Xây dựng phong cách của cán bộ lãnh đạo theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh

|
Views:
Font size: A- A A+

Phong cách lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất phát từ lòng yêu nước vô hạn, tình yêu thương nhân dân sâu sắc; một tác phong làm việc khoa học, mẫn tiệp, dân chủ, khách quan… tất cả vì độc lập dân tộc, vì hạnh phúc của Nhân dân. Bài viết làm rõ hơn quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng và đổi mới phong cách của người cán bộ cách mạng, đây là những chỉ dẫn  cho mỗi cán bộ, đảng viên vận dụng sáng tạo quan điểm của Người để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Bác Hồ với các trí thức cách mạng là đại biểu Quốc hội. Ảnh: Tư liệu

Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phong cách người cán bộ cách mạng 

Thứ nhất, phong cách dân chủ.

Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Mỗi cán bộ, đảng viên, cần phải có tính đảng mới làm được việc. Kém tính đảng, thì việc gì cũng không làm nên”(1). Người phê phán cách làm việc mệnh lệnh: “Cái gì cũng dùng mệnh lệnh. Ép dân chúng làm. Đóng cửa lại mà đặt kế hoạch, viết chương trình rồi đưa ra cột vào cổ dân chúng, bắt dân chúng theo”(2). Khi bàn về “cách lãnh đạo”, Người luôn căn dặn cán bộ phải hết sức tránh căn bệnh quan liêu, xa dân, không biết tranh thủ ý kiến của dân, thiếu dân chủ trong tập thể: “Có nhiều cán bộ không bàn bạc, không giải thích với dân chúng, không để cho dân chúng phát biểu ý kiến, giải quyết các vấn đề, chỉ bắt buộc dân chúng làm theo mệnh lệnh... Họ chỉ làm theo ý kiến họ. Kết quả làm cho dân chúng nghi ngờ, uất ức, bất mãn”(3). Người chỉ rõ cách khắc phục bệnh quan liêu, xa dân, thiếu tin tưởng dân là: “Chúng ta phải kiên quyết bỏ sạch lối quan liêu, lối chật hẹp, lối mệnh lệnh”(4). Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu nguyên nhân những nhược điểm của cán bộ ta là: “Vì nhiều lẽ. Mà trước hết là vì: cách lãnh đạo của ta không được dân chủ, cách công tác của ta không được tích cực...”(5).

Chủ tịch Hồ Chí Minh còn thường xuyên nhắc nhở cán bộ phải rèn luyện cho được phong cách làm việc dân chủ, đó là khi đưa ra quyết định phải dựa trên tâm tư, nguyện vọng của quần chúng nhân dân, không được tự mình quyết theo ý chí chủ quan: “Việc gì cũng hỏi ý kiến dân chúng, cùng dân chúng bàn bạc. Giải thích cho dân chúng hiểu rõ. Được dân chúng đồng ý. Do dân chúng vui lòng ra sức làm”(6). Dân chủ không có nghĩa là dân chủ chung chung, mà phải sâu sát, tỉ mỉ, phải dựa trên ý kiến của tập thể: “Lãnh đạo không tập thể, thì sẽ đi đến cái tệ bao biện, độc đoán, chủ quan. Kết quả là hỏng việc”(7).

Thứ hai, phong cách làm việc khoa học, gắn lý luận và thực tiễn.

Người cán bộ cách mạng phải có tác phong làm việc khoa học, thống nhất giữa lời nói và việc làm, giữa lý luận và thực tiễn. Phải học tập lý luận gắn liền với thực tế công việc; trình độ lý luận là nhận thức và hiểu biết những tri thức về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và những kinh nghiệm được đúc rút, khái quát. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta đi trong công việc thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi”(8). Theo quan điểm của Người, năng lực của mỗi cán bộ bao gồm cả trình độ kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp và khả năng suy nghĩ độc lập, sáng tạo trong quá trình xử lý giải quyết các tình huống thực tế. Đây là những yếu tố quan trọng quyết định đến chất lượng và hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ của người cán bộ.

Đồng thời, cái “tài” của cán bộ thể hiện ở khả năng lãnh đạo, khả năng thực hiện nhiệm vụ được giao, khả năng tổ chức quản lý cũng như nghệ thuật hướng dẫn hành động, thuyết phục, cảm hóa con người… Phong cách làm việc khoa học, gắn lý luận với thực tiễn là biểu hiện cao nhất và đòi hỏi cán bộ phải luôn thấm nhuần tư tưởng, quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, hết lòng phụng sự Đảng, Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Là “Phải trung với nước. Phải hiếu với toàn dân, với đồng bào”(9) và nguyện “Trung thành tuyệt đối với Tổ quốc, với Nhân dân, với cách mạng, với Đảng”(10), là tiêu chuẩn số một của cán bộ, đảng viên.

