Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi)

|
查看数次:
font-size: A- A A+

Sáng 24/5/2024, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi).

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi). Ảnh: Đ.Khoa

Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi), Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm có 08 chương, 65 điều, đã bám sát mục tiêu, quan điểm đề ra khi xây dựng dự án Luật, kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng, khắc phục những bất cập, hạn chế trong quá trình thực hiện Luật Lưu trữ năm 2011.

Qua đó, góp phần bảo đảm tốt hơn quyền tiếp cận thông tin của công dân theo quy định của Hiến pháp, đồng thời, thực hiện định hướng đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động lưu trữ, xây dựng một xã hội lưu trữ.

Về lưu trữ tài liệu điện tử, một số ý kiến đề nghị quy định lộ trình thực hiện lưu trữ điện tử phù hợp với khả năng nguồn lực và lồng ghép nội dung lưu trữ điện tử vào các quy định có liên quan; có ý kiến đề nghị đối với tài liệu số lưu trữ vĩnh viễn thì in ra và đưa vào kho lưu trữ.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, việc quản lý, khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ số là yêu cầu khách quan, cần thiết để xây dựng Chính phủ số, xã hội số. Tuy nhiên, để phù hợp với thực tế công tác lưu trữ (hiện vẫn chủ yếu là lưu trữ tài liệu giấy), nhất là khả năng đáp ứng của nguồn lực để bảo đảm tính khả thi, dự thảo Luật được thiết kế theo hướng quy định việc lưu trữ tài liệu giấy song song với lưu trữ tài liệu số và việc chuyển đổi từ lưu trữ tài liệu giấy sang lưu trữ tài liệu số được thực hiện theo lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử và định hướng Chính phủ số, chính quyền số.

Đồng thời, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, kết cấu của dự thảo Luật được chỉnh lý không quy định chương riêng về lưu trữ điện tử mà lồng ghép vào chương mới về nghiệp vụ lưu trữ với 3 mục: 1) Quy định chung về nghiệp vụ lưu trữ; 2) Nghiệp vụ lưu trữ tài liệu giấy và trên các vật mang tin khác; 3) Nghiệp vụ lưu trữ tài liệu điện tử, nhằm vừa bảo đảm tính thống nhất trong nghiệp vụ lưu trữ, vừa bảo đảm các quy định được rõ ràng, đầy đủ hơn cho từng loại hình tài liệu lưu trữ và giúp cho việc tổ chức thực hiện được dễ dàng, thuận lợi.

Bên cạnh đó, Điều 22 của dự thảo Luật đã quy định lập tài liệu lưu trữ dự phòng đối với tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt và tài liệu lưu trữ vĩnh viễn có nguy cơ bị hỏng nặng, do đó đề nghị không bổ sung quy định về chuyển tài liệu số sang tài liệu giấy để lưu trữ.

Về hoạt động dịch vụ lưu trữ, có ý kiến đề nghị quy định cụ thể điều kiện kinh doanh trong Luật. Ý kiến khác đề nghị đánh giá kỹ sự cần thiết, không quy định hoạt động dịch vụ lưu trữ là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Giải trình vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, hoạt động dịch vụ lưu trữ là hoạt động mang tính chuyên môn, nghiệp vụ chuyên sâu, liên quan đến tài liệu lưu trữ là tư liệu lịch sử của quốc gia, chứa đựng nhiều thông tin quan trọng về hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân, do đó cần có sự quản lý chặt chẽ.

Mặc dù Luật Đầu tư hiện hành không quy định hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trữ là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, tuy nhiên, Điều 36 của Luật Lưu trữ hiện hành đã quy định tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ lưu trữ phải đáp ứng các điều kiện nhất định, thực chất là điều kiện đầu tư kinh doanh. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cho giữ quy định hoạt động dịch vụ lưu trữ là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện như Chính phủ trình; đồng thời, bổ sung vào dự thảo Luật một số quy định cụ thể về điều kiện đầu tư kinh doanh để bảo đảm minh bạch và giao Chính phủ quy định chi tiết một số điều kiện có tính kỹ thuật, chuyên ngành về lưu trữ.

