Quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý

|
ページビュー:
font-size: A- A A+

Kế thừa và phát triển sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về việc đề cao, coi trọng đạo đức của người cộng sản, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định phải xây dựng được đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên”, đặc biệt là đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý. Bài viết phân tích, làm rõ hơn quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý để có biện pháp vận dụng và triển khai có hiệu quả trong thực tiễn hiện nay.

Quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý

C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin và Hồ Chí Minh đều nhất quán coi trọng vai trò của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý: nếu không có được một đội ngũ cán bộ nói chung, trong đó có những cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt, thì không thể thúc đẩy phong trào cách mạng mạnh lên được. Thời của C.Mác và Ph.Ăngghen chưa có đảng cộng sản nào cầm quyền, nên các ông chưa đi sâu phân tích những quan điểm về xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý. Đối với V.I.Lênin, sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, lập nên chế độ Xô-viết, vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý được đặt ra một cách cấp thiết, bởi vì lúc này cán bộ vừa thiếu, vừa yếu, chưa có kinh nghiệm về lãnh đạo, quản lý. Hơn nữa, trong số cán bộ Nhà nước xô viết khi đó, có nhiều người chưa đủ phẩm chất, năng lực để “gánh vác” những nhiệm vụ nặng nề. Kế thừa và phát triển vào thực tiễn Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”(1); “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”(2). “Cán bộ” mà Người đề cập ở đây là theo nghĩa cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, trước hết cần chú trọng xây dựng tiêu chí (tiêu chuẩn). C.Mác và Ph.Ăngghen chỉ rõ rằng, đảng vô sản là gồm những người được giác ngộ nhất (tiên tiến nhất) trong giai cấp vô sản đại công nghiệp. V.I.Lênin kế thừa và phát triển để đưa ra những tiêu chuẩn cụ thể hơn khi áp dụng vào nước Nga Xô-viết, đó là: “trung thực; lập trường chính trị; hiểu biết công việc; năng lực quản lý”(3). Khi đề bạt, bố trí, sử dụng cán bộ phải căn cứ vào những điều kiện mới để đề ra những tiêu chuẩn phù hợp đáp ứng với những yêu cầu mới, tiêu chuẩn chung nhất là phải có phẩm chất chính trị, năng lực làm việc, hay “uy tín chuyên môn” và phẩm chất đạo đức cách mạng. Cụ thể là: 1) Phải giác ngộ, kỷ luật và trung thành cách mạng: trong thời kỳ đấu tranh giành chính quyền, những cán bộ cách mạng phải có “tinh thần giác ngộ cao, một tính kỷ luật cao, một lòng trung thành cao độ”(4). Trong thời kỳ Đảng cầm quyền, tiêu chuẩn này vẫn phải giữ và được tăng cường về chất hơn. 2) Người cán bộ còn cần phải có năng lực tổ chức thực tiễn trong thực thi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước: “Biến các sắc luật từ trạng thái là giấy... thành thực tiễn sống động”(5). Đối với năng lực chuyên môn, V.I.Lênin nêu rõ: “Làm sao có thể quản lý được nếu không có uy tín chuyên môn, nếu không có kiến thức đầy đủ, nếu không tinh thông khoa học quản lý... Muốn quản lý được, thì cần am hiểu công việc và phải là một cán bộ quản lý giỏi”(6). Đồng thời: “Hãy gần gũi đời sống hơn nữa. Hãy chú ý nhiều hơn nữa xem trong công việc thường ngày của quần chúng công nông đang thực tế sáng tạo cái mới như thế nào”(7). 3) Phải có đạo đức cách mạng, cán bộ lãnh đạo phải có uy tín trong tập thể: “không phải bắt nguồn từ đạo đức trừu tượng, mà phải từ đạo đức của người chiến sĩ cách mạng, đạo đức của quần chúng cách mạng”(8).

