Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nền báo chí cách mạng ở nước ta hiện nay

|
ページビュー:
font-size: A- A A+

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là người khai sinh nền báo chí cách mạng Việt Nam, mà Người cũng là một nhà báo xuất sắc của nền báo chí ấy. Người đã để lại cho chúng ta di sản vô cùng quý báu, đó là một hệ thống tư tưởng, quan điểm chỉ đạo sâu sắc về lý luận và nghiệp vụ báo chí cách mạng, tạo nền tảng vững chắc để phát triển báo chí cách mạng Việt Nam. Vì vậy, việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng để tiếp tục xây dựng và phát triển nền báo chí cách mạng Việt Nam đáp ứng yêu cầu là hết sức cấp thiết đối với các cơ quan báo chí và đội ngũ nhà báo trong giai đoạn hiện nay.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng

Đối với mỗi người dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là một vị lãnh tụ lỗi lạc, Danh nhân Văn hóa thế giới, mà Người còn là nhà báo vĩ đại, ngòi bút sắc sảo, giàu tính chiến đấu, phong cách mẫu mực, phản ánh chân thực, sinh động cuộc sống, có tính giáo dục cao. Phong cách làm báo của Người đã ghi đậm dấu ấn cho nền báo chí cách mạng Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây và trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Nhờ đó, báo chí đã thực sự là vũ khí sắc bén truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, lên án chủ nghĩa thực dân, đế quốc, cổ vũ, động viên toàn dân tham gia sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Nhà báo cách mạng Hồ Chí Minh đã trở thành biểu tượng sáng ngời về tinh thần chiến đấu, tính trung thực, cách thể hiện ngắn gọn, súc tích và mang tính nhân văn cao cả. Đó là nét rất riêng, độc đáo, sáng tạo trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về báo chí, mãi mãi là tấm gương sáng để những người làm báo học tập và noi theo.

Trong cuộc đời làm báo của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết hàng nghìn bài báo, đủ các thể loại, dịch ra nhiều thứ tiếng, với hàng trăm bút danh, đăng trên nhiều ấn phẩm ở trong nước và nước ngoài. Dù ở thể loại nào, các bài viết của Người cũng đều toát lên tính trung thực, phản ánh đúng hiện thực khách quan, bản chất sự việc, phân biệt rõ đúng sai, không “tô hồng”, “bôi đen”, phiến diện, một chiều. Đây chính là phẩm chất cao đẹp của đạo đức nghề nghiệp và là gốc của một nhà báo cách mạng, người làm báo chân chính. Tính trung thực trong tư tưởng Hồ Chí Minh về làm báo còn được thể hiện ở việc Người không chỉ nói cái tốt, cái thành công, mà còn chỉ ra những thói hư, tật xấu, tính ích kỷ, bệnh quan liêu, mệnh lệnh và cả những việc chưa thành công để tìm biện pháp khắc phục. Người cho rằng: “Không nên chỉ viết cái tốt mà giấu cái xấu. Nhưng phê bình phải đúng đắn. Nêu cái hay, cái tốt, thì phải có chừng mực, chớ phóng đại. Có thế nào nói thế ấy. Bộ đội và nhân dân ta cũng đủ nhiều cái hay để nêu lên, không cần phải bịa đặt ra”(1); “nói có sách, mách có chứng”(2); chỉ rõ cái việc ấy ở đâu, thế nào, ngày nào, nó sinh ra thế nào, phát triển thế nào, kết quả thế nào,... Những bài báo của Hồ Chí Minh đã đau cùng nỗi đau của những người lầm than, nô lệ dưới ách nô dịch của kẻ thù xâm lược; vui cùng niềm vui của Nhân dân khi được hưởng cuộc sống hòa bình trong xã hội mới; day dứt trước những bất công, phê phán hủ tục, tệ nạn; vũ khí sắc bén vạch tội, tấn công kẻ thù, “thắp lửa” cho quần chúng nhân dân vùng lên đấu tranh, “phò chính, trừ tà”, nên có sức cảm hóa, thuyết phục mạnh đối với bạn đọc. Bởi thế, các bài báo của Người luôn có tính Đảng, tính chiến đấu, tính định hướng rất cao.

