Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu hai dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An và thành phố Đà Nẵng

|
查看数次:
font-size: A- A A+

Sáng 12/6/2024, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 34, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An và Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

Quang cảnh Phiên họp thứ 34, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (sáng 12/6/2024). Ảnh: quochoi.vn

Điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các nhóm vấn đề:

Thứ nhất, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An và Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng đã được tiếp thu phù hợp ý kiến của đại biểu Quốc hội, ý kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng, đáp ứng yêu cầu đặt ra khi xây dựng, sửa đổi, bổ sung cơ chế đặc thù cho tỉnh Nghệ An và thành phố Đà Nẵng hay chưa, các nội dung cần hoàn thiện thêm?

Thứ hai, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận cho biết quan điểm về các vấn đề lớn mà Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội xin ý kiến, tuy nhiên lưu ý hiện nay có các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau giữa cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo gồm: (1) mở rộng thêm phân quyền, quyết định biên chế cán bộ, công chức, viên chức của thành phố Đà Nẵng cho Hội đồng nhân dân thành phố; (2) bổ sung thêm cơ sở vật chất, kỹ thuật của các trường đại học, dạy nghề và các cơ sở vật chất, kỹ thuật của các bộ, ngành Trung ương trên địa bàn thành phố là tài sản phục vụ cho sự nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; (3) miễn trừ trách nhiệm trong thử nghiệm có kiểm soát các giải pháp công nghệ mới; (4) hỗ trợ kinh phí 5% trong lĩnh vực vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.

Thứ ba, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về hai dự thảo Nghị quyết khi tiếp thu, giải trình, chỉnh lý như đề xuất của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đã đủ điều kiện, bảo đảm chất lượng để trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7 này hay chưa?

Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với định hướng giải trình, tiếp thu các vấn đề lớn của hai dự thảo Nghị quyết theo đề xuất của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội. Đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung cho ý kiến về các nội dung liên quan đến các chính sách cho phép tỉnh Nghệ An được phân bổ thêm 50% số vốn đầu tư công nguồn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho địa phương giai đoạn 2026 - 2030 để đầu tư các công trình hạ tầng trọng điểm trên địa bàn tỉnh và phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn miền Tây tỉnh Nghệ An; chính sách cho phép các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được sử dụng ngân sách cấp mình để hỗ trợ cho tỉnh Nghệ An thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh đối với huyện Nam Đàn và địa bàn miền Tây tỉnh Nghệ An…

Đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung cho ý kiến vào các nội dung như: về nợ của chính quyền địa phương; về đầu tư, quản lý, khai thác và xử lý tài sản kết cấu hạ tầng khoa học và công nghệ phục vụ khởi nghiệp sáng tạo; về thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng; về cho phép thử nghiệm có kiểm soát các giải pháp công nghệ mới; về cơ chế chính sách phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo…

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, giải trình, tiếp thu các nội dung ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đảm bảo thể chế hóa các chủ trương của Đảng, đáp ứng các yêu cầu đặt ra khi sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù cho tỉnh Nghệ An và thành phố Đà Nẵng.

Đối với cơ chế đặc thù cho tỉnh Nghệ An, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị cần đánh giá tác động đối với việc mở rộng phạm vi được hỗ trợ để các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được quyền sử dụng ngân sách của địa phương để hỗ trợ cho các địa bàn cụ thể thuộc tỉnh Nghệ An như Chính phủ đã đề xuất ban đầu.

Đối với cơ chế đặc thù cho thành phố Đà Nẵng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị bổ sung đánh giá tác động đối với các chính sách mới bổ sung thêm so với Tờ trình ban đầu của Chính phủ như tăng mức dư nợ vay từ 60% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp lên 80%; bổ sung thêm Trung tâm dữ liệu và danh mục ngành nghề dự án ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược. Đồng thời, rà soát không quy định lại các nội dung đã quy định tại Điều 79 Luật Đất đai về thu hồi đất, đặc biệt là thí điểm thu hồi đất xây dựng Trung tâm logistics, chỉ quy định khi thực sự cần thiết và khác với các quy định của Luật Đất đai.

Về các nội dung còn có ý kiến khác nhau giữa cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo: (1) liên quan mở rộng thêm phân quyền quyết định biên chế cán bộ, công chức, viên chức của thành phố Đà Nẵng cho Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, vấn đề này chưa rõ, “chưa chín” nên không đề xuất và bàn về nội dung này; (2) bổ sung thêm cơ sở vật chất, kỹ thuật của các trường đại học, dạy nghề và các cơ sở vật chất, kỹ thuật của các bộ, ngành Trung ương trên địa bàn thành phố là tài sản phục vụ cho sự nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; (3) đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị nghiên cứu về việc miễn trừ trách nhiệm trong thử nghiệm có kiểm soát các giải pháp công nghệ mới; (4) về hỗ trợ kinh phí 5% trong lĩnh vực vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị nên làm rõ cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý và cơ sở lý luận, thực tiễn ưu và nhược điểm từng loại ý kiến, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để Quốc hội xem xét vấn đề này.

Ngoài các nội dung nêu trên, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trong Báo cáo thẩm tra cũng nêu nhiều ý kiến cụ thể, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị cơ quan thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu và giải trình đầy đủ các ý kiến này. Đồng thời giao Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội chủ trì phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoàn thiện Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý hai dự thảo Nghị quyết và thực hiện các bước công việc theo quy định để báo cáo trình Quốc hội xem xét, quyết định; giao Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội thông báo ý kiến Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tới các cơ quan liên quan để tổ chức thực hiện./.

 

Theo: https://tcnn.vn/

平均 (0 票)

 

Statistical Access Statistical Access

User Online: 6,990
Total visited in day: 10,208
Total visited in Week: 32,457
Total visited in month: 231,400
Total visited in year: 2,561,418
Total visited: 81,776,265