Về bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, có ý kiến đề nghị rà soát tiêu chí xác định tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt để tránh trùng lắp với tiêu chí xác định bảo vật quốc gia; bổ sung quy định cụ thể về tài liệu lưu trữ được công nhận là bảo vật quốc gia bảo đảm thống nhất với Luật Di sản văn hóa.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ, trên cơ sở kế thừa một số quy định về tài liệu lưu trữ quý, hiếm của Luật Lưu trữ hiện hành (Điều 26), tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, các cơ quan đã phối hợp rà soát kỹ lưỡng nội hàm của từng tiêu chí xác định tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt, bảo đảm tính toàn diện và phù hợp với tính chất của tài liệu lưu trữ.

Theo đó, tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt phải đáp ứng một trong các tiêu chí về nội dung quy định tại khoản 2 và một trong các tiêu chí về hình thức, xuất xứ quy định tại khoản 3 Điều 38 của dự thảo Luật; phân định rành mạch với tiêu chí xác định bảo vật quốc gia (phải đáp ứng đầy đủ 03 tiêu chí quy định tại khoản 1 Điều 41a của Luật Di sản văn hóa).

Đối với ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị quy định cụ thể về tài liệu lưu trữ được công nhận là bảo vật quốc gia, bảo đảm thống nhất với Luật Di sản văn hóa, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, tài liệu lưu trữ là đối tượng điều chỉnh của Luật Lưu trữ nên việc thực hiện các nghiệp vụ lưu trữ, trong đó có hoạt động bảo vệ, bảo quản và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ trước hết phải tuân thủ quy định của Luật Lưu trữ.

Trường hợp tài liệu lưu trữ được công nhận là bảo vật quốc gia thì ngoài việc thực hiện theo quy định của Luật Lưu trữ, còn phải tuân thủ quy định của Luật Di sản văn hóa. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan có liên quan rà soát các quy định về quản lý, bảo quản, khai thác, sử dụng và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt với các quy định tương ứng về bảo vật quốc gia trong Luật Di sản văn hóa hiện hành và dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) để chỉnh lý Điều 3 của dự thảo Luật.

Theo đó, bổ sung khoản 2 vào Điều 3 của dự thảo Luật với nội dung “Trường hợp tài liệu lưu trữ được công nhận là bảo vật quốc gia hoặc công nhận, ghi danh hình thức khác theo quy định của Luật Di sản văn hóa và luật khác có liên quan thì ngoài việc thực hiện theo quy định của Luật này, còn phải thực hiện theo quy định của Luật Di sản văn hóa và luật khác có liên quan. Trường hợp mang tài liệu lưu trữ được công nhận là bảo vật quốc gia ra nước ngoài phải có quyết định của Thủ tướng Chính phủ”.

Đại biểu Quốc hội Cầm Thị Mẫn. Ảnh: Q.Hương

Tham gia góp ý dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi), đại biểu Cầm Thị Mẫn, đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cơ bản tán thành với nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi). Đồng thời nhất trí rằng dự thảo Luật đã bám sát các chính sách lớn được Quốc hội thông qua; khắc phục được những bất cập, hạn chế của Luật Lưu trữ hiện hành và kịp thời thể chế hóa các chủ trương của Đảng về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số...

Nhằm làm rõ hơn một số vấn đề trong dự thảo Luật, đại biểu Quốc hội Cầm Thị Mẫn tham gia một số ý kiến cụ thể đó là:

Về giải thích từ ngữ, khoản 2 và khoản 3 Điều 2 quy định: “2. Tài liệu là thông tin gắn liền với vật mang tin có nội dung và hình thức thể hiện không thay đổi khi chuyển đổi vật mang tin. Tài liệu gồm tài liệu giấy, tài liệu trên vật mang tin khác và tài liệu điện tử. 3. Tài liệu giấy, tài liệu trên các vật mang tin khác là tài liệu tạo lập trên giấy, trên các vật mang tin khác”.

Theo đại biểu, cách giải thích từ ngữ như trên còn gây khó hiểu, khó xác định; bởi lẽ ở đây xuất hiện 2 thuật ngữ: “vật mang tin” và “vật mang tin khác”. Tuy nhiên, dự thảo Luật không có giải thích “vật mang tin” là vật gì để từ đó làm phương pháp loại trừ và xác định “vật mang tin khác”.