Để có được những bài viết đó, Hồ Chí Minh yêu cầu tất cả những người làm báo phải “có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được”(3); phải nâng cao trình độ văn hóa, đi sâu vào nghiệp vụ, gần gũi quần chúng, chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết - coi đây là nguyên tắc hàng đầu phải tuân thủ. Đồng thời, phải xác định đúng đối tượng, mục đích, cách viết. Người chia sẻ: “Muốn tiến bộ, muốn viết hay, thì phải cố gắng học hỏi, ra công rèn luyện. Kinh nghiệm của tôi là thế này: Mỗi khi viết một bài báo, thì tự đặt câu hỏi: Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn dễ đọc? Khi viết xong, thì nhờ anh em xem và sửa giùm”(4).

Dù đối tượng cụ thể đó là ai thì họ vẫn là Nhân dân, là quần chúng cách mạng nên tính quần chúng là điều báo chí phải hết sức coi trọng. Bởi thế, trong các bài báo, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết đều hết sức ngắn gọn, cô đọng, súc tích, văn phong giản dị, dễ hiểu, dễ đi vào lòng người, không dài dòng, sáo rỗng. Tuy nhiên, ngắn gọn không có nghĩa là “cụt lủn” mà là “gọn gàng, sáng sủa, mạch lạc, có đầu, có đuôi, có nội dung thiết thực, thấm thía, chắc chắn”, “chớ lạm dụng chữ”, “đánh đố quần chúng”, “Viết sao cho giản đơn, dễ hiểu, thiết thực. Sao cho mỗi đồng bào, mỗi chiến sĩ đều đọc được, hiểu được, nhớ được, làm được”(5),... Cách viết như vậy là biểu hiện đặc trưng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí, vừa đậm đà tính dân tộc, vừa giàu tính hiện đại, vừa chứa chan tính quần chúng, vừa hừng hực tinh thần chiến đấu, có giá trị lý luận và thực tiễn cao, đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Thực trạng hoạt động báo chí ở nước ta hiện nay

Quán triệt và cụ thể hóa tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng, thời gian qua, các cơ quan báo chí và những người làm báo của nền báo chí cách mạng Việt Nam đã phát huy được thế mạnh, đảm bảo thông tin nhanh nhạy, chân thực, khách quan, chính xác, kịp thời, sinh động mọi mặt của đời sống xã hội theo đúng định hướng và tôn chỉ, mục đích; khởi phát nhiều phong trào mang ý nghĩa nhân văn, khơi dậy truyền thống, niềm tự hào dân tộc. Báo chí luôn là công cụ sắc bén tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phản ánh sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc; đồng thời, là cầu nối, kịp thời phản ánh những tâm tư, nguyện vọng, những nhu cầu cấp thiết của Nhân dân.

Các cơ quan báo chí, các nhà báo cách mạng hiện nay đã thể hiện được lòng trung thành với Đảng, Tổ quốc và Nhân dân, luôn tu dưỡng, rèn luyện theo tinh thần “bút sắc, lòng trong, tâm sáng”; phát hiện, biểu dương những nhân tố mới, điển hình tiên tiến; tích cực đấu tranh chống lại những thói hư, tật xấu, tiêu cực trong đời sống xã hội. Qua thực tiễn, ngày càng xuất hiện nhiều nhà báo yêu nghề, sâu sát với cơ sở, vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo, sáng tạo ra những tác phẩm tốt, mang lại hiệu quả chính trị - xã hội cao, góp phần quan trọng tạo sự đồng thuận trong nhân dân, củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ, tạo động lực quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Tuy nhiên, trong quá trình quản lý, tác nghiệp, có một bộ phận cơ quan báo chí, nhà báo không bám sát tôn chỉ, mục đích, xa rời thực tiễn, vi phạm phẩm chất đạo đức nghề nghiệp,… nên đã có những bài viết phản ánh thông tin thiếu trung thực, thiếu chính xác, làm ảnh hưởng đến uy tín, vị thế của báo chí cách mạng Việt Nam. Nhiều bài viết phản ánh một chiều mặt trái của xã hội, chưa quan tâm đúng mức đến việc phát hiện, biểu dương nhân tố tích cực, điển hình tiên tiến trong các phong trào hành động cách mạng. Một số bài báo còn dài, không rõ tính mục đích, tính định hướng, sa vào khuynh hướng “thương mại hóa”, chạy theo thị hiếu tầm thường. Thậm chí, có những bài báo đưa tin còn sơ hở, thiếu sót, tạo điều kiện cho các thế lực thù địch lợi dụng, khai thác, xuyên tạc chống phá Đảng và Nhà nước ta; công tác đấu tranh, phản bác các thông tin và luận điệu sai trái, thù địch chưa thật sắc bén, tính thuyết phục chưa cao,...