Theo V.I.Lênin, những cụm tiêu chí thể hiện đạo đức cách mạng là: trung thành tuyệt đối với Đảng; có tinh thần trách nhiệm và có đức hy sinh cho cách mạng; đoàn kết, thống nhất, thực hiện nghiêm các nguyên tắc của Đảng, chấp hành kỷ luật Đảng, kiên quyết đấu tranh chống các hoạt động bè phái; thể hiện sự gương mẫu trong tất cả các lĩnh vực; không “kiêu ngạo cộng sản”, phải khiêm tốn, ham học hỏi; không được tham ô, hối lộ, không ham địa vị, không lạm quyền, không đặc quyền, đặc lợi; phải thành thật, dũng cảm nhận và quyết tâm sửa chữa sai lầm, khuyết điểm; phòng và chống quan liêu, phải thực hành tiết kiệm, tránh lãng phí.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, tiêu chuẩn tổng quát nhất cho cán bộ cách mạng là phải có cả “đức” và “tài”, trong đó đức là gốc. Hiện nay, tiêu chí đức - tài đối với xây dựng đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị nước ta được diễn đạt bằng nhiều cụm từ khác, chẳng hạn: phải vừa có tâm vừa có tầm; vừa “hồng” vừa “chuyên”, hoặc vừa có phẩm chất vừa có năng lực. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý phải là những người trung thành với cách mạng; thực hiện tốt đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; có đạo đức cách mạng; có năng lực tốt; liên hệ mật thiết với nhân dân; có phong cách công tác tốt.

Chủ nghĩa Mác - Lênin chỉ rõ sự tu dưỡng rèn luyện và đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện cán bộ là công tác trọng yếu của Đảng Cộng sản. V.I.Lênin yêu cầu cán bộ quản lý phải học tập cách quản lý các công việc của nhà nước, thậm chí phải học cả giai cấp tư sản, học tập kinh nghiệm của các chuyên gia tư sản và biết sử dụng họ bằng cách “giao công việc cho họ, nhưng cũng phải theo dõi họ chặt chẽ, đặt họ dưới quyền các chính ủy, ngăn chặn các ý đồ phản cách mạng của họ”(9). Chủ tịch Hồ Chí Minh coi huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng. Người quán triệt quan điểm của V.I.Lênin “Học, học nữa, học mãi” và luôn luôn quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ.

Sự vận dụng của Đảng ta trong xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh

Quán triệt và thực hiện quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, trong những năm qua, Đảng ta luôn quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý. Vấn đề này được Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ:

Một là, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý có đạo đức cách mạng. Hiện nay trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì yếu tố đạo đức cách mạng càng phải là yếu tố gốc. Hơn nữa, trong sự vận hành của quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, quan hệ giữa vấn đề đạo đức cách mạng và vấn đề thực hiện pháp luật của Nhà nước có quan hệ chặt chẽ với nhau. Thực hiện tốt luật pháp cũng tức là có phẩm chất đạo đức cách mạng tốt và ngược lại, chỉ được coi là có đạo đức cách mạng khi người đó thực hiện tốt pháp luật.

Hai là, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý có năng lực tổ chức thực hiện thắng lợi nghị quyết, quy định, chủ trương, pháp luật, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đội ngũ cán bộ phải dám nghĩ, dám làm, thực hiện tốt nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; có tầm trí tuệ cao, có bản lĩnh chính trị vững vàng. Muốn có tầm trí tuệ cao thì phải học tập, học lý luận chính trị và chuyên môn mà cán bộ đó đang đảm nhiệm, chống tư tưởng lười học; học ở nhà trường, học trong thực tế, học hỏi lẫn nhau, học suốt đời, đặc biệt trong thời đại ngày nay.