Bên cạnh đó, nghiên cứu nội dung giải thích từ ngữ tại khoản 2, khoản 3 cho thấy sự bất cập: Nếu giải thích từ ngữ như khoản 2 thì có thể hiểu có 3 dạng tài liệu: một là tài liệu giấy, hai là tài liệu điện tử và ba là tài liệu trên vật mang tin khác. Tuy nhiên khoản 3 chỉ nêu “tài liệu giấy và tài liệu trên các vật mang tin khác”. Như vậy, tài liệu điện tử có phải là một dạng tài liệu trên vật mang tin khác không?

Đại biểu Quốc hội Cầm Thị Mẫn đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung khái niệm “vật mang tin”, đồng thời thể hiện lại cách giải thích từ ngữ tại khoản 3 Điều 2 cho rõ nghĩa hơn, để từ đó định hình được “vật mang tin khác” là những loại vật mang tin nào.

Về quy định chứng chỉ hành nghề lưu trữ, đại biểu Cầm Thị Mẫn đề xuất chỉnh sửa 2 vấn đề:

Một là, điểm a khoản 1 Điều 55 quy định Bộ Nội vụ có thẩm quyền trong cấp, cấp lại, thu hồi Chứng chỉ hành nghề lưu trữ, cụ thể là: “a) Bộ Nội vụ hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra việc quản lý hoạt động dịch vụ lưu trữ trong phạm vi toàn quốc; cấp, cấp lại, thu hồi Chứng chỉ hành nghề lưu trữ; giải quyết khiếu nại, tố cáo về hoạt động dịch vụ lưu trữ và việc cấp, sử dụng và quản lý Chứng chỉ hành nghề lưu trữ”.

Trong khi đó, Khoản 1 Điều 56 cũng quy định: “1. Chứng chỉ hành nghề lưu trữ do Bộ Nội vụ cấp cho cá nhân có đủ trình độ chuyên môn và các điều kiện theo quy định của pháp luật để thực hiện kinh doanh dịch vụ lưu trữ”. Theo đó, nữ đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa đề nghị nghiên cứu điều chỉnh theo hướng quy định về thẩm quyền này tập trung vào Điều 55 hoặc Điều 56.

Hai là, tán thành dự thảo Luật đã nâng quy định cấp Chứng chỉ hành nghề lưu trữ lên Bộ Nội vụ cấp thay vì Giám đốc Sở Nội vụ (theo quy định tại Nghị định số 01/2013/NĐ-CP ngày 03/01/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lưu trữ). Dự thảo Luật cũng đã sửa đổi Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện tại Luật Đầu tư là rất phù hợp.

Tuy nhiên, tại quy định về chuyển tiếp (khoản 5 Điều 65 của dự thảo Luật) thì: “5. Chứng chỉ hành nghề lưu trữ được cấp theo quy định của Luật Lưu trữ số 01/2011/QH13 được tiếp tục sử dụng đến khi hết thời hạn ghi trên Chứng chỉ”. Trong khi đó, dự thảo Luật quy định Luật Lưu trữ (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 01/7/2025.

Như vậy sẽ có trường hợp được cấp Chứng chỉ hành nghề lưu trữ vào tháng 01/2025, chủ thể cấp là Giám đốc Sở Nội vụ, có giá trị 5 năm và sử dụng trên toàn quốc, là tháng 1/2030 mới hết hạn sử dụng. Trong khi đó, trường hợp được cấp tháng 7/2025 thì phải do Bộ Nội vụ cấp, “phải đạt yêu cầu kiểm tra nghiệp vụ do Bộ Nội vụ tổ chức” (điểm d khoản 3 Điều 56). Như vậy, chỉ cách nhau thời gian ngắn nhưng quy trình, thủ tục, chủ thể cấp thì khác nhau mà giá trị sử dụng lại như nhau trong khoảng thời gian 4, 5 năm. Do đó, đề nghị cần quy định điều khoản chuyển tiếp bảo đảm phù hợp hơn, rút ngắn khoảng cách khác biệt nêu trên./.

 

Theo: https://tcnn.vn/

平均 (0 票)

 

Statistical Access Statistical Access

User Online: 11,473
Total visited in day: 3,249
Total visited in Week: 14,520
Total visited in month: 213,463
Total visited in year: 2,543,481
Total visited: 81,758,328