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào xây dựng nền báo chí cách mạng ở nước ta hiện nay

Một là, đề cao tính Đảng, tính chiến đấu, tính định hướng của báo chí.

Đây là đặc trưng nổi bật trong tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng, đồng thời là cơ sở để phân biệt báo chí cách mạng với báo chí phản cách mạng. Người cho rằng, báo chí chỉ đúng về chính trị khi nó làm chủ; dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và được lãnh đạo bởi một đảng mang bản chất của giai cấp công nhân và gắn bó mật thiết với dân tộc, với Nhân dân. Báo chí ở nước ta không phải để cho một số ít người xem, mà để phục vụ Nhân dân, để tuyên truyền giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ. Do đó, Đảng phải lãnh đạo báo chí. Nguyên tắc bất di, bất dịch ấy được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định từ rất sớm: “Ban Chấp hành Trung ương phải kiểm soát các báo chí của Đảng để tránh những khuyết điểm về kỹ thuật và chính trị”(6).

Cùng với đó, báo chí phải đi tiên phong trong đấu tranh không khoan nhượng với những gì đi ngược lại quy luật của lịch sử, vạch trần tính chất phản động, giả dối, bịp bợm của các thế lực thù địch: “Đối với những người viết báo chúng ta, cái bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng để động viên quần chúng đoàn kết đấu tranh, chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới, chống chủ nghĩa đế quốc, đứng đầu là đế quốc Mỹ, vì độc lập dân tộc, tiến bộ xã hội và hòa bình thế giới”(7). Tính chiến đấu không chỉ nhằm tiến công vào kẻ thù của cách mạng, mà còn biểu dương những tấm gương tiêu biểu trong chiến đấu và lao động để cổ vũ mọi người hăng hái tham gia cách mạng. Người yêu cầu: “Các báo chí và văn nghệ phải điều tra tuyên truyền, khen ngợi những ưu điểm và phê bình những khuyết điểm… thiết thực góp phần vào phong trào thi đua ái quốc”(8) và đề nghị báo chí nên có mục “Ý kiến bạn đọc” và coi đó là những ý kiến đấu tranh, vì “Phê bình và tự phê bình là vũ khí rất cần thiết và rất sắc bén, nó giúp chúng ta sửa chữa sai lầm và phát triển ưu điểm. Vì khéo lợi dụng nó mà Đảng ta và dân ta ngày càng tiến bộ. Đối với báo chí cũng vậy”(9).

Hai là, giải quyết triệt để mâu thuẫn giữa số lượng sản phẩm và chất lượng thông tin.

Vấn đề cấp bách đặt ra cho báo chí hiện nay là phải giải quyết sự bất hợp lý và thiếu cân xứng giữa thông tin tích cực và thông tin tiêu cực, giữa báo chính thống và mạng xã hội. Người làm báo gặp áp lực rất lớn khi các cơ quan báo chí và mạng xã hội trong việc “cạnh tranh” đưa thông tin đến với công chúng. Trong các loại hình truyền thông internet, mạng xã hội đã và đang phát triển một cách nhanh chóng, hiệu quả, được nhiều người sử dụng, yêu thích. Vì vậy, mạng xã hội ngày càng quan trọng trong đời sống xã hội hiện tại, ở một góc độ nào đó, mạng xã hội đã có ảnh hưởng tích cực như: thông tin nhanh, phong phú, đa chiều; cung cấp thông tin bằng chữ viết, hình ảnh, âm thanh và được chia sẻ rộng rãi, tạo nên một lực lượng đưa tin hùng hậu. Mạng xã hội là nguồn cung cấp thông tin cho báo chí, nhiều vấn đề, sự kiện xuất hiện đầu tiên từ mạng xã hội, sau đó mới xuất hiện trên báo chí; thông qua mạng xã hội báo chí có cách tiếp cận thông tin linh hoạt hơn, nắm bắt phản hồi của độc giả để báo chí có sự điều chỉnh phù hợp.

