn diện, đồng bộ; phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Nhận thức cơ bản về phát triển nhanh và bền vững ở Việt Nam

Hiện nay có khoảng hơn 100 định nghĩa, quan niệm khác nhau về phát triển bền vững, nhưng quan niệm về phát triển bền vững được đề cập trong báo cáo Tương lai chung của chúng ta của Ủy ban Môi trường và Phát triển thế giới (WCED) là quan niệm được chấp nhận rộng rãi. Theo đó, phát triển bền vững là sự phát triển đáp ứng được những yêu cầu của hiện tại, nhưng không gây trở ngại cho việc đáp ứng nhu cầu của các thế hệ mai sau. Phát triển bền vững có ba nguyên tắc và ba nội dung cơ bản; trong đó ba nguyên tắc cơ bản là: 1) Nguyên tắc công bằng, đảm bảo tính bao trùm của phát triển; đảm bảo để mọi cá nhân đều tham gia vào quá trình phát triển và đều thụ hưởng thành quả của quá trình đó; theo giác độ thời gian là giải quyết tốt mối quan hệ giữa thế hệ hiện tại với thế hệ tương lai theo phương châm việc thế hệ hiện tại sử dụng tài nguyên và các loại lợi ích không được gây ảnh hưởng tiêu cực đến việc thỏa mãn nhu cầu, lợi ích của các thế hệ tương lai; 2) Nguyên tắc tính bền vững, là sự phát triển kinh tế - xã hội không được vượt quá khả năng chịu đựng của nguồn lực và môi trường; 3) Nguyên tắc cân bằng, hài hòa - tức là đảm bảo sự hài hòa trong phát triển ở từng lĩnh vực và giữa các lĩnh vực, nhất là giữa kinh tế, xã hội và môi trường.

Ba nội dung cơ bản của phát triển bền vững là: 1) Phát triển bền vững về kinh tế; 2) Phát triển bền vững về xã hội; 3) Phát triển bền vững về môi trường. Các nội dung và yêu cầu cơ bản của phát triển bền vững được nêu trong Chương trình nghị sự 21 của thế giới năm 1992. Đến năm 2015, phát triển bền vững được thể hiện ở 17 mục tiêu trong Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững của Liên hợp quốc(2).

Ở nước ta, thuật ngữ “phát triển bền vững” lần đầu tiên được sử dụng trong Văn kiện Đại hội ĐBTQ lần thứ VIII (năm 1996), nhưng các yêu cầu phát triển bền vững đã được thể hiện rõ trong Văn kiện Đại hội ĐBTQ lần thứ VI (năm 1986), đó là: “Cần thể hiện đầy đủ trong thực tế quan điểm của Đảng và Nhà nước về sự thống nhất giữa chính sách kinh tế và chính sách xã hội, khắc phục thái độ coi nhẹ chính sách xã hội”(3), “bảo vệ môi trường sống”; “đi đôi với phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường phải luôn luôn quan tâm tới phát triển văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ và tăng cường quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội”(4).

Đại hội ĐBTQ lần thứ VII (năm 1991) đã chỉ rõ: “Bảo đảm sự hài hòa giữa phát triển kinh tế và phát triển xã hội”, “kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ xã hội”(5). Qua các kỳ Đại hội VIII, IX, X, XI, XII và XIII của Đảng đều khẳng định nhất quan quan điểm, nguyên tắc và yêu cầu của phát triển bền vững. Trong cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Một đặc trưng cơ bản, một thuộc tính quan trọng của định hướng xã hội chủ nghĩa trong kinh tế thị trường ở Việt Nam là phải gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển. Điều đó có nghĩa là: không chờ đến khi kinh tế đạt tới trình độ phát triển cao rồi mới thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, càng không “hy sinh” tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần”(6).

Cụ thể hóa chủ trương của Đảng về phát triển bền vững và Chương trình nghị sự của thế giới về phát triển bền vững, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Quyết định số 153/2004/QĐ-TTg ngày 17/8/2004 về việc định hướng chiến lược về phát triển bền vững ở Việt Nam (Chương trình nghị sự 21 của Việt Nam); Quyết định số 432/2012/QĐ-TTg ngày 12/4/2011 phê duyệt Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020; Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 về Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Kế hoạch hành động đã chỉ rõ 05 quan điểm, mục tiêu tổng quát và 17 mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Việt Nam.

