Những quyết sách quan trọng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa đến Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ

|
ページビュー:
font-size: A- A A+

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngày 07/5/1954 là kết quả hợp thành của nhiều yếu tố, mà nổi bật là những quyết định đúng đắn, sáng suốt của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chọn Điện Biên Phủ làm địa bàn quyết chiến chiến lược; điểm đúng huyệt hiểm yếu nhất của quân đội Pháp; kiên quyết chỉ đạo, lãnh đạo toàn quân, toàn dân ta tập trung sức mạnh tổng hợp đập tan Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đó là những yếu tố quyết định, thể hiện bản lĩnh và tài thao lược của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh, dẫn tới thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược.

Những quyết định quan trọng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Chiến dịch Đông Xuân 1953-1954 và Chiến dịch Điện Biên Phủ 

Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II họp từ ngày 25/01/1953 đến ngày 30/01/1953 đã đưa ra các quyết định quan trọng về cuộc tiến công chiến lược Đông  Xuân 1953-1954. Trong Báo cáo khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phân tích kỹ tình hình thế giới và trong nước để Trung ương thảo luận, đưa ra những nhiệm vụ cụ thể trong kháng chiến, kiến quốc. Trong “chỉ đạo kháng chiến và chính sách quân sự”, Người yêu cầu: “Phải tăng cường công tác chính trị, luôn luôn nâng cao trình độ chính trị và giác ngộ giai cấp của bộ đội ta; phải bảo đảm sự chấp hành chính sách của Đảng và Chính phủ; phải triệt để giữ gìn kỷ luật tự giác về mặt quân sự và về mặt chính trị. Vì vậy, cần phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong Quân đội và phải thực hiện dân chủ trong bộ đội”(1).

Báo cáo của Trung ương Đảng tại Hội nghị do Tổng Bí thư Trường Chinh đã trình bày đã xác định rõ quan điểm chỉ đạo và phương châm đánh chắc, tiến chắc cho toàn bộ cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954: Về vấn đề chỉ đạo chiến tranh, phương châm chung của cuộc chiến tranh giải phóng của ta là trường kỳ kháng chiến, tự lực cánh sinh. Ta không chủ quan, khinh địch, không nóng vội, không mạo hiểm. Đánh chắc, tiến chắc. Chắc thắng thì kiên quyết đánh cho kỳ thắng. Không chắc thắng thì kiên quyết không đánh. Nếu chủ quan, mạo hiểm mà một lần thua nặng, thì sẽ tai hại lớn. Tổng Bí thư Trường Chinh chỉ rõ: “Chiến trường của ta hẹp, người của ta không nhiều, nên nói chung ta chỉ có thắng chứ không được bại, vì bại thì hết vốn… Bởi vậy, về chiến lược, chủ lực của ta phải lấy vận động chiến làm chính, nhưng vận động chiến cơ động, linh hoạt. Dùng vận động chiến cơ động, linh hoạt tiêu diệt từng miếng một của địch, không phải đánh ào ạt, tiêu diệt luôn một lượt(2). Như vậy, phương châm tác chiến “đánh chắc, tiến chắc” và “dùng vận động chiến cơ động, linh hoạt tiêu diệt từng miếng một của địch, không phải đánh ào ạt, tiêu diệt luôn một lượt” cho toàn bộ chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 đã được Trung ương Đảng, Bộ Chính trị xác định và chỉ đạo ngay từ đầu năm 1953.

Trước đó, trong “Thư gửi các đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trần Đăng Ninh về kế hoạch đánh địch ở Nghĩa Lộ” ngày 18/12/1952, Tổng Bí thư Trường Chinh cũng đã nhấn mạnh sự cần thiết phải kiên quyết thực hiện phương châm “đánh ăn chắc, tiến ăn chắc”. Quan điểm chỉ đạo “đánh ăn chắc, tiến ăn chắc” của Tổng Bí thư Trường Chinh được hình thành trong suốt quá trình lãnh đạo thực hiện chủ trương kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ dựa vào sức mình là chính đã được nêu lên từ đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược trong tác phẩm “Kháng chiến nhất định thắng lợi” năm 1947. Đó là sự tổng kết kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình xây dựng và chiến đấu của quân và dân ta.

Quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Trường Chinh cho chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954: “đánh ăn chắc, tiến ăn chắc” và “dùng vận động chiến cơ động, linh hoạt tiêu diệt từng miếng một của địch, không phải đánh ào ạt, tiêu diệt luôn một lượt” chính là kết quả của quá trình nghiên cứu tổng kết từ thực tiễn chiến đấu thành công và chưa thành công của Quân đội ta qua các chiến dịch trước đó. Đồng thời, đó cũng là sự khái quát lý luận quân sự cách mạng Việt Nam trên cơ sở kế thừa di sản tư tưởng nghệ thuật quân sự độc đáo của dân tộc như “dĩ đoạn binh, chế trường trận” (Trần Quốc Tuấn), “lấy ít địch nhiều, lấy yếu chống mạnh” (Nguyễn Trãi), v.v. kết hợp với tham khảo kinh nghiệm quốc tế, vận dụng sáng tạo phù hợp với điều kiện “chiến trường của ta hẹp, người của ta không nhiều”.

Quyết định chọn hướng tiến công chiến lược

Sau Hội nghị Trung ương 4 khóa II (tháng 01/1953), Bộ Chính trị và Ban Bí thư đã tập trung xác định hướng trọng điểm của chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 để chỉ đạo các địa phương chuẩn bị làm đường vận chuyển lương thực, thực phẩm phục vụ chiến trường vì công tác hậu cần phục vụ chiến dịch luôn phải đi trước một bước.

Ngày 15/6/1953, Ban Bí thư đã có Chỉ thị quan trọng “Về việc lãnh đạo công tác làm cầu đường giao thông vận tải” do Tổng Bí thư Trường Chinh ký. Chỉ thị nêu rõ: “Hiện nay nhu cầu kháng chiến ngày càng nhiều, khối hàng phải vận chuyển tăng lên rất nhanh. Nhưng đường cầu, phà hiện nay rất xấu: đường hẹp, lầy, dốc, nhiều quãng ngoặt quá hẹp, xe đi vừa chậm vừa tốn dầu, hại máy, nhiều dốc cao không lên nổi, quãng ngoặt không quanh được; phà, cầu thì yếu, mục gẫy… Địch tăng cường phá hoại… Nhất là khi ta chuẩn bị những chiến dịch và trong thời gian có chiến dịch của ta, địch càng ra sức phá hoại rất dữ, ảnh hưởng đến việc vận chuyển theo kế hoạch. Trước tình hình như thế, nhiều tỉnh vẫn chưa nhận rõ tầm quan trọng của công tác làm cầu đường… Nhiệm vụ hiện nay là phải làm những đường tốt cần thiết để đảm bảo việc vận chuyển quân sự, để sẻ bớt gánh nặng vận chuyển cho dân và đồng thời cũng để mở rộng việc vận chuyển kinh tế. Do đó cấp ủy Liên khu Việt Bắc và các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Cạn, Bắc Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Sơn La, Phú Thọ, Liên khu 4 và tỉnh Thanh Hóa, Liên khu 3 và tỉnh Hòa Bình, các cấp ủy phải tăng cường việc lãnh đạo công tác đường cầu, điều động những cán bộ tích cực, có năng lực phụ trách các công tác ấy để thực hiện cho kỳ được kế hoạch…”(3).

Từ các địa danh được nêu trong Chỉ thị này của Ban Bí thư, có thể thấy rõ ý định của Bộ Chính trị về hướng tiến công chiến lược của chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 là khu vực rừng núi phía Bắc gần với Lào và Trung Quốc. Do có kế hoạch sát đúng từ rất sớm và sự lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể, sát sao của Bộ Chính trị và Ban Bí thư, nên ta đã chủ động triển khai xây dựng được các tuyến đường cần thiết, bảo đảm vận chuyển hậu cần phục vụ kịp thời cho Mặt trận Điện Biên Phủ.

