Một số địa phương có dấu hiệu chần chừ, chưa thực sự quyết liệt sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã

|
查看数次:
font-size: A- A A+

Ngày 23/5/2024, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã thông tin thêm về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025.

​​​​Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: Hoàng Hà

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ đặc biệt quan tâm, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm để chuẩn bị cho Đại hội lần thứ XIV của Đảng.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà ghi nhận nhiều địa phương triển khai rất tích cực và hiện có 10 địa phương gửi đề án về Bộ Nội vụ để tổ chức thẩm định và trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết để thực hiện sắp xếp. Điển hình là tỉnh Nam Định thực hiện rất quyết liệt và sắp xếp rất ổn định, có nhiều cơ chế, chính sách thuận lợi để giải quyết vấn đề cán bộ, công chức, viên chức, tài sản dôi dư. Dự kiến Nam Định giảm số lượng cấp xã khoảng 50 đơn vị.

Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, với việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã hiện nay, có 4 địa phương có số lượng sắp xếp rất lớn là Hải Phòng, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Nghệ An. Đồng thời lưu ý, một số địa phương có dấu hiệu chần chừ, chậm chạp, chưa thực sự quyết tâm, quyết liệt trong vấn đề này. Bên cạnh đó, một số địa phương chỉ dựa trên cơ sở là các cơ chế, chính sách của Trung ương chứ không có nghị quyết riêng căn cứ vào thực tiễn của địa phương để giải quyết dôi dư và phương án sắp xếp các tài sản, tài chính dôi dư.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng cho biết, đến thời điểm này, xử lý về tài sản dôi dư còn tồn đọng khoảng 50% của giai đoạn trước là rất lớn. Còn cán bộ, công chức dôi dư xử lý rất ổn, cơ bản giải quyết triệt để và còn lại khoảng 8% trên tổng số rất lớn.

Hiện nay nhiều nơi đang vướng mắc về quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch đô thị. Bởi nhiều địa phương gắn việc sắp xếp với thành lập đơn vị hành chính đô thị nên vướng với quy hoạch đô thị theo các quy định. Vì vậy, Chính phủ đang đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tháo gỡ vấn đề này.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đang đánh giá, phân loại đơn vị hành chính đô thị sau sắp xếp. Bởi nhiều đơn vị nông thôn sắp xếp với đô thị và nhiều đơn vị đô thị của thị xã sắp xếp với đơn vị thành phố.

Tại văn bản số 104-TLTK/BDVTW, ngày 17/5/2024, Ban Dân vận Trung ương cho biết, nhiều cấp ủy, chính quyền phản ánh những khó khăn hiện nay: Đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã ở các địa phương đa số đều có tuổi đời còn trẻ, có nguyện vọng cống hiến lâu dài, trong khi khung vị trí việc làm tại cấp xã; phòng, ban chuyên môn cấp huyện cơ bản đã bố trí đủ nên rất khó để sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư. Mặt khác, hiện còn khá nhiều trụ sở làm việc của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện sắp xếp chưa được bố trí, sử dụng hiệu quả dẫn đến giá trị tài sản bị giảm sút, lãng phí, thất thoát cho ngân sách nhà nước.

Về phía cán bộ, công chức trong diện phải sắp xếp cho rằng: chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã khi thực hiện chế độ thôi việc hiện nay chưa thực sự phù hợp, chưa thỏa đáng. Người lao động sau thôi việc sẽ rất khó để ổn định đời sống, tạo việc làm mới... Các chuyên gia cho rằng: việc sắp xếp cần có một cơ chế, tiêu chí cụ thể, thống nhất để phân định rõ ai là người có đủ năng lực phù hợp với yêu cầu công tác mới khi sáp nhập. Việc sắp xếp nhân sự cũng cần gắn cả với công tác chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng sắp tới./.

 

Theo: https://tcnn.vn/

平均 (0 票)