Bối cảnh quốc tế tác động đến chủ trương phát triển nhanh và bền vững ở Việt Nam

Thứ nhất, tác động của cách mạng khoa học và công nghệ.

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã thúc đẩy sự phát triển và ứng dụng của nhiều loại công nghệ vào các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có thể kể đến là trí tuệ nhận tạo và công nghệ máy học, công nghệ 5G và 6G, công nghệ sinh học, công nghệ xanh và năng lượng tái tạo, công nghệ chuỗi khối, công nghệ thực tế ảo, internet vạn vật, in 3D... Các công nghệ này thúc đẩy sự phát triển lực lượng sản xuất, sự phát triển của kinh tế tri thức và toàn cầu hóa kinh tế. Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ tạo điều kiện cho việc hiện đại hóa lực lượng sản xuất, thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững ở Việt Nam; đồng thời đặt ra không ít thách thức liên quan đến ứng dụng, phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo phục vụ yêu cầu phát triển nhanh và bền vững.

Thứ hai, sự phát triển của kinh tế tri thức và sự tác động đối với sự phát triển của lực lượng sản xuất.

Kinh tế tri thức là phương thức phát triển kinh tế mà từ việc sản xuất, phân phối và sử dụng (tiêu dùng) dựa trên tri thức và thông tin. Kinh tế tri thức có một số đặc trưng, như sử dụng nguồn lực một cách thông minh; tính vô hình của đầu tư (tức nhấn mạnh giá trị của sở hữu trí tuệ...); sự phát triển của công nghiệp về tri thức; sự phát triển bền vững về kinh tế; thúc đẩy toàn cầu hóa về kinh tế; phi tập trung hóa việc hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, thúc đẩy việc hình thành chuỗi sản xuất và giá trị toàn cầu(7). Trong thời gian qua, kinh tế tri thức đã phát triển lên một trình độ mới do nhiều nguyên nhân, trong đó quan trọng nhất là sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ. Sự phát triển của kinh tế tri thức tác động nhiều mặt đối với chủ trương phát triển nhanh và bền vững của Việt Nam. Theo đó, Việt Nam có thể thông qua nhiều phương thức để rút ngắn quá trình phát triển, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng như thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững. Nhưng thách thức và áp lực cạnh tranh ngày càng tăng lên trong bối cảnh tiềm lực khoa học và công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao của chúng ta còn nhiều hạn chế.

Thứ ba, quá trình toàn cầu hóa kinh tế và sự tác động đến các quốc gia.

Toàn cầu hóa kinh tế vừa tạo ra thời cơ, vừa đặt ra không ít thách thức cho mỗi quốc gia, dân tộc trong phát triển. Giáo sư John Cotter (Trường Kinh doanh Harvard) đã khẳng định: “Toàn cầu hóa làm cho sự thay đổi càng trở nên nhanh hơn, vừa tạo ra rất nhiều cơ hội, đồng thời cũng tạo ra nhiều thách thức và rủi ro”(8). Tương tự, đối với Việt Nam, thông qua chính sách tích cực và chủ động hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa kinh tế tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam tranh thủ tốt “ngoại lực” để phục vụ cho mục tiêu, yêu cầu phát triển nhanh và bền vững. Tuy nhiên, toàn cầu hóa về kinh tế cũng đã, đang và sẽ đặt ra nhiều thức đối với việc thực hiện chủ trương phát triển nhanh và bền vững của Việt Nam.

Thứ tư, phát triển bền vững đã trở thành xu thế bao trùm trên thế giới.