Thứ ba, phong cách quyết đoán, tự phê bình và phê bình, giữ vững kỷ cương, kỷ luật.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc thiết lập kỷ cương, kỷ luật. Để có được tinh thần đoàn kết, kỷ luật nghiêm thì cán bộ lãnh đạo phải tránh xa chủ nghĩa cá nhân, tính tự do, vô kỷ luật và luôn có ý thức đấu tranh “quét sạch chủ nghĩa cá nhân, chấp hành và rèn luyện kỷ luật”. Người cho rằng, kỷ luật của Đảng phải chặt chẽ, nghiêm minh, là điều kiện quan trọng để đảm bảo Đảng thật sự là khối đoàn kết, thống nhất trên các mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức. Bởi vì, kỷ luật của Đảng là kỷ luật của tình đồng chí, của người chung lý tưởng nhằm đảm bảo thống nhất, tập trung cao trong Đảng, đặt mục tiêu vì lợi ích của nhân dân, của đất nước lên trên hết, trước hết. Kỷ luật phải trở thành thói quen, phong cách sống hàng ngày của từng cán bộ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở: “Trên dưới đều phải giữ kỷ luật. Phải kiểm thảo từ dưới lên, từ trên xuống. Cấp nào cũng phải kiểm thảo. Phải làm cho tất cả mọi người đội viên, cũng như cán bộ đều thấm nhuần, thì mới có kết quả”(11). Ngày 26/01/1946, Người ký ban hành Quốc lệnh quy định về 10 điểm thưởng, 10 điểm phạt. Quốc lệnh khẳng định, giữ vững kỷ cương, kỷ luật là vấn đề trọng đại, liên quan đến vận mệnh quốc gia, dân tộc: “Trong một nước thưởng phạt phải nghiêm minh thì nhân dân mới yên ổn, kháng chiến mới thắng lợi, kiến quốc mới thành công”(12). Theo Người, chủ nghĩa cá nhân bao giờ cũng đi ngược lại với lợi ích của tập thể, của Đảng, phản lại quyền lợi của nhân dân. Chủ nghĩa cá nhân dẫn dắt cán bộ đến chỗ tự cao, tự đại, tự cho mình những đặc quyền, đặc lợi, tự do vô kỷ luật từ đó sẽ đưa cán bộ đến chỗ bị tha hóa về đạo đức lối sống dẫn đến mất niềm tin ở Nhân dân. Cán bộ cách mạng phải nghiêm túc tự phê bình và phê bình, mục đích của tự phê bình và phê bình là tìm ra những ưu điểm mà quan trọng là tìm ra những nhược điểm đang từng ngày từng giờ đẻ ra “bệnh tật” nguy hiểm làm mất niềm tin ở nhân dân, làm giảm sức mạnh chiến đấu của Đảng, làm suy yếu lòng tin của quần chúng nhân dân đối với cán bộ.

Thứ tư, phong cách làm việc tận tụy, gắn bó mật thiết với nhân dân.