Ba là, xây dựng đội ngũ cán bộ có phong cách công tác tốt. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, phong cách công tác tốt phải là phong cách gần dân, hiểu dân, vì dân, tức là chống quan liêu, độc đoán, chuyên quyền (mất dân chủ). Người cho rằng, Đảng ta không phải từ trên trời sa xuống, mà là từ trong xã hội mà ra; Đảng không có mục đích tự thân mà mục tiêu của Đảng là vì độc lập cho Tổ quốc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân, vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác trên thế giới, vì văn minh, tiến bộ của nhân loại. Cán bộ phải luôn có tinh thần trách nhiệm chăm lo đời sống của Nhân dân. Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: Cán bộ phải là người tiên phong, tích cực nhất tạo nên uy tín của Đảng, làm cho dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vì niềm tin của dân đối với Đảng, với chế độ chính trị ở nước ta chính là tài sản lớn nhất của Đảng cầm quyền.

Bốn là, tiếp tục đổi mới công tác cán bộ. Công tác cán bộ có vai trò rất quan trọng, mang tính hệ trọng, cần được tiến hành cẩn thận, có hiệu quả, minh bạch, dân chủ, đáp ứng được yêu cầu của từng thời kỳ cách mạng. Do đó, cần làm tốt một số nội dung sau:

Thứ nhất, chú trọng đổi mới việc đánh giá cán bộ. Đây là khâu rất khó trong công tác cán bộ. Đánh giá cần dựa vào thực tế phẩm chất năng lực thực của cán bộ, chứ không thể dựa vào cảm tính của cá nhân, tổ chức đánh giá; đồng thời phải sát với hoàn cảnh, điều kiện của từng tổ chức, từng con người, từng giai đoạn, thời kỳ lịch sử cụ thể.

Thứ hai, rèn luyện, thử thách cán bộ. Cần đưa cán bộ vào thực tế cuộc sống công tác, thậm chí đưa vào những vị trí đòi hỏi cán bộ đó phải được thử thách nhiều. Vì vậy, công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, trong đó có cả việc việc bồi dưỡng qua trường lớp và qua thử thách của công tác luân chuyển để đảm bảo thực chất, tránh hình thức.

Thứ ba, lựa chọn và đề bạt đúng người. Hiện nay trong Đảng vẫn áp dụng các biện pháp dùng tập thể để giới thiệu, đề nghị (để ra quyết định đề bạt, bổ nhiệm nếu theo chế độ thủ trưởng; hoặc giới thiệu để bầu theo chế độ bầu cử). Trong thời kỳ Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo đất nước, với trách nhiệm và tầm nhìn sáng suốt của mình, Người đã giới thiệu để đề bạt, bổ nhiệm, bầu cử được nhiều người có đức - tài vào giữ những vị trí quan trọng trong các cơ quan của bộ máy hệ thống chính trị.

Thứ tư, phải kết hợp cán bộ các lứa tuổi. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường đề cập đến việc phải kết hợp giữa cán bộ già và cán bộ trẻ. Người nhận thấy rõ sở trường và sở đoản của hai loại cán bộ này và chú ý tới việc phải sử dụng thật tốt cả hai loại cán bộ này, bổ sung cho nhau những ưu điểm và khắc phục những hạn chế của từng loại cán bộ.

Thứ năm, phải phòng và chống căn bệnh cục bộ địa phương. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng là một cơ thể sống, do vậy, có thể điều động cán bộ nắm giữ những chức trách trong tổ chức của toàn Đảng, bất kể cán bộ ấy quê quán ở đâu và đang công tác ở lĩnh vực nào, miễn là người đó đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Người quan tâm nhất đến vấn đề kết hợp được cán bộ ở cấp trên điều về và cán bộ tại chỗ; hai loại cán bộ này hỗ trợ, bổ sung cho nhau trong thực thi nhiệm vụ; tránh gây mất đoàn kết, kèn cựa địa vị lẫn nhau.