Cuối tháng 9/1953, Bộ Chính trị họp bàn về nhiệm vụ quân sự chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954. Đại tướng Võ Nguyên Giáp thay mặt Tổng Quân ủy trình bày hai phương án tác chiến: “một là tập trung toàn bộ hoặc phấn lớn chủ lực đối phó với địch ở đồng bằng Bắc Bộ; hai là điều động lực lượng mở các cuộc tiến công trên nhiều hướng chiến trường để phá kế hoạch tập trung lực lượng cơ động của địch – được coi là xương sống của Kế hoạch Navarre”(4).

Nhận định hành động của địch chưa rõ rệt, Bộ Chính trị nhấn mạnh phương châm: “tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt”. Quán triệt quan điểm chỉ đạo tác chiến của Hội nghị Trung ương 4 khóa II (tháng 01/1953), Nghị quyết của Bộ Chính trị đã khẳng định các nguyên tắc chỉ đạo chiến lược và tác chiến là: tiêu diệt sinh lực địch, bồi dưỡng lực lượng ta; đánh ăn chắc, đánh chắc thắng, đánh tiêu diệt; chọn nơi địch sơ hở mà đánh, chọn nơi địch tương đối yếu mà đánh; giữ vững chủ động, kiên quyết buộc địch phải phân tán lực lượng. Đồng thời, Bộ Chính trị đã quyết định chọn hướng chính là Tây Bắc, các hướng khác là hướng phối hợp, nhằm tiêu diệt quân địch còn chiếm đóng Lai Châu, giải phóng hoàn toàn khu Tây Bắc”( 5).

Nghị quyết này của Bộ Chính trị đã được quán triệt rất sớm tới các cấp, các ngành để mở đường đi tới những thắng lợi lịch sử trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954. Sau Hội nghị vào cuối tháng 9/1953, Bộ Chính trị và Ban Bí thư đã tiếp tục lãnh đạo và chỉ đạo các cơ quan chức năng và các địa phương triển khai khẩn trương các công tác chuẩn bị chiến trường, tổ chức lực lượng, bảo đảm hậu cần cung cấp phục vụ chiến trường trọng điểm theo phương châm chuẩn bị lực lượng và bảo đảm hậu cần, kỹ thuật phải đi trước một bước. Trên thực tế, Tổng Bí thư Trường Chinh đã dự liệu và chỉ đạo triển khai công tác này từ tháng 4/1953.

Quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ

Theo chỉ đạo của Bộ Chính trị và Tổng Quân ủy, Bộ Tổng Tư lệnh đã ra lệnh cho Đại đoàn 316 tiến lên Tây Bắc, một bộ phận của các Đại đoàn 325 và 304 tiến sang Trung Lào. Được tin quân chủ lực của ta tiến lên Tây Bắc, tướng Henrry Navarre, Tổng Chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương đã lập tức cho quân nhảy dù chiếm Điện Biên Phủ và điều lực lượng ở Bắc Bộ sang đứng chân ở Trung Lào với hy vọng giữ Tây Bắc và che chở cho Thượng Lào. Một tình huống chiến lược mới đã xuất hiện: địch bị động đối phó và đã chọn lòng chảo Điện Biên Phủ để xây dựng tập đoàn cứ điểm chuẩn bị cho trận đánh quyết định cuối cùng( 6).

Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ được thực dân Pháp xây dựng mạnh nhất Đông Dương. Ngày 03/12/1953, tướng Henrry Navarre đã cho tăng cường lực lượng phòng giữ Điện Biên Phủ từ 06 tiểu đoàn lên 09 tiểu đoàn bộ binh và 03 tiểu đoàn pháo. Tổng số binh lực địch ở đó lúc cao nhất lên đến 16.200 tên, được bố trí trong 49 cứ điểm, chia thành ba phân khu: Bắc, Nam và Trung tâm để yểm hộ lẫn nhau. Phân khu Trung tâm được các trung tâm đề kháng của địch trên các ngọn đồi phía Đông bảo hộ một cách đắc lực, có các lực lượng cơ động, các căn cứ pháo binh và cơ giới, có sở chỉ huy. Sân bay chính của Điện Biên Phủ cũng ngay ở đấy. Toàn bộ tổ chức phòng ngự quy mô rộng lớn của tập đoàn cứ điểm này đều nằm trong công sự và giao thông hào chìm dưới mặt đất. Cả Pháp và Mỹ đều thống nhất đánh giá đây là: “pháo đài khổng lồ không thể công phá”, một “con nhím” hoàn hảo được tổ chức phòng ngự theo kiểu hiện đại( 7).