Cán bộ phải thực sự là công bộc của dân, có quan hệ mật thiết với quần chúng nhân dân được biểu hiện trong cách ứng xử, giao tiếp với dân, ở hành vi sinh hoạt hàng ngày của họ. Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm, cán bộ cách mạng thì phải thực sự là người đầy tớ của Nhân dân, không màng danh lợi, không ham phú quý, hết lòng hết sức phục vụ Nhân dân, thực sự tôn trọng quyền làm chủ của Nhân dân. Cán bộ lãnh đạo phải là người thấu hiểu và nhạy cảm, có khả năng nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Người nói: “Người lãnh đạo không nên kiêu ngạo, mà nên hiểu thấu… Nghĩa là một giây, một phút cũng không thể giảm bớt mối liên hệ giữa ta và dân chúng. Nghĩa là phải lắng tai nghe ý kiến của đảng viên, của Nhân dân, của những người “không quan trọng”(13). Đó là biểu hiện ở chính tâm và thân dân. Chính tâm là tấm lòng của người cán bộ trong sáng, chính trực. Muốn giáo dục người khác có lòng liêm chính thì trước hết cán bộ phải thực sự liêm chính: “Tự  mình phải chính trước, mới giúp được người khác chính. Mình không chính, mà muốn giúp người khác chính là vô lý”(14).  Thân dân là gần gũi với dân, không cửa quyền, hách dịch, xa dân thể hiện ở tính thân thiện, cởi mở, quan hệ mật thiết với quần chúng nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, có thân thiện, cởi mở, quan hệ mật thiết với Nhân dân thì mới “thu phục nhân tâm, xây dựng lòng tin” của Nhân dân. Cán bộ muốn “thu phục nhân tâm, xây dựng lòng tin” ở Nhân dân thì điều quan trọng trước tiên là phải gương mẫu, mẫu mực cả về đạo đức, lối sống và tác phong công tác. Đồng thời, phải tăng cường giáo dục, thuyết phục để quần chúng nhân dân hiểu ra mọi đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thấy rõ được cái đúng, cái sai, thấy được cái lợi trước mắt và cái lợi lâu dài nếu như họ theo Đảng, theo cách mạng, ủng hộ cách mạng. Để làm được điều đó, cán bộ phải thực sự tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân, tuyệt đối không được lên mặt “quan cách mạng” để ra lệnh, ra oai…: “Phải luôn luôn chăm lo đến đời sống của quần chúng. Phải “chí công vô tư” và có tinh thần “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”. Đó là đạo đức của người cộng sản”(15). Cán bộ phải nắm vững quan điểm giai cấp, phải thật thà, ngay thẳng, không giấu dốt, giấu khuyết điểm, phải luôn luôn chăm lo đến đời sống của quần chúng, phải luôn luôn giữ gìn đạo đức, tác phong gần gũi với dân, luôn là “công bộc của dân”, tu dưỡng tính đảng, tích cực rèn luyện trong hoạt động thực tiễn.

Vận dụng sáng tạo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào xây dựng phong cách của cán bộ lãnh đạo

Một là, xây dựng phong cách lãnh đạo dân chủ.

Cán bộ nói chung, cán bộ lãnh đạo nói riêng phải nhận thức đầy đủ thẩm quyền, trách nhiệm, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, biết lắng nghe ý kiến của tập thể. Biểu hiện của phong cách lãnh đạo dân chủ là người lãnh đạo sử dụng quyền lực của mình, đồng thời tôn trọng, lắng nghe ý kiến cấp dưới, tạo điều kiện để cấp dưới tham gia vào việc chung, phát huy sáng kiến, khuyến khích cấp dưới đóng góp tài năng, sự tâm huyết vì công việc chung. Phong cách lãnh đạo dân chủ vừa có tính khoa học, vừa thể hiện phẩm chất đạo đức, nhân cách, năng lực và trình độ của người lãnh đạo.

Người lãnh đạo cung cấp đầy đủ thông tin giúp cho cấp dưới hiểu được mục đích, ý nghĩa của công việc chung. Người lãnh đạo thúc đẩy và phát huy tinh thần trách nhiệm, truyền cảm hứng sáng tạo cho cấp dưới, để họ phát huy sáng kiến; giúp cấp dưới thân thiện, trao đổi thông tin rộng rãi, là cách người lãnh đạo thu hút được các thành viên tham gia thảo luận ý kiến, xây dựng và cùng nhau lựa chọn các phương án quyết định vì mục đích chung đã đặt ra. Sử dụng phong cách lãnh đạo dân chủ cho phép người lãnh đạo khai thác sáng kiến chung của tập thể cấp dưới, từ đó cùng nhau tìm ra và lựa chọn phương án tối ưu nhất, có lợi nhất cho tập thể để đưa ra quyết định.

Hai là, xây dựng phong cách lãnh đạo khoa học.

Trong quá trình lãnh đạo, điều hành, người lãnh đạo thể hiện được mục đích, kế hoạch làm việc rõ ràng, đặt mục tiêu kế hoạch làm việc một cách sát hợp và có trọng tâm, trọng điểm. Khi xem xét để ra quyết định, người lãnh đạo bám sát thực tiễn, phải điều tra, nghiên cứu, phân tích toàn diện trên cơ sở việc gì cũng cần phân tích rõ ràng, thấu đáo, cẩn thận rồi mới ra quyết định và điều hành tổ chức thực hiện đến nơi, đến chốn để đem lại kết quả thiết thực nhất.