Trong những năm qua, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận liên quan trực tiếp đến công tác xây dựng Đảng về tổ chức. Việc thực hiện các nghị quyết về xây dựng Đảng, trong đó có việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã từng bước khắc phục tình trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ cấp cao, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; góp phần nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng; khắc phục được một số khuyết điểm trong công tác cán bộ, trong việc thực hiện các nguyên tắc tổ chức của Đảng, nhất là tập trung dân chủ và tự phê bình, phê bình.

Công tác cán bộ được triển khai thực hiện một cách tương đối đồng bộ ở tất cả các khâu, các địa bàn, trong đó coi trọng xây dựng tổ chức cơ sở Đảng, nhất là vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số và các loại hình doanh nghiệp; tăng cường công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ, răn đe, ngăn chặn và xử lý tiêu cực như tình trạng chạy chức, chạy quyền và hàng loạt thứ “chạy” khác; nghiêm trị những cán bộ tham nhũng, tiêu cực theo tinh thần “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”. Nhìn một cách tổng quát bức tranh chung về cán bộ thì đã thấy có tiến bộ đáng kể trong ý thức rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, hăng hái, có trách nhiệm đối với công việc. Đảng ta đã lãnh đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về tổ chức bộ máy, biên chế; giảm đầu mối, giảm cấp trung gian, giảm số lượng cán bộ lãnh đạo, giảm biên chế; cơ cấu lại, từng bước nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy có hiệu lực, hiệu quả trong các hoạt động của Đảng.

Sau 27 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ ba, khóa VIII về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; cả nước ta đang triển khai thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, công tác cán bộ có nhiều tiến bộ, thể hiện rõ nhất là chất lượng được tăng lên một bước, cơ cấu độ tuổi, giới tính, dân tộc, lĩnh vực ngành nghề có sự hợp lý hơn. Tỷ lệ cán bộ lãnh đạo, quản lý dưới 40 tuổi công tác ở các bộ, ban, ngành Trung ương chiếm 6,22%; ở cấp tỉnh là 6,41%; ở cấp huyện dưới 35 tuổi chiếm 6,5%. Tỷ lệ nữ cán bộ lãnh đạo diện Trung ương Đảng quản lý công tác tại địa phương tăng 2 lần trong bốn nhiệm kỳ X, XI, XII, XIII. Trình độ đại học và trên đại học chiếm 7,3% dân số của cả nước (chỉ tiêu mà Chiến lược cán bộ đề ra là 4%). Mỗi kỳ Đại hội Đảng, cấp ủy các cấp đã được bổ sung khoảng 40% là cán bộ mới (chỉ tiêu đề ra trong Chiến lược cán bộ là từ 30-40%)(10).

Đa số cán bộ có lập trường tư tưởng vững vàng, đạo đức trong sáng, có ý thức rèn luyện, phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; nhiều cán bộ năng động, sáng tạo, thích ứng nhanh với xu thế hội nhập, có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế. Đa số cán bộ lãnh đạo, quản lý của Đảng, Nhà nước ở các cấp có năng lực, phẩm chất, uy tín, nhất là cán bộ cấp chiến lược có tư duy đổi mới, có khả năng hoạch định đường lối, chính sách và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện. Hầu hết cán bộ lãnh đạo lực lượng vũ trang được rèn luyện, thử thách qua thực tiễn, trung thành với Đảng, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc. Nhiều cán bộ khoa học tâm huyết, say mê nghiên cứu, có nhiều đóng góp tích cực cho đất nước, một số công trình khoa học có giá trị quốc tế.

Một số lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp nhà nước thích ứng nhanh với cơ chế thị trường, tổ chức sản xuất kinh doanh có hiệu quả, có đóng góp vào sự phát triển kinh tế của đất nước những năm qua. Nhìn tổng quát, trong việc thực hiện Chiến lược cán bộ, các tổ chức đảng đã bám sát các nguyên tắc, quy trình, trong công tác cán bộ của Đảng. Công tác đánh giá cán bộ, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ đã được chú trọng theo hướng dân chủ, công khai, minh bạch. Từ sau Đại hội XI, Đảng đã tiến hành quy hoạch thành viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tổ chức các lớp bồi dưỡng dự nguồn cán bộ cao cấp mở tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; tiến hành bồi dưỡng cập nhật tri thức, kỹ năng mới theo chức danh cán bộ.