Trong những thập niên cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, phát triển bền vững đã trở thành một nguyên tắc, yêu cầu trong phát triển đối với hầu hết các quốc gia trên thế giới; đồng thời, phát triển bền vững cũng trở thành nội dung được đặt lên hàng đầu trong chương trình nghị sự của các quốc gia và tổ chức quốc tế. Trong thực tế, các nước đều coi trọng việc thực hiện sự phát triển đồng bộ các lĩnh vực, phát triển kinh tế gắn liền với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường. Hơn nữa, để phát triển kinh tế bền vững và thúc đẩy việc bảo vệ môi trường thì kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh đang là mô hình phát triển được nhiều quốc gia lựa chọn. Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc có ảnh hưởng lớn đến phương thức tăng trưởng, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư trên thế giới. Chuyển dịch sang năng lượng tái tạo, năng lượng xanh là xu thế rõ nét trong những năm qua và trong thời gian tới. Trong bối cảnh này, Việt Nam sẽ tranh thủ được sự ủng hộ, giúp đỡ của các quốc gia và tổ chức quốc tế trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Tuy nhiên, do điều kiện đặc thù, trình độ phát triển của Việt Nam nên việc thực hiện các cam kết về phát triển bền vững sẽ gặp một số khó khăn, thách thức.

Thứ năm, sự phức tạp, khó dự đoán, dự báo của tình hình thế giới và khu vực.  

Hiện nay, chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang, vấn đề tôn giáo, chạy đua vũ trang, hoạt động can thiệp lật đổ, khủng bố… còn xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới. Theo đó, cục diện thế giới tiếp tục biến đổi theo xu hướng đa cực, đa trung tâm. Xu hướng đa cực tạo khả năng để dân chủ hóa đời sống chính trị và kinh tế toàn cầu, tạo điều kiện để các quốc gia và dân tộc, trong đó có Việt Nam lựa chọn những kế sách phù hợp trong bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc, thực hiện “dĩ bất biến, ứng vạn biến” để không bị chi phối trong quan hệ quốc tế, giảm sức ép của các nước lớn; thúc đẩy quan hệ với nhiều đối tác, từ đó kiềm chế, đẩy lùi âm mưu, ý đồ và hành động xâm phạm chủ quyền, lãnh thổ, thực hiện “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch đối với Việt Nam.

Bối cảnh trong nước tác động đến chủ trương phát triển nhanh và bền vững ở Việt Nam

Thứ nhất, do điểm xuất phát thấp về điều kiện kinh tế, khoa học và công nghệ trong phát triển kinh tế - xã hội, nên chúng ta gặp nhiều khó khăn, thách thức trong phát triển đất nước nhanh và bền vững. Văn kiện Đại hội ĐBTQ lần thứ XII đã chỉ rõ: “Đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Kinh tế tăng trưởng khá, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước hình thành, phát triển... Quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu; vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao. Những thành tựu đó tạo tiền đề, nền tảng quan trọng để nước ta tiếp tục đổi mới và phát triển mạnh mẽ trong những năm tới; khẳng định đường lối đổi mới của Đảng là đúng đắn, sáng tạo; con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử”(9).

Có thể nói, đây là yếu tố vừa thể hiện kết quả của phát triển nhanh và bền vững, vừa là yếu tố tác động thuận lợi đến chủ trương phát triển nhanh và bền vững của Việt Nam. Tuy nhiên, việc “Nước ta quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản, từ một xã hội vốn là thuộc địa, nửa phong kiến, lực lượng sản xuất rất thấp. Đất nước trải qua hàng chục năm chiến tranh, hậu quả để lại còn nặng nề. Những tàn dư thực dân, phong kiến còn nhiều”(10), đã tác động nhiều mặt và lâu dài đến phát triển nhanh và bền vững ở nước ta. Đây là yếu tố khách quan ảnh hưởng đến chủ trương phát triển nhanh và bền vững, vừa chi phối đến tốc độ, chất lượng của phát triển nhanh và bền vững ở nước ta.

Thứ hai, tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ có tác động tiêu cực đến hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, đến việc thực hiện chủ trương phát triển nhanh và bền vững. Có thể nói, một hệ thống chính trị của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, với hạt nhân lãnh đạo, cầm quyền là Đảng Cộng sản Việt Nam chính là đảm bảo quan trọng nhất cho sự phát triển nhanh và bền vững ở Việt Nam. Trong công cuộc đổi mới, hệ thống chính trị đã được coi trọng đổi mới nên hiệu lực, hiệu quả không ngừng được nâng cao, thúc đẩy việc thực hiện phát triển nhanh và bền vững ở nước ta.