Tuy nhiên, ngoài mặt tích cực, mạng xã hội cũng tạo ra không ít những ảnh hưởng tiêu cực như: thông tin trên mạng xã hội mang tính cá nhân, thiếu kiểm chứng, thậm chí với mục đích xuyên tạc, lừa đảo, tung tin giả mạo để lôi kéo sự chú ý, các cơ quan báo chí không kiểm chứng thông tin sẽ dẫn đến sai sự thật, gây tác hại xấu đến dư luận xã hội hoặc ảnh hưởng đến uy tín tờ báo. Báo chí có nguy cơ bị mạng xã hội vượt mặt trong việc cung cấp thông tin đến độc giả, có lúc lấn át báo chí về độ nhanh nhạy, cập nhật thông tin, sự quan tâm của độc giả, đặc biệt là các vấn đề, vụ việc nhạy cảm, phức tạp. Một nguy cơ nữa của mạng xã hội đối với báo chí là báo chí bị sụt giảm lượng người đọc và khả năng tương tác, từ đó làm giảm lượng phát hành, quảng bá thông tin, xâm lấn tới vai trò của báo chí và làm cho kinh tế báo chí bị ảnh hưởng.

Do đó, vấn đề đặt ra cấp bách hiện nay là các cơ quan báo chí phải xây dựng, tập hợp lực lượng nhà báo có tâm, có tầm để viết những bài báo trí tuệ, sắc sảo, đầy đủ cơ sở pháp lý và thực tiễn để tuyên truyền chính sách, đồng thời gợi mở vấn đề chính sách. Đấu tranh có hiệu quả chống những quan điểm sai trái, thù địch, khắc phục tình trạng thông tin đơn điệu, một chiều, thiếu hấp dẫn. Mặc dù các báo đã đưa tin, bài tuyên truyền nhanh chóng, chính xác, khách quan, trung thực đến Nhân dân những vấn đề thời sự, bảo đảm đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhưng nội dung còn khô cứng, phản ánh một chiều, thậm chí mang tính công thức - trích dẫn văn bản, thông tin mà các báo đăng tải chủ yếu là tin tức sơ lược, văn bản; một số tờ báo còn thiếu chủ động, không đăng tải các bài phân tích, bình luận, giải thích về các chủ trương, chính sách để định hướng dư luận... Đó là thái độ thiếu ý thức chính trị, thiếu trách nhiệm trong khai thác và truyền tải thông tin, gây nhiễu thông tin, dẫn đến sự nghi ngờ, hoang mang trong công chúng.

Điều đó đòi hỏi các cơ quan báo chí phải đổi mới mạnh mẽ theo hướng đa phương tiện, đồng thời truyền phát thông tin trên các phương tiện khác nhau; hình thức đưa tin phải đa dạng, phong phú nhưng thông tin phải ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ; đối với báo in và tạp chí, thông tin phải đảm bảo sâu sắc, lý lẽ thuyết phục, chứng cứ đầy đủ, tin cậy, từ đó giúp bạn đọc nhận biết bản chất cốt lõi, khách quan, toàn cảnh của thông tin để có nhận thức sâu hơn, đúng đắn hơn về sự việc xảy ra. Để làm được vấn đề này người làm báo phải có kỹ năng tác nghiệp cao, tư duy lôgic, tư duy phản biện, tư duy phân tích chuyên sâu trên nền tảng kiến thức, hiểu biết xã hội toàn diện, sâu sắc.

Ba là, đề cao tính trung thực trong tác nghiệp báo chí.