Ngày 06/12/1953, sau khi phân tích kỹ tình hình trong nước và quốc tế, âm mưu của thực dân Pháp và sự can thiệp của Mỹ ở Việt Nam; đánh giá mức độ, khả năng chuẩn bị cung cấp cho mặt trận và thời cơ chiến lược, Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh Quân đội, Bí thư Tổng Quân ủy đã được chỉ định trực tiếp làm Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy Chiến dịch. Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch Hội đồng cung cấp mặt trận Trung ương. Đồng chí Trần Đăng Ninh phụ trách các vấn đề về đường sá và cung cấp của chiến dịch. Nhiều nhà khoa học, nhà báo, văn nghệ sĩ nổi tiếng như: nhà văn Nguyễn Đình Thi, nhạc sĩ Đỗ Nhuận, v.v. đã lên đường ra mặt trận(8).

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao nhiệm vụ cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng, không đánh”(9), và căn dặn: “Tướng quân tại ngoại”, “Trao cho chú toàn quyền. Có vấn đề gì khó khăn, bàn thống nhất trong Đảng ủy, thống nhất với cố vấn thì cứ quyết định, rồi báo cáo sau”(10). Trong quá trình chuẩn bị, Bộ Tư lệnh Chiến dịch nhận thấy địch đã củng cố, xây dựng nơi đây thành tập đoàn cứ điểm mạnh nên ta không thể “đánh nhanh, giải quyết nhanh” như đã xác định. Vì thế, Bộ Tư lệnh Chiến dịch đã kịp thời chuyển phương châm tác chiến chiến dịch theo chủ trương của Trung ương “đánh chắc, tiến chắc”. Chủ trương trên của Trung ương Đảng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp là hoàn toàn đúng đắn, nhưng cũng là một quyết định rất khó khăn về mặt tư tưởng đối với bộ đội, nhất là trong điều kiện lực lượng ta đã áp sát mục tiêu tiến công lại phải dừng lại để rút ra chuẩn bị kỹ hơn.

Với khẩu hiệu: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, cả hậu phương hùng hậu từ vùng tự do Việt Bắc, Liên khu III, Liên khu IV, Liên khu V, vùng mới giải phóng, khu du kích, căn cứ du kích trên khắp cả nước đã tập trung mọi sức lực, của cải cho mặt trận Điện Biên Phủ(11). Sau khi hạ quyết tâm tiêu diệt địch ở Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên theo dõi diễn biến diễn ra trên khắp chiến trường và có những quyết định kịp thời, nhằm biến quyết tâm chiến lược đó thành hiện thực. Để thực hiện kế hoạch mới chuyển từ phương châm tác chiến “đánh nhanh, thắng nhanh” sang phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, ta phải bố trí lại thế trận và binh lực, kéo pháo và rút quân ra. Trong thời gian này, Bộ Chính trị và Ban Bí thư đã liên tục chỉ đạo các địa phương trong cả nước, đặc biệt là ở miền Nam phải nỗ lực chiến đấu tiêu diệt sinh lực địch, giam chân địch và căng địch ra để chúng không thể chi viện được cho cứ điểm Điện Biên Phủ, đồng thời đẩy mạnh phong trào toàn dân đấu tranh chống bắt lính và tiếp tục huy động nhân lực, vật lực phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ngày 13/3/1954, công tác chuẩn bị lại ở mặt trận Điện Biên Phủ đã được hoàn thành theo phương châm tác chiến “đánh chắc, tiến chắc” của Hội nghị Trung ương 4 khóa II từ tháng 01/1953. Chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu mở màn với đợt tiến công thứ nhất vào hai cứ điểm Him Lam và Độc Lập.