Thứ sáu, trong xây dựng cán bộ lãnh đạo, quản lý, phải đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt, cấp chiến lược. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra quan điểm trước hết là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung, có uy tín cao và thực sự tiên phong, gương mẫu, là hạt nhân đoàn kết. Đồng thời, cần xây dựng quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ; thực hiện tốt quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền; xử lý nghiêm minh, đồng bộ kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính và xử lý bằng pháp luật đối với cán bộ có vi phạm, kể cả khi đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo động lực cho cán bộ phấn đấu, toàn tâm, toàn ý với công việc. Coi trọng và làm tốt công tác bảo vệ cán bộ, bảo vệ chính trị nội bộ. Kiên quyết phòng, chống các biểu hiện bè phái, “lợi ích nhóm” và lợi dụng các phương tiện thông tin đại chúng để xuyên tạc sự thật, kích động, gây rối, chia rẽ làm mất đoàn kết nội bộ.

Có thể thấy, cán bộ cấp chiến lược phải có những tố chất đặc biệt vượt trội như: 1) Có tư duy sáng tạo, hiểu và nắm bắt được quy luật vận động của sự vật hiện tượng, cả trong tự nhiên và xã hội; 2) Từ hệ quả của tố chất trên đây, họ là những người tinh thông lý luận và có khả năng đúc kết thực tiễn và chính họ là những nhân tố góp phần bổ sung và phát triển lý luận; 3) Có khả năng đặc biệt hơn những người khác ở chỗ có tài tổ chức thực hiện cương lĩnh, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, biến những điều nêu trong cương lĩnh, đường lối, chính sách thành hiện thực trong cuộc sống, tức là biến những điều có thể thành những cái thực tế; 4) Có năng lực giải quyết tốt những cặp quan hệ: cá nhân - tập thể, cái riêng - cái chung, quan hệ bộ phận - tổng thể, dân tộc - quốc tế; 5) Là những người năng động vượt bậc, quyền biến vạn hóa, luôn luôn “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, có bản lĩnh kiên trung; 6) Là những người biết dùng người, biết bố trí sắp xếp những cán bộ để phát huy sở trường, biết tập hợp sự đoàn kết, thống nhất trong mỗi cơ quan, đơn vị.

Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, Đảng ta đang đứng trước những nhiệm vụ rất nặng nề và cũng rất vinh quang. Vì vậy, vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp cần được chú trọng và được lựa chọn một cách sáng suốt vào vị trí lãnh đạo các cấp, đặc biệt là lãnh đạo, quản lý cấp cao. Hơn lúc nào hết, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta càng cần phải ghi nhớ lời nhắc nhở của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”(11)./.

--------------------------

Ghi chú:

(1), (2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.309, tr.280.

(3) V.I.Lênin, Toàn tập, tập 53, Nxb CTQG-ST, H.2005, tr.127.

(4) Sđd, tập 41, tr.474.

(5) Sđd, tập 54, tr.235.

(6) Sđd, tập 40, tr.257.

(7) Sđd, tập 37, tr.109.

(8), (9) Sđd, tập 38, tr.95, tr.7-8.

(10) Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX đổi mới 42%, khóa X – 54,7%, khóa XI – 47% và khóa XII – 48%.

(11) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 15, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.672.

 

GS.TS Mạch Quang Thắng - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

Theo: https://tcnn.vn/

平均 (0 投票)

 

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

アクセス中: 19,736
1日当たりのページのアクセス回数: 8,872
1週間当たりののページのアクセス回数: 83,664
1か月当たりのページのアクセス回数: 233,831
1年間当たりのページのアクセス回数: 2,144,302
ページのアクセス回数 : 81,359,149