Phong cách lãnh đạo khoa học thể hiện tư duy khoa học và cách lãnh đạo điều hành hiệu quả ở người lãnh đạo trong giải quyết công việc dựa trên dữ liệu khách quan, trên nền tảng thực tế để lựa chọn phương án tối ưu nhất, khả thi và phương án ấy phải phù hợp với tầm nhìn chiến lược lâu dài của tổ chức chứ không phải vì cái lợi trước mắt mà làm tổn hại đến lợi ích to lớn, toàn cục. Đối với phong cách lãnh đạo khoa học là: người lãnh đạo giải quyết công việc khoa học, lấy lợi ích chung của đất nước và nhân dân làm mục tiêu phấn đấu; quan tâm đến phát triển phát triển tầm nhìn, chiến lược toàn cục; khơi dậy niềm tự hào cống hiến, để cấp dưới thể hiện trách nhiệm và năng lực của mình; phân cấp, phân quyền cho cấp dưới chủ động và chịu trách nhiệm trước cấp trên và tập thể về kết quả công việc; giải quyết công việc dựa trên dữ liệu khách quan, trên nền tảng thực tế để lựa chọn phương án tối ưu nhất; coi trọng sự sáng tạo và đổi mới, lấy kết quả công việc đánh giá sự thành công của cấp dưới.

Ba là, xây dựng phong cách quyết đoán, giữ vững kỷ cương, kỷ luật.

Người lãnh đạo nghiêm túc tự phê bình và phê bình, kỷ luật nghiêm minh, dám làm, dám chịu trách nhiệm, kiên quyết, kiên trì, chủ động vượt qua khó khăn, thách thức. Biểu hiện của phong cách quyết đoán, giữ vững kỷ cương, kỷ luật là người lãnh đạo dám đương đầu với những áp lực khó và mới, không nản chí trước bất kỳ khó khăn, thách thức nào. Người lãnh đạo quyết liệt khi chỉ đạo, điều hành công việc; sử dụng quyền lực lãnh đạo linh hoạt; tinh thần trách nhiệm cao, quả cảm đối với công việc, bám sát đến cùng để đạt mục tiêu đã đề ra; dám chịu trách nhiệm đến cùng khi xử lý tình huống khó khăn, thách thức; quyết liệt trong phê bình và tự phê bình; thể hiện vai trò, trọng trách đối với nhiệm vụ được giao với tư cách là người đứng đầu; luôn nỗ lực hoàn thành trách nhiệm chung đem lại lợi ích lớn, biết hy sinh lợi ích cá nhân, gia đình; khích lệ, động viên cán bộ, đảng viên cống hiến hết mình vì mục tiêu đã đề ra; làm việc hăng say và bản thân dành nhiều thời gian cống hiến hết mình vì nhiệm vụ chung.

Bốn là, xây dựng phong cách làm việc tận tụy, gắn bó mật thiết với quần chúng nhân dân.

Người lãnh đạo phải giữ mối liên hệ mật thiết, sâu sát, gần gũi với cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Biểu hiện của phong cách này là phải khách quan, minh bạch trong kiểm tra, giám sát các nhiệm vụ của tổ chức, biết dựa vào quần chúng nhân dân để giám sát, kiểm tra. Đối với phong cách lãnh đạo sâu sát, gần gũi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân: người lãnh đạo luôn tạo được bầu không khí tâm lý đoàn kết, dân chủ, gần gũi giữa các thành viên trong tập thể; trong tiếp xúc công việc luôn tạo cảm giác gần gũi, thân mật với cán bộ và người dân; sâu sát trong kiểm tra, giám sát mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, nhân viên; thân thiện, gần gũi không tạo khoảng cách khi tiếp xúc với cấp dưới và được người dân tin tưởng, quý mến; xử lý công việc có lý, có tình theo nguyên tắc chung; khích lệ, động viên cán bộ, nhân viên thực hiện tốt nhiệm vụ được giao; biết chia sẻ với khó khăn của cán bộ, nhân viên.

Học tập tốt những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng phong cách của cán bộ cách mạng chính là thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên cũng như nâng cao tính tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, để mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý thực sự là “công bộc” của dân để cống hiến, phát huy trí tuệ và tài năng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.

------------------------

Ghi chú:

(1), (2), (3), (4), (5), (6), (7), (8), (10), (13) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.466, tr.307, tr.333, tr.334, tr.337, tr.283, tr.334, tr.273-274, tr.595, tr.325.

(9), (12) Sđd, tập 4, tr.170, tr.189.

(11), (14) Sđd, tập 6, tr.457, tr.130.

(15) Sđd, tập 10, tr.311.

 

TS Trần Nhật Duật, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

Theo: https://tcnn.vn/

Average (0 Votes)

 

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

User Online: 15,069
Total visited in day: 7,032
Total visited in Week: 88,926
Total visited in month: 7,031
Total visited in year: 2,337,049
Total visited: 81,551,897