Ngày 14/3/1954, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã có điện “Gửi: Bác và Bộ Chính trị”, báo cáo trận đánh đầu tiên và kết quả ban đầu. Ta đã tiêu diệt hoàn toàn Tiểu đoàn 3.13 DBLE, bắt 250 tù binh.

Ngày 15/3/1954, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp tiếp tục có điện “Kính gửi: Bác và Bộ Chính trị”, báo cáo sơ bộ trận đánh thứ hai và kết quả: ta đã bắn rơi 03 phi cơ và bắt 300 tù binh. Cùng ngày, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp cũng đã có điện “Kính gửi Trung ương - Đồng kính gửi anh Thao (Nguyễn Chí Thanh), anh Dũng (Văn Tiến Dũng)”, báo cáo trận đánh tiêu diệt vị trí đồi Độc Lập và kết quả trận đánh: ta đã tiêu diệt hoàn toàn tiểu đoàn 5 thuộc Trung đoàn bộ binh Angiêri số 07, bắt sống 350 tên địch, tiêu diệt hơn 200 địch, trong đó có tên quan tư, không có tên nào chạy thoát, ta thu toàn bộ vũ khí trong đó có 8 khẩu 120 ly(12).

Ngày 29/3/1954, trước khi mở cuộc tiến công đợt 2, Tổng Quân ủy đã có một văn bản quan trọng gửi cán bộ và chiến sĩ Mặt trận Điện Biên Phủ: “Tổng Quân ủy gửi tất cả các đồng chí:

… Trận đánh sắp tới là một trận đánh rất lớn có tính chất quyết định để chuyển sang tổng công kích tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ. Các đồng chí hãy nêu cao hơn nữa tinh thần gương mẫu dũng cảm chiến đấu của những người đảng viên Đảng Lao động, nhất là trong những giờ phút gay go quyết liệt. Tất cả các đồng chí chúng ta trong cuộc chiến đấu sắp tới đều phải kiên quyết, dũng mãnh, đánh nhanh giải quyết nhanh, đánh mạnh như vũ bão, không để mất một cơ hội nào để tiêu diệt địch, lãnh đạo toàn thể anh em cán bộ và chiến sĩ hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang của Đảng giao cho...”(13).

Ngày 30/3/1954, Bộ Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ đã ra lệnh tiến công đợt hai vào các ngọn đồi phía đông theo chủ trương “đánh nhanh, giải quyết nhanh, đánh mạnh như vũ bão” của Tổng Quân ủy. Cuộc chiến giữa ta và địch diễn ra rất gay go, quyết liệt. Riêng tại đồi A1 - cứ điểm quan trọng nhất ở phía Đông, ta với địch giành nhau từng tấc đất. Kết thúc đợt 02 tấn công theo phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh, đánh mạnh như vũ bão”, ta chưa đạt được mục tiêu đặt ra, chỉ mới chiếm được một nửa đồi A1 - cứ điểm hỏa lực quan trọng nhất ở phía đông. Còn đồi C1, ta đã chiếm được sau 45 phút chiến đấu đầu tiên, nhưng sau đó địch cho quân phản kích, đánh chiếm lại vào ngày 09/4/1954. Sau 04 ngày đêm chiến đấu, ta cũng chỉ chiếm lại được một nửa đồi C1, địch chiếm một nửa.