Đây là phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, nền tảng của người làm báo, vì vậy khi viết bài, nhà báo phải phản ánh trung thực, tôn trọng sự thật, không làm sai lệch thông tin hoặc chạy theo lợi nhuận mà đưa những thông tin “giật gân” để câu khách, “xào xáo” những thông tin có sẵn để viết bài. Mọi thông tin đưa ra công luận phải phản ánh đúng bản chất sự thật khách quan, cung cấp cho công chúng hình ảnh chân thực về sự kiện và tình huống được thông tin, thông qua đó hướng dẫn, định hướng dư luận. Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng, cần bám sát cơ sở, thực tiễn xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân; thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới; tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu văn hóa lành mạnh của nhân dân, bảo vệ và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Coi trọng đúng mức việc phát hiện, biểu dương các nhân tố mới, điển hình tiên tiến; có quan điểm đúng - sai rõ ràng, không thổi phồng thành tích cũng như phản ánh không đúng mức những khó khăn, khuyết điểm của cá nhân, tập thể,...

Bốn là, xác định đúng đối tượng, mục đích để lựa chọn cách viết cho phù hợp, thiết thực và hiệu quả.

Trong quá trình tác nghiệp, người viết báo phải tuân thủ tôn chỉ, mục đích, nắm được đối tượng cả về trình độ, tâm tư, nguyện vọng và phải luôn tự hỏi: Viết cho ai xem? Nói cho ai nghe? Có như vậy, người viết mới xác định đúng nội dung, hình thức thể hiện, cách diễn đạt tối ưu, phù hợp với lối sống, trình độ học vấn, kiến thức, truyền thống văn hóa cũng như yêu cầu, đặc điểm riêng của từng đối tượng. Đồng thời, xác định đúng mục đích của bài viết là để tuyên truyền, giải thích, cổ động, phê bình, để phục vụ quần chúng. Do đó, báo chí không thể tách rời các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; báo chí phải đi sâu vào quần chúng nhân dân, điều tra, dẫn chứng cụ thể, rõ ràng nhằm trang bị chất liệu phong phú, trung thực trong quá trình tác nghiệp. Xác định đúng đối tượng, mục đích cũng là biện pháp khắc phục được tình trạng “thương mại hóa”, vì lợi ích kinh tế tầm thường mà bỏ qua giá trị tốt đẹp, chức năng cơ bản của báo chí, có những bài viết gây dư luận nhiều chiều, ảnh hưởng đến sự đồng thuận xã hội và niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, chế độ.

Trên cơ sở đó, mỗi nhà báo phải học cách viết sao cho lối hành văn ngắn, gọn, cô đọng, súc tích, sức thuyết phục cao. Để làm được điều đó, bên cạnh việc học tập, đào tạo cơ bản, mỗi nhà báo, nhất là những người mới vào nghề cần phải tích cực, tự giác học tập, rèn luyện, kiên trì, nhẫn nại và đặc biệt là phải tâm huyết với nghề, tận tâm với công việc. Tuy nhiên, để viết một bài báo ngắn, đủ nội dung cần truyền tải không phải dễ, mà đòi hỏi người viết phải “lao tâm, khổ tứ”, viết đi viết lại nhiều lần, tham khảo ý kiến đóng góp của đồng nghiệp, cẩn thận, tỉ mỉ trước khi đăng,... Đồng thời, phải am hiểu sâu sắc nội dung, lập đề cương rõ ràng, mạch lạc, sắp xếp sự kiện, con số khoa học, chặt chẽ và phải kiên trì rèn luyện cách viết ngắn.

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng là yêu cầu cấp thiết đối với các cơ quan báo chí và đội ngũ nhà báo trong xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam hiện nay. Thực hiện tốt điều đó, không chỉ là cơ sở để xây dựng đội ngũ nhà báo vững mạnh, góp phần đưa sự nghiệp báo chí nước nhà phát triển tương đồng với báo chí quốc tế trong quá trình hội nhập, mà còn thể hiện lòng tôn kính với Chủ tịch Hồ Chí Minh./.

--------------------------

Ghi chú:

(1),(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 8, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.206, tr.208.

(3) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.166.

(4),(9) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 13, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.465, tr.464.

(5) Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 6, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.165.

(6) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 3, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.168.

(7) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 14, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.540.

(8) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.405.

 

ThS Nguyễn Viết Tiến - Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

 

Theo: https://tcnn.vn/

平均 (0 投票)

 

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

アクセス中: 8,580
1日当たりのページのアクセス回数: 6,882
1週間当たりののページのアクセス回数: 6,881
1か月当たりのページのアクセス回数: 292,892
1年間当たりのページのアクセス回数: 2,622,910
ページのアクセス回数 : 81,837,757