Thứ ba, phát triển và đổi mới đất nước gắn với yêu cầu khách quan, đồng thời đặt ra nhiều thách thức đối với phát triển nhanh và bền vững. Trong công cuộc đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, về cơ bản, xã hội Việt Nam đã và đang thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đô thị hóa; thị trường hóa với chủ trương cốt lõi là phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó thị trường giữ vai trò mang tính quyết định trong phân bổ các nguồn lực phát triển. Đây là yêu cầu khách quan để phát triển nhanh và bền vững, nhưng bản thân các quá trình này đã tác động và đặt ra nhiều yêu cầu trong tiến trình phát triển nhanh và bền vững ở Việt Nam, đòi hỏi cần phải được nhận diện, phân tích đầy đủ để có chiến lược, chính sách phù hợp.

Thứ tư, trong thời kỳ đổi mới, trước sự tác động của các vấn đề toàn cầu và vị trí của nước ta, các vấn đề thuộc về an ninh phi truyền thống đã có những diễn biến phức tạp, tác động đến sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Trong các vấn đề thuộc về an ninh phi truyền thống mà Việt Nam đã, đang và có thể sẽ phải giải quyết, đó là vấn đề biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn và an ninh nguồn nước ở một số khu vực ở trong nước, đặc biệt là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Quá trình giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống có thể làm cho năng lực của hệ thống quản trị được tăng cường, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức đối với phát triển nhanh và bền vững ở nước ta. Ngoài ra, sự biến đổi về cơ cấu xã hội dưới tác động của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và sự chống phá của các thế lực thù địch đối với Đảng, Nhà nước cũng đã tác động đến chủ trương phát triển nhanh và bền vững ở Việt Nam thời kỳ đổi mới.

Như vậy trong giai đoạn hiện nay, có nhiều yếu tố tác động đến việc thực hiện chủ trương phát triển nhanh và bền vững ở nước ta. Các yếu tố quốc tế đầy biến động và trong nước với nhiều thay đổi ảnh hưởng lẫn nhau, vừa tạo ra thuận lợi và thời cơ, vừa đặt ra không ít khó khăn, thách thức cho phát triển nhanh và bền vững ở Việt Nam. Việc nghiên cứu, đánh giá để phát huy những thế mạnh, những thành tựu, đồng thời hạn chế những khó khăn, tiêu cực đang tác động ở cả trong nước và quốc tế, trên cơ sở đó có những định hướng, bước đi phù hợp nhằm thực hiện hóa chủ trương phát triển nhanh và bền vững ở nước ta trong thời gian tới là vô cùng quan trọng./.

-------------------------------------

Ghi chú:

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội ĐBTQ lần thứ XIII, Nxb tập I, Nxb CTQG-ST, H.2021, tr.25.

(2) Xem https://documents-dds-ny.un.org.

(3),(4) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội ĐBTQ lần thứ VI, Nxb Sự thật, H.1987, tr.86, tr.162.

(5) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội ĐBTQ lần thứ VII, Nxb Sự thật, H.1991.

(6) Nguyễn Phú Trọng, Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb CTQG-ST, H.2022, tr.26-27.

(7) Nguyễn Trọng Bình, “Dự báo bối cảnh mới tác động đến công cuộc đổi mới ở Việt Nam từ nay đến giữa thế kỷ XXI”. Đề tài trọng điểm cấp bộ “Nghiên cứu, tổng kết lý luận và thực tiễn quá trình đổi mới ở Việt Nam”, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, năm 2023.

(8) John Cotter (1997), The New Rules, Free Press.

(9),(10) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội ĐBTQ lần thứ XII, Nxb CTQG-ST, H.2016, tr.65-66.

 

PGS.TS Nguyễn Xuân Phong - Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực IV, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

ThS Nguyễn Thị Hải Yến, Trường Cao đẳng Đà Lạt

 

Theo: https://tcnn.vn/

Average (0 Votes)

 

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

User Online: 22,442
Total visited in day: 10,534
Total visited in Week: 10,533
Total visited in month: 251,659
Total visited in year: 2,162,130
Total visited: 81,376,977