Ngày 19/4/1954, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết quan trọng “Về tiếp tục thấu triệt phương châm đánh chắc, tiến chắc, đề cao quyết tâm tích cực giành toàn thắng cho Chiến dịch Điện Biên Phủ”. Nghị quyết này khẳng định sự chỉ đạo đúng đắn của Trung ương Đảng, phê phán các biểu hiện chủ quan khinh địch, tự mãn và yêu cầu cần phải tiếp tục chấn chỉnh, quán triệt sâu sắc phương châm “đánh chắc, tiến chắc” và chỉ rõ: hai đợt tấn công của quân ta ở Mặt trận Điện Biên Phủ đều thắng lợi, tiêu diệt hơn 2/5 sinh lực địch… Ngày 21/4/1954, Ban Bí thư cũng đã có thư gửi Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chỉ rõ âm mưu và các hành động đối phó của địch sắp tới, đồng thời yêu cầu phải quán triệt thật sâu sắc phương châm “đánh chắc, tiến chắc”. Bức thư nêu rõ: “… Bộ Chính trị đồng ý với nhận định của anh về kết quả hai đợt tấn công của quân ta vừa qua và kế hoạch chuẩn bị hiện nay. Bộ Chính trị nhắc anh chú ý mấy điểm: vì địch cũng nhận rõ sự quan trọng của trận này, nhất là bọn can thiệp Mỹ ra sức thúc đẩy, nên chúng tiếp tục cố gắng đối phó. Bởi vậy, nhiệm vụ trước mắt của ta là một mặt củng cố quyết tâm giành toàn thắng của Quân đội, nhất là của cán bộ các cấp, nắm vững phương châm “đánh chắc, tiến chắc”; mặt khác đảm bảo cung cấp cho tiền tuyến”(14).

70 năm đã trôi qua, từ sau Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng ta càng thấy rõ hơn những quyết định quan trọng chiến lược đúng đắn, sáng tạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Chiến dịch Đông Xuân 1953-1954 mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đây là yếu tố rất quan trọng lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ở cả tiền tuyến lẫn hậu phương, ở khắp mọi miền đất nước, từ Nam chí Bắc, từ miền xuôi đến miền ngược, từ thành thị đến nông thôn. Sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tập hợp được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy cao độ ý chí quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, chiến đấu mưu trí, dũng cảm giành thắng lợi quyết định trong Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.

Những quyết sách quan trọng, chiến lược đúng đắn của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dẫn đến chiến thắng vẻ vang của Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngày nay, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, chúng ta cần tiếp tục phát huy những bài học kinh nghiệm trong Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ để đề ra những chủ trương, đường lối, quyết sách đúng đắn về chiến lược quốc phòng, an ninh và đối ngoại trong xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

------------------------------------

Ghi chú:

(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 11, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.365.

(2) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 14, Nxb CTQG-ST, H.2001, tr.59.

(3) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 14, Nxb CTQG-ST, H.2001, tr. 243-244.

(4),(7),(8) Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam (Bộ Quốc phòng), tập 10, Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), Nxb CTQG-ST, H.2014, tr.223-224, tr.224, tr.89-90.

(5),(6) Ban Chỉ đạo tổng kết chiến tranh (trực thuộc Bộ Chính trị), Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp - Thắng lợi và bài học, Nxb CTQG-ST, H.1996, tr.193, tr.193.

(9),(10) Võ Nguyên Giáp, Điểm hẹn lịch sử, Nxb Quân đội nhân dân, H.2000, tr.66, tr.66.

(11) Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, đồng bào các dân tộc Tây Bắc, Việt Bắc, Liên khu III, Liên khu IV đã đóng góp hơn 260.000 dân công (tính ra thành 14.000.000 ngày công), 20.991 xe đạp thồ và hàng chục nghìn phương tiện vận chuyển thô sơ. Về bảo đảm vật chất, đồng bào đã đóng góp cho chiến dịch 25.056 tấn lương thực, 907 tấn thịt và hàng nghìn tấn thực phẩm khác. Chỉ tính riêng số vật phẩm đã chuyển được ra mặt trận là hơn 02 vạn tấn, trong đó có 14.950 tấn gạo, 266 tấn muối, 62,7 tấn đường, 577 tấn thịt và 565 tấn thức ăn khô.

(12) Đảng Cộng sản Việt Nam, Điện Biên Phủ - Hội nghị Giơnevơ, Văn kiện Đảng, Nxb CTQG-ST, H.2014, tr.254-256.

(13),(14) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 15, Nxb CTQG-ST, H.2001, tr.434, tr.92-93.

 

Thượng tướng, TS Lê Huy Vịnh - Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

 

Theo: https://tcnn.vn/

平均 (0 投票)

 

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

アクセス中: 17,033
1日当たりのページのアクセス回数: 9,138
1週間当たりののページのアクセス回数: 9,137
1か月当たりのページのアクセス回数: 250,263
1年間当たりのページのアクセス回数: 2,160,734
ページのアクセス回数 : 81,375,581